Ông Trump ra đi, châu Âu vẫn khó kỳ vọng vào Biden

Các chuyên gia cho rằng, ông Biden sẽ theo đuổi chính sách ích kỷ và châu Âu đừng nên hy vọng gì vào sự thay đổi so với thời Donald Trump.

Theo giới chuyên gia, dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, bất chấp thái độ có vẻ thân thiện đối với các đồng minh châu Âu và kỳ vọng tái hiện nước Mỹ thời "tiền Donald Trump", Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ích kỷ, bỏ qua lợi ích của các đối tác.

Ông Gilbert Doctorow, chuyên gia về quan hệ Nga với EU và Mỹ bày tỏ quan điểm rằng, dù cho cho thể một vài chính sách sẽ thay đổi nhưng vấn đề cốt lõi là chính quyền Washington chưa bao giờ tôn trọng chủ quyền của các nước thứ ba.

"Có thể nói bao nhiêu tùy thích về một trang mới trong quan hệ với Mỹ, nhưng tất cả chỉ là những lời sáo rỗng. Theo đuổi lợi ích của bản thân mà gây thiệt hại cho các đồng minh sẽ vẫn là đường lối cơ bản trong chính sách của Mỹ" - ông Gilbert Doctorow nói.

Theo ông Gilbert Doctorow, trái ngược với sự coi thường của Trump đối với châu Âu, Biden là hình ảnh thu nhỏ của Mỹ với thái độ có vẻ thân thiện hơn đối với các đồng minh EU, trong đó có cả việc tích cực thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, nhà bình luận Mỹ nhấn mạnh rằng, nhìn bề ngoài mọi thứ sẽ giống như Mỹ trở lại thái độ thân thiện với châu Âu, nên người ta có thể hiểu được sự nhiệt tình của các chính trị gia châu Âu đối với việc Joe Biden được bầu làm tổng thống và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thống trị toàn cầu; nhưng trên thực tế lại không phải là như vậy.

Ông Doctorow nói rằng, ý tưởng về quyền tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu và tất cả những nỗ lực mới nhất của EU để trở thành nhà lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế đều sẽ không thành công cả về những vấn đề nội tại, thêm vào đó là sự hiện diện của Mỹ, bất kể đó là Donald Trump hay Joe Biden.

Chuyên gia khuyên EU đừng nên quá kỳ vọng vào Joe Biden

Chuyên gia khuyên EU đừng nên quá kỳ vọng vào Joe Biden

"Quyền tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu là những giấc mơ không thể thực hiện được. Lợi ích của 27 thành viên EU quá khác biệt và đôi khi mâu thuẫn với nhau" - chuyên gia nhấn mạnh về sự bất đồng trong nhận thức và hành động chung của khối này.

Theo ông, hy vọng về quyền tự chủ chiến lược của một liên minh có vai trò lãnh đạo thế giới, bao gồm cả việc thành lập một quân đội chung, được các quan chức châu Âu thúc đẩy gần đây là “không khả thi” và trong tương lai gần, EU sẽ tiếp tục tuân theo chính sách của Mỹ.

Theo nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr, quan điểm của Mỹ về an ninh châu Âu là có thể để người châu Âu đoàn kết về kinh tế, nhưng không cho phép họ có cơ hội nào tạo ra một sự thay thế cho NATO và tranh đoạt quyền lãnh đạo của Mỹ.

Mỹ sẽ không cam tâm để mất đi quyền lực thống trị độc tôn trên thế giới, không muốn chứng kiến tình cảnh một cường quốc châu mới nổi lên như Đức hay Anh, Pháp trở thành lãnh tụ của một khối liên minh quân sự có thể sánh ngang với NATO, làm ảnh hưởng đến địa vị bá chủ thế giới của mình.

Mỹ không bao giờ để người châu Âu đi chệch định hướng của mình, sao nhãng nhiệm vụ chủ yếu là chống Nga; do đó, Mỹ sẽ kịch liệt chống phá sự hình thành Quân đội chung châu Âu. Đây là nguyên nhân khách quan làm cho việc thành lập một “NATO châu Âu” sẽ rất là khó khăn.

Nếu châu Âu vẫn quyết tâm làm điều này thì Washington sẽ tìm cách làm chệc hướng mục đích hoạt động và phá hoại các nguyên tắc nền tảng của nó, để biến Quân đội chung châu Âu trở thành một “NATO phẩy” hay nói thẳng ra là tiếp tục làm công cụ của Mỹ.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-trump-ra-di-chau-au-van-kho-ky-vong-vao-biden-3424422/