Ông Trương Quý Dương lý giải gì việc một ngày ký 3 văn bản về sửa chữa RO số 2?

Luật sư đã đặt câu hỏi với ông Trương Quý Dương về việc tại sao ký 3 văn bản gồm: Văn bản phê duyệt hệ thống nước RO, văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng số 315 trong cùng 1 ngày và ông Dương đã có những lý giải xung quanh việc ký các văn bản này.

Ký 3 văn bản về sửa chữa RO số 2 trong một ngày!

Trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và nhiều bị cáo khác liên quan tới vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng 17/1, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Văn phòng Luật sư Hoàng Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân tử vong đã hỏi cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương về việc ký kết văn bản, hợp đồng sửa chữa hệ thống RO số 2.

Trả lời câu hỏi của Luật sư về việc có biết Hợp đồng 315 (Hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO số 2) hay không?, ông Trương Quý Dương cho biết: “Tôi là người trực tiếp ký hợp đồng này sau khi Phòng Tài chính kế toán của bệnh viện trình lên. Do vậy, làm sao tôi không nhớ được. Tôi còn nhớ chính xác nội dụng thương thảo hợp đồng và các vấn đề liên quan khác”.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung đã đặt câu hỏi với ông Trương Quý Dương về việc tại sao ký 3 văn bản gồm: Văn bản phê duyệt hệ thống nước RO, văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng số 315 trong cùng 1 ngày (25/5/2017)?, ông Trương Quý Dương cho biết, việc văn bản nào có trước văn bản nào có sau, ông đều trao đổi với thuộc cấp. “Về mặt nguyên tắc là mỗi một đầu việc thì về mặt tương lai sẽ có những công việc gì, văn bản gì thì tôi yêu cầu các bộ phận giúp việc chuẩn bị trên tinh thần dự thảo đầy đủ cho tôi. Những việc nào mà tôi có thể cùng một lúc ký được thì tôi sẽ ký cùng một lúc còn việc nào phải tách biệt ra tôi sẽ có yêu cầu cụ thể", ông Trương Quý Dương trả lời.

Ông Trương Quý Dương tại tòa.

Tại sao những văn bản với tính chất khác nhau và cần phải có một khoảng thời gian thì mới thực hiện được các văn bản tiếp theo nhưng lại được ký cùng một thời điểm? Tại sao 3 văn bản này được ký trong cùng 1 ngày?, luật sư Trung tiếp tục hỏi, ông Dương nói rằng: “Chỉ có người nào đã từng làm, từng biết việc triển khai công việc như thế nào mới dễ giải thích".

“Đúng, mỗi việc là phải có trình tự nhưng không có nghĩa và cũng không có quy định nào là văn bản A ký xong rồi chờ ngày ký văn bản B. Bởi vì đây là căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc cụ thể", ông Dương cho biết.

Ông Trương Quý Dương cũng thừa nhận việc ký 3 văn bản trên cùng ngày và giải thích rằng: "Đối với bệnh viện thì hợp đồng sửa chữa, hợp đồng mua bán rồi nhiều loại hình thức khác, làm rất nhiều.Chính vì vậy, các bộ chuyên môn biết rất rõ để hoàn thành, hoàn tất một nội dung công việc thì sẽ gồm những cái gì. Và ví dụ những nội dung đó qua quá trình thương thảo thấy rằng có thể trong một thời gian hoàn tất nội dung. Để tiết kiện thời gian cho Bệnh viện, cho đối tác và cho bộ phận đó không phải mỗi lần lại chạy lên trình thì đây là quy định của tôi và nhân viên thực hiện theo quy định đó".

Tại tòa, bà Vũ Thị Thực – nguyên Trưởng phòng tài chính kế toán – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bà là người trình giám đốc ký hợp đồng 315 ký hợp đồng vào 25/5/2017, khi chuyển đến phòng Giám đốc thì ông Dương không có ở phòng nên tôi để ở trên bàn. Người trực tiếp soạn thảo và in ấn Hợp đồng 315 là nhân viên của bà – kế toán viên Cấn Thị Thoa.

Theo bà Vũ Thị Thực, để soạn thảo biên bản hợp đồng phải tuần thủ quy trình, thủ tục đấu thầu. Theo bà Thực, bà trực tiếp nhận hồ sơ của quá trình và tổ chức gói thầu sửa chữa RO số 2 từ bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên nhân viên phòng Vật tư y tế).

