Ông Trump rời Nhà Trắng, Mỹ và NATO sẽ đổi vai?

Khác với người tiền nhiệm đòi đồng minh trả thêm tiền để quân đội Mỹ bảo vệ, ông Joe Biden sẽ biến đồng minh NATO thành 'lính đánh thuê'.

Ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ (20/01/2021) đang đến gần, giới phân tích đang tập trung sự chú ý vào những nét chính trong chính sách đối ngoại của tân chính quyền Mỹ.

Bên cạnh sự đối đầu với Nga và Trung Quốc, quan hệ hiện không mấy tốt đẹp giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt là vấn đề được quan tâm nhất.

Các chuyên gia dự đoán rằng, mối quan hệ giữa Mỹ với NATO và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu dưới thời ông Biden, mặc dù vẫn có những “hạt sạn nhỏ” nhưng sẽ nồng ấm hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Donald Trump từng khiến NATO lo lắng khi đòi rút quân Mỹ khỏi châu Âu

Donald Trump từng khiến NATO lo lắng khi đòi rút quân Mỹ khỏi châu Âu

Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 (National Security Strategy - NSS) và Bản tóm lược năm 2018 về Chiến lược Hỗ trợ Quốc phòng (NDS) có thể sẽ vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong chính quyền mới, cụ thể là: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cạnh tranh quyền lực với Nga và Trung Quốc; khôi phục sự hậu thuẫn cho các liên minh của Hoa Kỳ trên khắp Âu-Á và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với NATO; cũng như cải thiện khả năng quân sự của Hoa Kỳ nhằm hạn chế các lợi ích địa-chính trị tiềm tàng của Nga ở Đông Âu.

Chính quyền mới có thể sẽ có những hoạch định chính sách khác biệt với so với thời ông Donald Trump, cụ thể là ông Biden sẽ ưu tiên hàn gắn quan hệ với các đồng minh, sau khi người tiền nhiệm đã rút khỏi một số thỏa thuận quốc tế, khiến các đồng minh và đối tác không vừa lòng.

Ông Biden đã từng nhấn mạnh rằng, ông sẽ tìm cách cải thiện các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị tổn hại dưới thời Tổng thống Trump, người có mối quan hệ căng thẳng với cả EU và NATO, cũng như các đối tác ngoài khối; cư xử với Liên minh châu Âu theo kiểu “kẻ bề trên”, áp đặt thuế quan nặng nề đối với các sản phẩm của châu Âu; đòi các thành viên NATO phải chi nhiều tiền hơn và ép các đồng minh trên toàn cầu như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia…, phải trả thêm tiền cho cái ô bảo vệ của Mỹ.

Trái ngược với ông Trump, người mà năm 2016 đã gọi NATO là “lỗi thời” và không ít lần đe dọa rút quân khỏi châu Âu, tân tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của liên minh trong các vấn đề toàn cầu.

Biden sẽ nỗ lực hàn gắn quan hệ với các đồng minh truyền thống của NATO ở châu Âu như Đức, Pháp…

Khác với người tiền nhiệm biến Mỹ trở thành “lính đánh thuê thế giới”, nhận thêm tiền để bảo vệ đồng minh, ông Biden sẽ tiếp tục chính sách biến đồng minh thành “lính đánh thuê” cho Mỹ, sử dụng NATO như một công cụ quân sự để thực hiện các chính sách toàn cầu của mình.

Ông Biden cũng sẽ thực hiện các bước đi tích cực để sửa chữa quan hệ với Đức và Pháp, hai quốc gia lớn nhất Liên minh châu Âu và cũng là trụ cột của NATO, những người đã từng tuyên bố rằng: Dưới thời Donald Trump, châu Âu bị buộc vào cỗ xe tù của Mỹ và NATO đã “mục ruỗng”, “chết não”; đồng thời kêu gọi EU phải nâng cao quyền tự chủ, đẩy nhanh tiến trình thành lập quân đội chung châu Âu, độc lập với NATO.

Như vậy, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải nỗ lực để tạo ra không chỉ “một châu Âu được hồi sinh”, mà còn cả “một liên minh NATO gắn kết hơn”. Điều này có nghĩa là EU và khối liên minh quân sự này sẽ có vị thế vững chắc hơn trước.

Tóm lại, có thể một số xung đột với các đồng minh châu Âu vẫn sẽ vẫn tồn tại dưới thời ông Joe Biden giống như thời của Trump. Chính quyền của đảng Dân chủ có thể sẽ tiếp tục yêu cầu các đồng minh phải trả nhiều tiền hơn cho sự bảo vệ của Mỹ, nhưng thông điệp sẽ ít đối kháng hơn và hướng nhiều hơn đến việc tìm ra giải pháp lâu dài.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ong-trump-roi-nha-trang-my-va-nato-se-doi-vai-3425800/