#OOTD vô ích cho thời trang, 'tệ nạn' cho tâm hồn

Số lượng bài đăng với những bức ảnh trang phục đi kèm cùng hashtag #ootd trên Instagram hiện đã hơn con số 2 triệu. Cùng với đó là lời cảnh báo của nhà phê bình thời trang - Caryn Franklin về hiện tượng 'chụp và trả' đầy mạo hiểm.

Trong số 10 người dân Anh thì 1 người cho biết họ mua quần áo online chỉ để chụp ảnh đăng trên các mạng xã hội, và gửi trả lại ngay sau đó để được hoàn tiền; trong số những người được hỏi, có gần 1/5 người thuộc độ tuổi từ 35 – 44.

#ootd đang thúc đẩy cách thức tiêu dùng loạn chức năng

Barclaycard, ủy viên ban tổ chức của cuộc nghiên cứu mới đây, cho biết phong trào “chụp và trả” này phát triển mạnh mẽ đến vậy là nhờ hiệu ứng hashtag “outfit of the day” (#ootd).

Tại hashtag này, người dùng Instagram đăng tải bức ảnh họ mặc những bộ trang phục khác nhau, tại những địa điểm khác nhau: trong phòng ngủ, bên bãi biển hay trên đường phố; và hashtag cực kì phổ biến này đến nay xuất hiện trong hơn 2 triệu bài đăng.

Điều này nói gì về bản thân chúng ta và những gì ta mặc? Với Caryn Franklin, nhà phê bình thời trang và nhà hoạt động vì thời trang bền vững, câu trả lời là: Chẳng có gì tốt đẹp.

Bà cho rằng, thời trang đẹp nhất là khi nó trao cho chúng ta cơ hội để khám phá và tự xây dựng nên bản thân, để tìm ra chúng ta muốn trở thành con người như thế nào. Caryn đã nhận thức điều này từ buổi đầu khi mới bước chân vào sự nghiệp, khi bà còn là nhà thiết kế riêng: “Tôi đã nhìn thấy nhiều điều kì diệu trong chiếc gương, khi những người phụ nữ bình thường chứng kiến sự thay đổi đầy lộng lẫy của họ mà không ai có thể chối cãi. Chúng ta mơ về con người mình ao ước trở thành và cảm thấy tốt đẹp hơn khi kết nối với họ qua những bộ trang phục”.

Trong thời đại của Instagram, danh tính tên tuổi trở thành một thương hiệu, và việc hòa vào phong trào mua và trả lại nhanh chóng đang tạo nên “một bản thân tạm thời”.

Caryn Franklin vẫn nhớ trải nghiệm thời trang khi chưa có kỹ thuật số với niềm khao khát chiếc váy, áo khoác hoặc đôi giày mơ ước, rồi tiết kiệm tiền và làm một chuyến mua sắm tới cửa hàng trước khi lao vào tận hưởng món đồ mới mua. Với bà, hashtag #ootd, cùng với những hashtag khác, đang cổ vũ cho “sự kết hợp giữa giả kim thuật hăng hái của lòng tự ái và cách tiêu dùng loạn chức năng”.

Đây là biểu hiện của mối quan hệ có vấn đề giữa chúng ta và thời trang ăn liền, Franklin nhận định, và có tác động tới môi trường và nền kinh tế, cũng như đối với tâm hồn con người. Nó không bền vững mà chỉ thôi thúc người ta thích sống ảo.

Hiện tượng này, được bà gọi là “minh chứng rõ ràng của sự sụt giảm giá trị của sản phẩm đại trà”, nó cho thấy một con số doanh thu bán hàng cao hơn nhưng chưa chắc đã tạo nên lợi nhuận lớn khi những đơn hàng chỉ “mượn” để chụp ảnh và bị trả lại sau đó.

Hoàng Hương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/ootd-vo-ich-cho-thoi-trang-te-nan-cho-tam-hon-82614.html