Ông 'vua sách' phố Đinh Lễ

Nép mình yên tĩnh trên gác 2 của khu tập thể số 5 Đinh Lễ (Hà Nội, gần 30 năm nay ông Lê Luy – chủ nhà sách Mão vẫn cần mẫn, miệt mài 'giữ lửa' cho văn hóa đọc giữa lòng phố thị.

“Vua sách” phố Đinh Lễ

Lâu nay, khu tập thể số 5 Đinh Lễ được biết đến là khu tập thể nhiều sách nhất Hà Nội. Theo chân những bạn trẻ yêu sách, tôi được dẫn đến một con ngõ thấp, hẹp, sâu hun hút. Tò mò tiến vào sâu hơn, mũi tên chỉ đường trên tấm biển cũ kĩ dắt tôi qua những bậc thang vừa cao, vừa dốc. Dưới tán cây si cổ, "vương quốc" sách của ông bà Luy – Mão từ từ hiện ra, gần gũi, thân thuộc.

 Con ngõ nhỏ cũ kĩ dẫn lên căn gác ngập tràn sách giữa lòng Phố cổ.

Con ngõ nhỏ cũ kĩ dẫn lên căn gác ngập tràn sách giữa lòng Phố cổ.

Nhiều thế hệ bạn đọc Thủ đô vẫn trìu mến gọi ông Luy, bà Mão - chủ của nhà sách Mão là “vua sách”. Không chỉ bởi ông bà là người đầu tiên đặt nền móng, khai sinh ra phố sách này. Mà còn vì sự tận tâm, cần mẫn của ông chủ nhà sách đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thế hệ bạn đọc.

Trò chuyện với ông Lê Luy trong một buổi chiều thưa khách. Mặc dù đã 80 tuổi, ông “vua sách” vẫn hóm hỉnh, hoạt bát. Bên khoảng sân đầy nắng, ông say sửa kể về cái nghiệp bán sách gắn bó với cuộc đời mình: “Mình nghỉ hưu năm 1990, thời điểm ấy gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả nhà chỉ trông chờ vào vài đồng lương ít ỏi, cả chút tiền đi làm thêm trong khi phải nuôi con nhỏ. Thế là vào thời điểm ấy, vợ mình, bà Phạm Thị Mão, nguyên cán bộ Tổng công ty phát hành sách Trung ương cũng nghỉ hưu luôn. Nhà mình bàn nhau rồi cùng quyết định vay vốn để bán sách. “Cửa hàng” sách ban đầu chỉ là một xe đẩy nhỏ cùng ít sách được 2 vợ chồng bày bán ở trước Bưu điện Bờ Hồ. Nhờ buôn may bán đắt, qua vài năm bươn chải, nhà mình cóp nhặt, vay mượn mua được một căn nhà nhỏ, cũ trên gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ để ở và mở rộng việc kinh doanh sách”.

Những gian phòng chất ngổn ngang những sách là sách, người mua phải khéo léo lấy, chọn để các chồng sách cao ngang đầu tránh rơi, đổ.

Nhấp chén trà ấm, ông kể tiếp: “Nhiều người thắc mắc tại sao nhà tôi lại chọn vị trí sâu hút trong khu tập thể này. Vừa chật chội, vừa khó tìm. Nhưng chỉ có tôi và bà Mão tin rằng đó là vị trí đắc địa, yên tĩnh, râm mát nhưng lại nằm ngay phố cổ, gần khu dân trí cao”.

Sau nhiều năm tháng kiên trì bán sách, thần may mắn bỗng “mỉm cười” với ông bà. Vào năm 1996, nhờ quyết định sáng suốt của bà, nhà sách xuất bản thành công cuốn sách "thần" Almanach - những nền văn minh thế giới, thu về số tiền lãi "siêu khủng" lên tới 500 cây vàng. Từ đây, nhà sách Mão mở rộng, mua thêm được 4 gian phòng kế bên, đem về hàng triệu cuốn sách được phân chia khoa học, hợp lí. Nhờ đó mà bạn đọc tìm đến đây ngày một đông. “Khách của cửa hàng cũng rất đa dang, không chỉ là các bạn trẻ mà còn có cả những cán bộ hưu trí, những vị nguyên thủ nổi tiếng đã về hưu, hay những gia đình nhiều thế hệ cùng nhau lên đây chọn sách”, ông Luy chia sẻ thêm.