“Chị Thoa nhận các giấy tờ liên quan từ Trần Văn Sơn - cựu kỹ thuật viên Phòng vật tư bệnh viện, gồm giấy đề nghị sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2, biên bản làm việc giữa Khoa Điều trị tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo và Phòng vật tư của Bệnh viện, số tiền dự toán hơn 99 triệu đồng và bản báo giá của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn để làm thương thảo hợp đồng và trình ông Trương Quý Dương duyệt”, bà Thực nói.

Chất lượng nước là trách nhiệm của phòng Vật tư

Tại phiên tòa, các luật sư đã hỏi các bị cáo để làm rõ trách nhiệm về chất lượng nước RO.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực không có chức danh kỹ thuật viên, nhưng có đơn vị phụ trách vai trò của kỹ thuật viên - cụ thể vai trò đó là Phòng vật tư. Dù không có văn bản giao nhiệm vụ làm kỹ thuật viên cho phòng vật tư, tuy nhiên cần phải hiểu rõ đó là nhiệm vụ mặc định.

"Mỗi một bộ phận trong bệnh viện có rất nhiều trách nhiệm có trách nhiệm trực tiếp và có trách nhiệm gián tiếp. Đảm bảo chất nước cho lọc máu thuộc trưởng khoa, trưởng khoa giao cho ai người đó sẽ chịu trách nhiệm", ông Trương Quý Dương nói.

Bị cáo Hoàng Đình Khiếu - Cựu Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khai, trách nghiệm thuộc về trưởng khoa, nhưng phòng không có kỹ thuật viên nên việc hỏng hóc đều báo cho phòng Vật tư vì ở đó có kỹ thuật viên. Việc Đơn nguyên không có kỹ sư thì phòng Vật tư phải chịu trách nghiệm. Giống như thuốc hay sửa máy móc, Đơn nguyên không tự sản xuất được, mà lĩnh các dịch lọc và vật tư tiêu hao từ phòng Vật tư và khoa Dược.Trên thực tế theo quy chế bệnh viện, thì trưởng khoa Lọc máu chịu trách nghiệm về nước nhưng khoa không có kỹ sư, đương nhiên việc chịu trách nghiệm thuộc về khoa lọc máu.

Bị cáo Hoàng Công Lương.

Theo lời ông Khiếu, lần sửa chữa hôm xảy ra sự cố giao cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng, việc điều dưỡng Hằng nhận thiết bị tức là việc đảm bảo chất lượng nước mới nhận về. Với vai trò trưởng khoa hồi sức tích cực, trước sự cố việc sửa chữa nước khoa có phải lập kế hoạch chuyển các bệnh nhân không sang các bệnh viện khác không? Bị cáo Khiếu khai, không biết thời gian sửa chữa bao lâu, phòng vật tư không thông báo thời gian sửa chữa nên không có kết hoạch chuyển bệnh nhân sang các đơn vị khác. Bình thường, các lần sửa chữa trước đây không đợi kết quả xét nghiệm nước mà sẽ chạy thận ngay.

Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Sơn - nhân viên Phòng vật tư lại cho biết, bị cáo không được đào tạo về chất lượng nước và nói rằng, công việc được giao là nhiệm vụ sửa chữa tại đơn đơn nguyên lọc máu. Việc giao nhiệm vụ tại đơn nguyên lọc máu là hoàn toàn phù hợp với chức trách nhiệm vụ của bị cáo. Ngày 28/5, Bùi Mạnh Quốc đến sửa hệ thống RO, Sơn đến nhưng rời đi và không báo với bị cáo Trần Văn Thắng.

Về văn bản, luật sư Hoàng Ngọc Biên hỏi bị cáo Quốc làm rõ nội dung đến việc bàn giao thiết bị vật tư liên quan đến hệ thống RO.

Luật sư hỏi quy trình bàn giao sửa chữa máy lọc nước, bị cáo có nhận hệ thống nước RO từ phòng Vật tư không? Bị cáo Quốc khai rằng, trước ngày 25/5 đến bệnh viện Đa khoa Hòa Bình gặp bị cáo Sơn nhận bàn giao, nhưng ngày 28/5 bị cáo không bàn giao máy cho bị cáo Sơn. Luật sư hỏi trong bút lục có biên bản bàn giao có chữ ký của Quốc Bị cáo nói: “Khi sự cố xảy ra bị cáo Sơn đưa cho bị cáo Quốc, bản đó chỉ là bản tường trình”. Tuy nhiên về sự việc này bị cáo Sơn khai, biên bản bàn giao ký vào buổi sáng hôm sau, sau khi sự cố xảy ra. Bị cáo khai việc có biên bản bàn giao để hoàn thiện các thủ tục theo lãnh đạo khoa.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ong-truong-quy-duong-ly-giai-gi-viec-mot-ngay-ky-3-van-ban-ve-sua-chua-ro-so-2-1173678.html