Ông Trump 'mua trước, trả sau'

Nếu mua trước, trả sau thực sự là sách lược của ông Trump thì cái giá phải trả cuối cùng đắt hơn chúng ta tưởng rất nhiều

Trong số những thông báo chính sách đối ngoại lớn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây, việc chính thức dời đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem dường như được thực hiện không mấy rầm rộ. Lẽ ra không nên như vậy.

Việc dời đại sứ quán nói trên có thể là nguyên tắc chỉ đạo chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump: Đưa ra những quyết sách giật gân trên cơ sở lợi ích trong nước nhưng có thể gây ra những cơn đau đầu ngoại giao khổng lồ và hệ lụy lâu dài.

Chính sách đó có thể gọi là "mua trước, trả sau" (đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng). Trong trường hợp dời đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem, Tổng thống Trump khẳng định ông có thể xây dựng một tòa đại sứ mới với chi phí rất thấp nhờ sự nhạy bén kinh doanh của mình. Phát biểu trong một buổi vận động tại TP Elkhart (bang Indiana - Mỹ) hồi giữa tháng 5, nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại cam kết giảm mạnh chi phí xây dựng tòa nhà này từ 1 tỉ USD xuống mức khoảng 400.000 USD.

Thực ra, con số này chỉ đúng nếu nhìn trong ngắn hạn. 400.000 USD chỉ là chi phí giai đoạn đầu chuyển từ đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về tòa nhà ở Jerusalem. Nhưng đây chỉ là trụ sở mang tính tạm thời, xây dựng một tòa đại sứ quán chính thức sẽ phải tốn cả tỉ USD và kéo dài tới 10 năm - lúc đó ông Trump đã chẳng còn tại vị.

Phản ứng của những phụ nữ khi nghe còi báo động ở một Kibbutz (khu định cư của người Do Thái) bên phía Israel của biên giới Israel - Gaza. Ảnh: REUTERS

Phản ứng của những phụ nữ khi nghe còi báo động ở một Kibbutz (khu định cư của người Do Thái) bên phía Israel của biên giới Israel - Gaza. Ảnh: REUTERS

Suy tính sai lầm này nói lên cách nhìn nhận về cái giá thực tế trong các quyết định ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng. Quan trọng hơn, ông có vẻ chưa đánh giá đúng mức hậu quả chính trị về lâu dài của những quyết sách như vậy. Cũng như nhiều tổng thống tiền nhiệm, ông Trump vào Nhà Trắng với cam kết tìm ra một cách tiếp cận mới với cuộc xung đột Israel - Palestine mà ông gọi là "thỏa thuận khó khăn nhất trong tất cả", để đi đến cái đích sau cùng là hòa bình.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump cho tới nay vẫn chưa công bố một kế hoạch hòa bình nào và giới chức Palestine đã từ chối đối thoại với những người đồng cấp Mỹ sau khi ông Trump công bố quyết định dời đại sứ quán về Jerusalem hồi tháng 12-2017.

Sự kiện mở đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem hôm 14-5 diễn ra ngay trước ngày người Palestine kỷ niệm Thảm họa Nakba - ngày đánh dấu thời điểm hàng trăm ngàn người Palestine phải rời đi khi nhà nước Israel ra đời năm 1948. Suốt nhiều tuần qua, các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại Gaza và vẫn chưa có điểm dừng. Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ rốt cuộc có thể không còn được tín nhiệm giữ vị trí trung lập trong bất cứ thỏa thuận nào về hòa bình Trung Đông.

Từ đó, công cuộc tìm kiếm một giải pháp lâu dài càng khó khăn hơn, có thể kéo dài nhiều năm và các chính quyền khác sẽ phải giải quyết. Trong khi đó, điều mà ông Trump nhận được ngay lúc này là "những tràng vỗ tay" từ cả Washington và Israel. Và đó là điều ông muốn.

Không chỉ trong vấn đề Israel - Palestine, toan tính ngắn hạn của ông Trump còn thể hiện ở việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Rút khỏi thỏa thuận lịch sử thay vì đàm phán lại khiến giới quan sát - trong đó có cả những người không ưa thỏa thuận này - cảm thấy tổng thống Mỹ dường như "không hề có phương án B". Họ cho rằng chính quyền ông Trump hầu như đang tạo thêm vấn đề cho tương lai.

Trong khi đó, nỗ lực của Tổng thống Trump thúc đẩy đàm phán hòa bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đi đến một kết quả tương tự. Ông Trump nhiều khả năng gặp lãnh đạo Kim vào ngày 12-6 tới tại Singapore, một sự kiện hẳn sẽ khiến hình ảnh ông chủ Nhà Trắng phủ kín truyền thông thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận với Triều Tiên là một câu chuyện rắc rối, bởi một thỏa thuận giữa Washington và Bình Nhưỡng không chỉ liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà còn bao gồm hỗ trợ kinh tế lâu dài cho Bình Nhưỡng, cũng như bảo đảm an ninh khu vực và các vấn đề khác.

Nhiều người lo ngại thỏa thuận với ông Kim nếu đạt được cũng sẽ thất bại như các thỏa thuận trước đó giữa 2 bên hoặc tệ hơn là nó sẽ chung số phận với thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump vừa vứt bỏ. Thực ra, còn một lo ngại tệ hơn nữa. Thỏa thuận hạt nhân Iran đã phải tốn nhiều năm đàm phán ròng rã mới có được trong khi ông Trump không có chút gì tỏ ra sẽ kiên nhẫn hay quan tâm tới một nỗ lực ngoại giao dài hơi và phức tạp. Vội vã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng có thể chỉ càng gây thêm nhiều rắc rối về sau.

Quá trình ra quyết định của Tổng thống Trump dường như xoay quanh những lo ngại của người ủng hộ trong nước, làm vừa lòng họ, có được những tít báo tích cực và tỏ ra khác biệt với những người tiền nhiệm. Ông không phải là người duy nhất theo đuổi lối tư duy này. Những học giả như Paul Musgrave và Dan Nexon nhận định giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ trở nên phân cực chính trị hơn những năm gần đây. Từ đó sẽ rất khó tạo được sự đồng thuận đối với bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào, dẫn tới nguy cơ những quyết định quan trọng từ chính quyền tiền nhiệm có thể bị chính quyền đương nhiệm thay đổi bất kỳ lúc nào.

Tất nhiên, có thể tồn tại những tranh luận rằng Tổng thống Barack Obama khi đương nhiệm đã quá lo xa về tác động lâu dài của những quyết sách của mình, nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận ở nơi dường như sẽ chẳng bao giờ đồng thuận được. Thế nhưng, cách tiếp cận vội vã và ngắn hạn của chính phủ Mỹ hiện nay thậm chí còn rủi ro hơn, có khả năng đẩy chính sách ngoại giao nước này vào tình trạng "ăn miếng, trả miếng" không dứt. Nếu "mua trước, trả sau" thực sự là sách lược của ông Trump, cái giá phải trả cuối cùng đắt hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

THU HẰNG (lược dịch theo The Washington Post)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ong-trump-mua-truoc-tra-sau-20180601222218494.htm