Ông Vũ Tiến Lộc: Làm ăn chụp giật, tận dụng cơ chế xin, cho… là cách làm ăn thiếu bền vững, thiếu trách nhiệm

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để cải cách về thể chế, điều hành…đang là động thái, là xu hướng rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong điều hành của Chính phủ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI): "Một trong những đặc trưng rất quan trọng của Chính phủ kiến tạo là sự đối thoại, sâu sát, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp". Ảnh: Minh Khánh

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI): "Một trong những đặc trưng rất quan trọng của Chính phủ kiến tạo là sự đối thoại, sâu sát, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp". Ảnh: Minh Khánh

Cộng đồng kinh doanh thời gian qua đã thấy rõ những định hướng, cam kết của Chính phủ. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ. Nhiều điều kiện cũng được rà soát lại nghiêm túc, sửa đổi và thay thế.

-Có lẽ chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam dành nhiều thời gian để đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay, thưa ông?

+ Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được thành lập, với chủ chương xây dựng Chính phủ kiến tạo thì Chính phủ đã có một loạt hành động rất thiết thực để thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tiếp tục với những mục tiêu mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, nhiệm kỳ Chính phủ mới còn có Nghị quyết 35 – là đặc sản của nhiệm kỳ này. Lần đầu tiên Chính phủ có một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ với mục tiêu hướng tới có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Cùng với việc đặt ra hai mục tiêu như vậy Chính phủ còn có một loạt chương trình hành động rất cụ thể liên quan đến thủ tục hành chính, chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong những đặc trưng rất quan trọng của Chính phủ kiến tạo là sự đối thoại, sâu sát, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ và các phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ đã khá sâu sát với thực tiễn, các hội nghị xúc tiến đầu tư… Các cuộc làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với địa phương bao giờ cũng đặt ra các nhiệm vụ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, rồi các cuộc đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, các cuộc đối thoại theo từng ngành, từng lĩnh vực...

Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động rất mạnh mẽ thời gian qua. Qua đó Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng, Chính phủ Việt Nam rất cầu thị lắng nghe ý kiến của cộng đồng kinh doanh quốc tế. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức 6 tháng/lần và đây cũng là diễn đàn có chất lượng, qua đây, cộng đồng kinh doanh quốc tế có thể kiến nghị đối với môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.

Ngay cả trong các chuyến đi công tác nước ngoài, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng dành nhiều thời gian để gặp gỡ các nhà kinh doanh để không chỉ để xúc tiến, mời gọi đầu tư mà còn lắng nghe ý kiến của họ.

Như vậy, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để cải cách về thể chế, điều hành… đang là động thái, là xu hướng rất quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và trong điều hành của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

-Dù vậy, so với các quốc gia khác thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải "gánh" nhiều khoản chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu, thưa ông?

+ Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đang được cải thiện tích cực nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo bởi những quy định pháp luật và sự không nhất quán trong việc thi hành. Điều này đang tạo lên sự thiếu minh bạch và sự thiếu minh bạch đó, những quy định khác nhau của những văn bản khác nhau đã tạo ra những khoảng trống và khoảng trống này rất dễ bị lợi dụng.

Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp thì những cơ quan công chức cũng lúng túng. Người dân và doanh nghiệp rất khó khăn và những kẻ trục lợi thì lợi dụng sự mập mờ, không rõ ràng của các quy định pháp lý, hành chính như vậy để gây nhiễu nhương cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí không chính thức một phần còn là do thái độ, hành vi ứng xử đạo đức công vụ, mặt khác do những quy định pháp lý liên quan đến đầu tư kinh doanh còn thiếu rõ ràng…

-Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để xóa bỏ sự cách biệt giữa văn bản và thực thi?

+ Cải cách thể chế vẫn tiếp tục là một nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ, bởi hệ thống pháp lý, thủ tục liên quan đến môi trường kinh doanh bản thân nó đã rắc rối trong hệ thống quy định đó.

Dù chúng ta đã cải thiện rất nhiều nhưng cũng chỉ mới xếp thứ 5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh. Thời gian thực hiện các quy định về thủ tục hành chính của nước ta vẫn xếp thứ 68 của thế giới, nghĩa là đang mức trung bình của thế giới.

Khi thể chế của chúng ta vẫn ở mức trung bình của thế giới thì chúng ta không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, thể chế, hệ thống luật pháp, các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh… vẫn tiếp tục là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta phải tập trung giải quyết chứ không phải chỉ vấn đề thực thi.

Thông điệp, chủ trương, đường lối thì rõ rồi nhưng những cụ thể hóa trong các thiết chế, quy định về thể chế, đặc biệt là những quy định hành chính… thì còn phải nỗ lực rất nhiều.

Chúng ta đang không chỉ gặp vấn đề về khâu thực hiện mà ngay cả về hoàn thiện pháp lý, thể chế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Nghị quyết của Đảng chỉ ra rất rõ rằng, từ nay đến năm 2020 chúng ta phải hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập theo những chuẩn mực tiên tiến của các nền kinh tế hiện đại và hội nhập, đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế…

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đang không chỉ gặp vấn đề về khâu thực hiện mà ngay cả về hoàn thiện pháp lý, thể chế.

Tôi vừa đi các địa phương, người ta nói nhiều về tình trạng, trên "nóng", dưới "nóng", giữa còn "lạnh". Sự trì trệ, bảo thủ đôi khi nằm ở các cục, vụ, viện… của các bộ. Các sở, ban ngành địa phương, lãnh đạo địa phương… cũng rất tích cực do họ ở sát với dân, với doanh nghiệp và chịu áp lực của cải cách, đổi mới, do sự giám sát của người dân nên họ rất "nóng", nhưng một số bộ phận khâu trung gian thì chưa "nóng".

Cộng đồng doanh nghiệp phải minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Ảnh: Nam Nguyễn

Tôi cho rằng, vấn đề thực thi rất quan trọng. Việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, năng lực, liêm chính… là vô cùng quan trọng.

-Còn về phía doanh nghiệp, họ cần phải nỗ lực như thế nào trước sự quan tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho, thưa ông?

+ Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Cộng đồng doanh nghiệp phải phát triển bền vững, đảm bảo kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp phải đặt con người ở vị trí trung tâm. Làm ăn chụp giật, tận dụng cơ chế xin – cho… là cách làm ăn thiếu bền vững, thiếu trách nhiệm.

Trong thời đại 4.0, tôi cho rằng, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến công nghệ mà phải nghĩ đến văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Bạn hàng, đối tác… sẽ lựa chọn những làm ăn có trách nhiệm, những doanh nghiệp luôn đảm bảo lợi ích cộng đồng.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ong-vu-tien-loc-lam-an-chup-giat-tan-dung-co-che-xin-cho-la-cach-lam-an-thieu-ben-vung-thieu-trach-nhiem-20181015110053118.htm