'Ông vua sới vật' Tân Yên

Về mảnh đất Tân Yên (Bắc Giang), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh 'người người đấu vật, nhà nhà đấu vật'. Từ sới vật thôn quê này, nhiều đô vật đã trở thành tuyển thủ vật quốc gia tầm cỡ. Nhưng ít ai biết rằng, người đào tạo nên những tuyển thủ đó lại là một lão nông chân đất, quanh năm bám ruộng đồng mà bà con quen gọi là 'Ông vua sới vật'.

Ông Dương Văn Sản (người mặc áo) thử sức với một đô vật của làng.

Mê vật... “hơn vợ”

Trong khu nhà của ông Dương Văn Sản tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (xưa gọi là vùng Yên Thế Hạ) có hẳn một sới vật. “Từ lúc tôi còn nhỏ lắm, đi học mẫu giáo gì đó đã mê vật nhau lắm rồi”, ông Sản nhớ lại.

Trẻ con hồi đó, nếu muốn vật nhau phải được sự đồng ý, sắp đôi của người lớn. “Tôi mồ côi cha, không có người bảo hộ nên cứ đứng sấn trước mặt để xếp hàng đầu, mong ai đó cho vật. Thắng hay thua đều lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Khổ thế đấy” - Ông Sản bùi ngùi nhớ lại. Ngồi nói chuyện về vật, ông có thể kể cả ngày không biết chán. Và khi cao hứng, có thể xốc tới, quật tôi xuống sàn để diễn một miếng vật nào đó! Tôi không phải là người ham thích môn vật cho lắm, nhưng khi ngồi với ông, một người rừng rực cháy niềm đam mê vật, tôi cảm thấy một dòng khí nóng đang chạy khắp trong cơ thể và... bỗng muốn vào sới ngay! Tại sới vật này cũng như hàng chục câu lạc bộ vật ở khắp huyện, ông đã trở thành người thầy của hàng trăm môn sinh và điều đáng quý là ông chưa hề thu một đồng học phí nào. Tham gia sới vật của ông, mỗi môn sinh chỉ phải góp một bao trấu để làm sới thi đấu. Trong số rất nhiều học trò của ông, đã có tới hàng chục vận động viên (VĐV) cấp Kiện tướng, 8 VĐV cấp I và nhiều đô vật nặng ký lừng danh trong huyện, ngoài tỉnh.

Biết chồng đam mê vật quên cả việc nhà nhưng vợ ông, bà Hoàng Thị Quyết không phàn nàn nửa câu, nhiều khi còn phải mất công phục vụ thầy trò cơm nước để vật nhau uỳnh uỵch suốt ngày. “Ông ấy mê vật hơn cả mê tôi ấy chứ”, bà Quyết cười xòa. Nhìn sới vật của ông, tôi đoán chắc ông đã phải dẹp bỏ chuồng trâu và bếp để có đủ đất đổ trấu, trải bạt làm sới. Niềm đam mê của ông cũng đã truyền và ngấm vào mọi người trong gia đình. Cả vợ lẫn con ông đều hiểu và trân trọng niềm đam mê đó. Con gái ông là Dương Thị Cúc không hiểu sao cũng có “máu nghề” giống bố, luôn đam mê môn vật. Được bố trực tiếp dìu dắt, năm 2007, cô gái “chân yếu tay mềm” trở thành một đô vật có hạng. Hiện nay, Dương Thị Cúc đang là VĐV của đội tuyển vật Hà Nội. Ngoài việc huấn luyện, ông Sản còn có một biệt tài là nhìn “tướng” để đoán biết người đó có trở thành đô vật hay không. Ông xem trán, xem chân, xem cả tay. Gặp ai, ông cũng nhìn chằm chằm và đoán. Không chịu chồn chân ở nhà, trên chiếc xe đạp cũ rích, ông rong ruổi khắp nơi tìm nhân tài để đào tạo.

Giữ gìn cho đời sau

Nhìn sang đất vật Hiệp Hòa (Bắc Giang) cứ “đánh trống là thành hội”, ông Sản quyết tâm phải đưa đất Tân Yên thành một sới vật tập thể. Nghĩ là làm, ngoài sới vật ở nhà, ông Sản tích cực hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ trong huyện để thi đấu giao lưu. Không những vậy, ông còn bàn với lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tân Yên phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo đưa môn vật vào các trường học như một hoạt động ngoại khóa. Và rồi, lần lượt các trường THCS như: Song Vân, Lam Cốt, Ngọc Châu, Hợp Đức, Cao Xá... đều đã đưa môn vật đến với các em học sinh. Có lẽ đây là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa môn vật vào trường học và đã cho kết quả khả quan. Điển hình là trường THCS xã Song Vân, hiện tại đã có hàng trăm “đô vật nhí”. Tất cả các em đều đam mê môn võ truyền thống của quê hương. Thậm chí, nhiều học sinh ở các trường khác cũng “lóc cóc” mò sang xin tham gia sới vật. Ông tận tình chỉ bảo các em từng động tác, từ đơn giản đến phức tạp, có bao nhiêu ngón đòn, ông đều truyền dạy lại hết.

Bây giờ, trong nhiều ngôi trường ở huyện Tân Yên, môn vật đã trở nên gần gũi, thân thiết với hàng ngàn học sinh. Với ông Sản, người có niềm đam mê cháy bỏng môn vật thì việc có nhiều học sinh vào sới giúp ông ít phải ra đường để nhìn “tìm đô”, lôi kéo người ta về sới huấn luyện. Như thế, nỗi lo canh cánh về sự mai một của môn thể thao truyền thống sẽ không còn đè nặng trong lòng ông. Nhưng nếu một ngày, bạn về đất Tân Yên, cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một lão nông đạp xe phăng phăng đuổi theo gặng hỏi: “Cậu có theo tôi học vật không, cậu có tướng làm đô vật đấy”, thì đó chính là Dương Văn Sản - ông vua của sới vật Tân Yên.

Kế Toại

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ong-vua-soi-vat-tan-yen/