Nhiều cán bộ văn hóa tới chơi đã nói đùa với ông bà rằng: “Ông bà chính là ‘nhà vua’ của phố sách”.

Đến đầu những năm 2000, thấy cửa hàng làm ăn được, những nhân viên ngày nào bán sách cho ông tách ra làm riêng, họ trải chiếu xuống vỉa hè bán sách. Nhiều người khác, từ khắp nơi thấy vậy cũng mang chiếu, sách về đây, sau có vốn lại mở cửa hàng mới. Từ căn gác nhỏ của ông bà, phố Đinh Lễ ngày nay đã trở thành phố sách, kho tri thức khổng lồ của Thủ Đô.

“Sách là máu thịt của tôi…”

Đôi bàn tay run run, giọng trầm xuống, ông Luy cho biết, cuối tháng 5 vừa rồi bà Mão mất, sau nhiều năm tháng kiên trì chống chọi với bệnh tật. Căn gác nhỏ số 5 Đinh Lễ vì thiếu bà mà cũng trở nên buồn hơn. Năm gian sách nhỏ bà để lại, từ đây do một mình ông Luy “chăm sóc”.

Ông Luy bảo: “Sách là máu thịt của tôi, của vợ tôi, làm sao bỏ được”. Có lẽ cũng bởi lí do này nên dù tuổi đã cao, lại bị căn bệnh parkinson nhưng ông vẫn cố gắng, tiếp tục bán sách, trao đi những tri thức, tâm huyết của bà cùng ông đã cố gắng, tận tụy suốt bao nhiêu năm.

Mất đi người bạn đời, bạn nghề tận tâm, ông Luy chỉ còn mở cửa 5 ngày trong tuần (thay vì 7 ngày như trước). Những ngày nghỉ, ông dành thời gian sửa sang cửa hàng, khám bệnh, làm thơ và vui những thú vui tuổi già.

Là người hiện nay đang giúp ông Luy quản lí, bán hàng, chị Trịnh Thị Trang chia sẻ: “Ông Luy là một người rất dí dỏm, yêu đời và tốt bụng. Ông cho rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên không có tiền đến đây đọc nhờ sách. Thỉnh thoảng có những người khách lạ đến mua nhưng thiếu tiền, ông vẫn cho khất nợ. Một thời gian sau họ mới đến trả, lâu dần thành khách quen của ông”.

Được biết, do cơn bão số 11 gây mưa lớn, ống thoát nước không tải nổi làm nước tràn hết vào gian sách số 1. Nhà sách của ông thiệt hại mất mấy bao tải sách, sửa sang mất cả tuần. Dẫu vậy ông vẫn vui vẻ tiếp đón các bạn đọc và làm từ thiện ủng hộ đồng bào lũ lụt. Với tấm lòng Ông đã gửi 25 triệu đồng cho các trường học ở Hà Giang, vừa để họ khắc phục thiệt hại sau lũ, vừa giúp các trường ở đây có thể mua thêm thật nhiều sách cho học sinh.

Những kỉ niệm về vợ được ông lưu giữ cẩn thận trong quyển album đã cũ.

Ngoài ra, ông Luy cũng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dành gian sách số 5 (mặt phố Tràng Tiền) cho các bé, các bạn nhỏ yêu sách đến tìm hiểu với kho tri thức khổng lồ. Ít ai biết rằng, với diện tích như thế trên con phố nổi tiếng, nếu kinh doanh hoặc cho thuê, thu nhập của ông còn cao gấp nhiều lần.

Hoàng hôn buông cũng là lúc nhà sách nghỉ ngơi, đóng cửa. Tạm biệt ông Luy, tâm trí tôi sẽ mãi lưu giữ những ấn tượng đẹp về một ông “vua sách” vẫn hàng ngày miệt mài truyền đi sự yêu đời và văn hóa đọc. Giữa chốn đô thành náo nhiệt, có lẽ những vần thơ, cuốn sách và câu chuyện về cửa hàng của ông "vua sách" sẽ luôn được lớp lớp các thế hệ bạn đọc Thủ đô trân quý.

Ngô Quang Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ong-vua-sach-pho-dinh-le-301298.html