Ông Zelensky đối ngoại: từ chối Mỹ, thượng tôn thỏa thuận Minsk

Tân Tổng thống Ukraine sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp và Tổng thống Đức để bàn về các vấn đề liên quan đến thỏa thuận Minsk.

Tân Thổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có chuyến công du hai nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp trong tuần tới.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 13/6, trong chuyến thăm đầu tiên tới Pháp trên cương vị người đứng đầu Ukraine, ông Zelensky sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron vào chiều 17/6.

Thông báo nhấn mạnh các cuộc thảo luận sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tạo cơ hội giải quyết vấn đề hỗ trợ của Pháp đối với chương trình cải cách mà tân Tổng thống Ukraine mong muốn. Ngoài ra, hai bên dự kiến cũng sẽ trao đổi về "những cơ hội giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine" với sự hỗ trợ của Pháp và Đức.

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Đức cũng xác nhận Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeir sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky vào ngày 18/6 tại Cung điện Bellevue ở thủ đô Berlin. Ngoài ra, ông Zelensky dự kiến cũng sẽ có gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cùng ngày.

Tổng thống Zelensky sẽ có một loạt hành động ngoại giao với châu Âu trong tháng 6

Tổng thống Zelensky sẽ có một loạt hành động ngoại giao với châu Âu trong tháng 6

Trước đó, hồi đầu tháng 6/2019, Tổng thống Zelensky cũng đã có cuộc gặp với giới chức EU tại Brussels (Bỉ) trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Ngoài ra, Tổng thống Zelensky cũng để ngỏ khả năng sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một thời gian phù hợp, cả hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề thỏa thuận Minsk và tình trạng chiến tranh ở miền Đông Ukraine.

Như vậy, có thể thấy rằng trong hàng loạt những hành động ngoại giao gần nhất mà Tổng thống Ukraine đã và sẽ thực hiện, ông chú trọng vào mục tiêu dàn xếp mối quan hệ EU - Ukraine - Nga. Trong đó, việc tìm kiếm giải pháp để thỏa thuận Minsk được tôn trọng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Ukraine.

Cũng có thể thấy rằng, kể từ thời điểm vùng Donbass yêu cầu tự trị với sự hình thành của hai nhà nước tự xưng là Donetsk và Lugansk năm 2014, chính quyền Kiev đã tiến hành các hành động cứng rắn và theo đuổi hoạt động quân sự như một cuộc nội chiến.

Từ đó đến nay, thỏa thuận Minsk được 4 bên gồm Đức, Pháp, Ukraine, Nga thông qua là phương án giải quyết khả thi nhất để tìm kiếm hòa bình giữa Donbass và Kiev, đồng thời cũng là giải pháp duy nhất để ngăn chặn một cuộc nội chiến ở Ukraine.

Thời điểm đó, phương Tây có toan tính duy nhất là chấm dứt leo thang xung đột càng sớm càng tốt, đề phòng việc lính đặc nhiệm, bộ binh Nga hiện diện ngày càng đông ở Donbass, cũng như việc Nga gia tăng hậu thuẫn quân sự cho khu vực này. Thỏa thuận Minsk ra đời đã chấm dứt việc những người lính không phù hiệu xuất hiện ở Donbass, nhưng cũng chính thức công nhận sự hiện diện của hai nhà nước thân Nga ngay trong lòng Ukraine.

Lính Ukraine tại đường ranh giới với Donbass

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã liên tiếp cáo buộc Nga âm mưu chia rẽ Ukraine, thậm chí tham vọng sáp nhập Donetsk và Lugansk vào lãnh thổ của mình như trường hợp với Crimea. Thậm chí, Poroshenko theo đuổi quan điểm nội chiến, yêu cầu Mỹ và NATO viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí sát thương và các khoản chiến phí để theo đuổi nội chiến.

Việc gia tăng bất ổn ở miền Đông Ukraine cũng là một trong những toan tính của Mỹ. Washington muốn Donbass và Kiev trong tình thế đối đầu, từ đó dễ bề ngăn chặn các tư tưởng hòa giải giữa Nga và châu Âu, tiếp tục dồn ép châu Âu theo đuổi các biện pháp chống Nga.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa EU - Ukraine - Nga đã bước sang một trang mới với người lãnh đạo mới. Ông Zelensky đã cho thấy một bước đi sáng suốt hơn. Việc nhờ Pháp, Đức hỗ trợ giải quyết tình trạng Donbass là ngược lại hoàn toàn với người tiền nhiệm. Khi không có bàn tay Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục yêu cầu thỏa thuận Minsk được tôn trọng, đồng nghĩa với việc các biện pháp ngừng bắn sẽ được thi hành.

Sau đó, Đức, Pháp, Ukraine sẽ ngồi lại với Nga và đại diện Donbass để tìm kiếm một giải pháp hòa giải chính trị không tiếng súng. Đây cũng là lộ trình mà phía Nga cho rằng "không thể có giải pháp hiệu quả hơn". Với biện pháp này, Ukraine vẫn có thể giữ được Donbass, chấm dứt nội chiến, mặc dù rất có thể phải chấp nhận chế độ Liên bang.

Tổng thống Zelensky khi còn là diễn viên đã có những chuyến biểu diễn phục vụ binh sĩ ngoài tiền tuyến ở Donbass

Tuy nhiên, lời hứa của Zelensky khi tranh cử Tổng thống sẽ được thực hiện: ngừng bắn ở Donbass, tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế đất nước. Ông Zelensky vẫn khẳng định sẽ tham gia vào EU, NATO, nhưng với đường thẳng chứ không cần bất kỳ đường vòng nào.

Điều đó đồng nghĩa với việc ngoài phát triển kinh tế đất nước, còn phải ổn định chính trị, xã hội và đặc biệt không có xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh với nước ngoài. Trong quyết tâm ấy, Tân Tổng thống của Ukraine sẽ phải giải quyết cùng lúc 2 vấn đề: nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía EU, nhưng hòa hoãn, hạ nhiệt căng thẳng với Nga.

Đây là bước đi đối ngoại khôn ngoan, cách chọn đối tác phù hợp nhất với Ukraine vào lúc này. Chỉ có điều, Washington không thích nhìn thấy một Kiev hành xử lạ như vậy, họ tạo ra cách mạng màu để có một Kiev phụ thuộc chứ không phải Kiev tự lập.

Tuy nhiên, súng vẫn đang nổ ở Donbass, ông Zelensky vẫn còn thế khó. Thỏa thuận Minsk chưa được tôn trọng, một phần vì Tổng thống Ukraine vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề giải tán Quốc hội và bầu nội các mới. Cụ thể trong đó, yêu cầu cách chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng vẫn không được Quốc hội nước này tôn trọng.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-zelensky-doi-ngoai-tu-choi-my-thuong-ton-thoa-thuan-minsk-3381928/