Triển lãm tranh 'Kế hoạch C' - Khám phá cõi riêng qua hội họa

13 tác giả trong triển lãm 'Kế hoạch C' đã bộc lộ bản thân một cách chân thành nhất thông qua lối vẽ và lối cảm nhận về cái đẹp từ xung quanh, qua đó, khám phá cõi riêng của chính mình bằng hội họa.

Triển lãm "Kế hoạch C" (Plan C) là triển lãm tranh nghệ thuật với 76 tác phẩm mang chủ đề tĩnh vật (hoa, quả) của 13 tác giả không chuyên thuộc lớp thuộc lớp vẽ mang tên Team C của Jiu Art, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Đặng Thảo Ngọc.

Triển lãm tranh nghệ thuật "Kế hoạch C" (Plan C)

Triển lãm tranh nghệ thuật "Kế hoạch C" (Plan C)

Trong vô vàn kế hoạch của cuộc đời mỗi người thì "Kế hoạch C" như một sự tình cờ không định trước nhưng tụ lại một điểm để lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Nó mang ý nghĩa đánh dấu một quá trình, ghi lại những kỷ niệm, trải nghiệm lao động nghệ thuật rất chuyên nghiệp.

"Kế hoạch C" là hành trình tìm lại chính mình, tìm lại ước mơ, tình yêu, sở thích bị lãng quên hay đơn giản là cuộc dạo chơi của các thành viên - những người có độ tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng họ có cùng một đam mê là được vẽ, được là mình. Họ bộc lộ bản thân một cách chân thành nhất thông qua lối vẽ và lối cảm nhận về cái đẹp từ xung quanh, qua đó, khám phá cõi riêng của chính mình bằng hội họa.

76 tác phẩm trưng bày đều rực rỡ sắc hoa muôn loài. Bước vào không gian triển lãm, người xem như lạc bước vào khu vườn của những bông cúc vàng đại đóa rực rỡ, cúc trắng tinh khôi, hoa thiên điểu phóng khoáng, hoang dã…

Các tác phẩm trưng bày.

"Những loài hoa khác nhau đẹp đẽ, đầy yêu thương qua tâm hồn, qua cách nhìn và những cách thể hiện khác nhau cùng nói lên một tình yêu mạnh mẽ và quyết liệt với hội họa. Bằng đúng năng lực của mình họ đã tìm thấy chính mình mà ở đấy họ cũng chính là những bông hoa nở muộn tươi tắn nhất", họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhận xét.

Ông cũng cho biết ở những lứa tuổi đã trưởng thành có nhiều trải nghiệm và nhận thức rõ ràng trong công việc và đời sống thì đây là một thách thức tương đối khó khăn. Bởi nghệ thuật và hội họa là cả một thế giới khác biệt. Thế giới của màu sắc, đường nét, hình khối của tương quan đậm nhạt và sáng tối.

Nhưng đến với hội họa bằng một tình yêu nhiệt thành và hồn nhiên, từ những bài thực hành nghệ thuật cụ thể, các thành viên của lớp vẽ dường như đã phát hiện ra thêm một góc mới mẻ, một năng lực khác của chính mình mà bấy lâu đã ẩn sâu chưa từng biết đến, chưa từng khám phá.

Tác giả Dương Hải (1995), một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của lớp có 3 tác phẩm "Xuân", "Thu", "Đông" trưng bày chia sẻ: "Cuộc sống ngỡ tình cờ nhưng lại là sự sắp đặt của số phận. Màu sắc ngỡ tự nhiên nhưng lại là bản hòa tấu theo dòng nhạc cảm xúc của người họa sĩ. Tìm về hội họa đối với mình như tìm tới con người sâu thẳm nhất bên trong. Mỗi bức tranh là hiện hữu của một cung bậc cảm xúc riêng biệt, khi lắng đọng, khi cao trào. Bản giao hưởng sắc màu vang lên khiến người ta phải ghi nhớ mãi".

Tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Đến với hội họa với tâm trạng tò mò, háo hức và cả sự liều lĩnh, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Tú chia sẻ: "40 tuổi còn đi học cầm cọ, học vẽ những nét đầu tiên với sự vụng về, bỡ ngỡ xen lẫn sợ hãi. Từng chút, từng chút một hội họa đã cứu cánh cho tâm hồn tôi để nó không già cỗi đi. Thế giới hội họa cho tôi một đời sống nhiều sắc màu, nhìn mọi vật trở nên giàu cảm xúc hơn. Thời gian mỗi bức tranh hoàn thiện, là thời gian riêng tư nhất, tôi thanh lọc mọi tạp niệm, chỉ đắm chìm vào màu sắc, những ngôn ngữ của hội họa. Tôi vẽ để thiền". Chị trưng bày các tác phẩm "Gốm Jang Tao và hoa"; "Hoa baby"; "Chờ sen nở" trong triển lãm.

Cũng như tác giả Ngọc Tú, tác giả Như Bình (1972) với 3 tác phẩm "Hoa hồng", "Mùa họa mi"; Hoa chuối rừng" cũng cho rằng "vẽ cũng là một cách để thiền. Trong tĩnh tại, ta học cách lắng nghe bản thân, học cách yên lặng, mình đối diện mình để thấu cảm thế giới nội tâm, để nhận biết, để hiểu mình là ai....".

Tranh của tác giả Như Bình.

Còn với tác giả Dương Phương Linh (1997), một người khiếm thình thì vẽ tranh giúp cô cảm nhận và hòa mình vào cuộc sống. "Với tôi, vẽ không chỉ là sở thích và đam mê, mà còn là tiếng nói, là cách nhìn, là cảm nhận được truyền tải qua hình ảnh thay vì âm thanh. Tôi mong người xem tranh tôi vẽ có thể cảm nhận được những rung động không lời đó".

Ở cương vị người đứng lớp, hướng dẫn các tác giả từ những ngày đầu, họa sĩ Tạ Đình Khiêm bày tỏ: “Chính tình yêu đam mê hội họa của những thành viên Team C là nguồn động lực rất lớn đối với tôi. Nó tạo ra cảm xúc thăng hoa trong quá trình giảng dạy và chia sẻ cách nhìn của mình. Tôi chắc chắn rằng thông qua thực hành họ sẽ tìm thấy giá trị đích thực của nghệ thuật bằng chính các tác phẩm của mình.

Tôi là người may mắn khi mình có thêm những người bạn trong lĩnh vực nghệ thuật với đúng nghĩa khi được nói chuyện được chia sẻ suốt một quá trình làm việc cùng nhau. Cảm xúc đó là sự đồng cảm của việc đi tìm cái đẹp. Những giá trị đó đã thức tỉnh bản thân tôi - một người nghệ sĩ, hoàn thiện hơn giá trị tinh thần tích cực…”.

Triển lãm diễn ra từ ngày 19/3-28/3 tại Art Space, Yết Kiêu, Hà Nội./.

Lê Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-tranh-ke-hoach-c-kham-pha-coi-rieng-qua-hoi-hoa-844593.vov