Ông Võ Văn Hoan: Đừng bao giờ nhắc chuyện máy đo tiếng ồn karaoke nữa

'Lâu nay ta thường thiên về hướng có máy đo để xác định cường độ tiếng ồn. Thậm chí, cơ sở cứ vin vào máy đo, không có thì không làm được', Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói.

Hàng loạt vấn đề và đề xuất giải pháp để xử lý vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại TP.HCM được đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện nêu ra tại buổi họp về xử lý ô nhiễm tiếng ồn sáng 9/3.

Hầu hết ý kiến cho rằng trong các nguồn gây ồn, nhóm tiếng ồn từ hoạt động sinh hoạt của người dân là vấn đề thành phố cần tập trung giải quyết.

Đừng đổ hết cho quy định pháp luật

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết trong thực tiễn, vấn đề khó nhất về xử lý tiếng ồn tại khu dân cư là có chứng cứ và bắt quả tang để xử lý. Theo quy định hiện nay, cán bộ không có thẩm quyền thuê đơn vị độc lập có chức năng kiểm tra.

Ông Hiếu đề xuất vận dụng hương ước, đề nghị cơ sở kinh doanh, người dân thường xuyên hát karaoke cam kết không gây ồn. Bên cạnh đó, hiện thiết bị đo tiếng ồn ngoài thị trường rất nhiều, thành phố có thể đào tạo cán bộ và cấp chứng nhận về chức năng thẩm định.

 Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao TP.HCM Trần Thế Thuận phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thu Hằng.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao TP.HCM Trần Thế Thuận phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thu Hằng.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường thì đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương tăng mức xử phạt. Song, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận không đồng tình.

"Tôi không đồng ý việc có vấn đề gì khó thì đổ hết cho pháp luật. Xử lý đúng người, đúng nơi thì sẽ có sức răn đe chứ không phải phạt 10-20 triệu mà người ta sợ", ông Thuận nêu quan điểm.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao cho biết tại một số tỉnh, lực lượng chức năng áp dụng vận động, nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt và có hiệu quả. Dù TP.HCM có mật độ dân cư dày đặc hơn, nhưng các địa phương khác làm tốt nghĩa là quy định hiện hành có hiệu quả.

Nói về việc bổ sung không gây ô nhiễm tiếng ồn vào quy ước, hương ước, ông Thuận cho biết Sở Văn hóa, Thể thao đã thực hiện từ tháng 3/2020, nhưng đến nay, tình trạng vẫn tái diễn. Trong khi đó, TP.HCM có trên 90% hộ gia đình văn hóa, trên 90% khu dân cư văn hóa.

Hai giai đoạn để xử lý ô nhiễm tiếng ồn

Phát biểu kết luận buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tái khẳng định tiếng ồn là vấn nạn đô thị mà thành phố cần tập trung xử lý.

"Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh, được làm ăn hợp pháp. Nhưng Nhà nước dứt khoát không chấp nhận hành vi từ kinh doanh, mua bán, hoạt động mà tác động ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh", ông Hoan quán triệt.

Ông khẳng định thành phố đặt mục tiêu số 1 là tuyên truyền. Bởi lẽ, nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động ca hát. Thậm chí, chính họ cũng có thể là nạn nhân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, với mỗi loại hình vi phạm sẽ áp dụng một nghị định khác nhau để xử lý.

"Lâu nay ta thường thiên về hướng có máy đo để xác định cường độ tiếng ồn. Nhưng nó chỉ áp dụng được trong không gian cụ thể chứ không gian công cộng không thể áp dụng được. Từ nay về sau, đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nữa. Cứ loay hoay việc không có máy đo để buông không quản lý là không đúng. Thậm chí, cơ sở cứ vin vào máy đo, không có thì không làm được", ông Hoan nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: "Từ nay về sau, đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nữa. Cứ loay hoay việc không có máy đo để buông không quản lý là không đúng". Ảnh: Thu Hằng.

Lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương mở đợt cao điểm từ nay đến cuối năm, có thể gọi là "vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta". TP sẽ xử lý triệt để, mục tiêu đến cuối năm không còn tình trạng này.

Theo đó, TP sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ nay đến tháng 5/2021. Nhiệm vụ là tập trung tuyên truyền, vận động người dân cam kết, kiểm tra, nhắc nhở, biên tập lại tài liệu về ô nhiễm tiếng ồn để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, các khu chung cư cần có quy định dứt khoát không ca hát gây ồn. Tại các khu dân cư, ông Hoan đề nghị tất cả phường/xã, quận/huyện phổ biến cho người dân. Qua đó, ngành chức năng chọn một số trường hợp thường xuyên vi phạm, bị phản ánh nhiều lần, vận động họ thực hiện cam kết.

Quan điểm của ông Hoan là vận động người dân không thực hiện việc bật nhạc, ca hát gây ồn. Chẳng hạn, ở quán ăn, nếu có hát với nhau thì cũng phải hát trong phòng kín, âm thanh vừa phải, áp dụng các biện pháp như với kinh doanh karaoke.

Giai đoạn 2 là từ tháng 6 đến hết năm 2021, TP tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Qua đó, ông Hoan nêu 4 nghị định có thể áp dụng để xử phạt. Thứ nhất là Nghị định 100 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), nếu ca hát mà để xe ở lòng đường thì có thể kiểm tra, xử lý. Thứ 2 là Nghị định 167 xử phạt về hành vi vi phạm trật tự xã hội. Ngoài việc phạt tiền, có thể áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm.

Thứ 3 là Nghị định 155 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông Hoan cho rằng việc xử lý vi phạm này không khó. Các cán bộ địa phương có thể đóng vai thực khách, ghi âm, ghi hình lại vi phạm nếu có, rồi gọi chủ quán đến trao đổi.

Cuối cùng là Nghị định 98 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Đối với các kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường về đề xuất Chính phủ điều chỉnh luật, ông Hoan cho rằng nguyên tắc cơ bản của văn bản pháp luật là tính khả thi trên cả nước. Mức xử phạt 100.000 đến 300.000 là thấp với khu đô thị nhưng với vùng quê là mức phạt lớn.

Chủ tịch phường lên tiếng việc xử lý vấn nạn karaoke Ông Phan Đình Anh, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM) kiến nghị, cần có phần mềm đo cường độ âm thanh (dB) để xử lý nạn karaoke tự phát.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-vo-van-hoan-dung-bao-gio-nhac-chuyen-may-do-tieng-on-karaoke-nua-post1191068.html