Ông Trump gieo mâu thuẫn, ép thỏa thuận mới Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ nói Trung Quốc bị dập tơi bời trong đàm phán thương mại, cảnh báo tình thế xấu để đạt thỏa thuận mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/5 tiếp tục tung ra lời công kích đối với Trung Quốc sau khi cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc không mang tới kết quả tích cực.

Ông Trump muốn đẩy mâu thuẫn Mỹ- Trung lên cao trào.

Ông Trump muốn đẩy mâu thuẫn Mỹ- Trung lên cao trào.

Viết trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ: "Tôi nghĩ Trung Quốc cảm thấy bị dập tơi bời tại cuộc đàm phán gần đây đến nỗi họ có thể chờ đến cuộc bầu cử (tổng thống Mỹ) tiếp theo, năm 2020, để xem liệu họ có may mắn và Đảng Dân chủ chiến thắng…

Họ biết vấn đề duy nhất là tôi sẽ thắng và thỏa thuận sẽ tồi tệ hơn cho họ nếu nó được thương lượng trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi".

Tuyên bố có hơi hướng chỉ trích Trung Quốc đưa ra sau cuộc đàm phán thương mại mới nhất, nhà lãnh đạo Mỹ đang ngày càng gia tăng cuộc đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhận định của ông Trump cũng gạt bỏ mọi lạc quan của Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ Thương mại Trung Quốc trước đó.

Ông Lưu Hạc sau cuộc đàm phán thương mại tại Washington đã có trả lời ngắn gọn với báo chí và truyền thông Trung ương Trung Quốc.

Theo đó, ông bày tỏ "lạc quan" trước cuộc đàm phán sắp tới ở Bắc Kinh.

"Đàm phán chưa chấm dứt. Ngược lại, tôi nghĩ những bước lùi nhỏ là điều bình thường và không thể tránh khỏi trong đàm phán hai bên. Nhìn về phía trước, chúng tôi vẫn lạc quan dù thận trọng" - Reuters dẫn lời ông Lưu Hạc.

Dẫu vậy, Phó Thủ tướng Trung Quốc khẳng định sẽ không bao giờ nhượng bộ Mỹ đối với các vấn đề quan trọng trong cuộc đàm phán.

Sự lạc quan thận trọng của ông Lưu Hạc cũng dễ hiểu khi Tổng thống Mỹ đã không trì hoãn thêm việc áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Trump đã ra lệnh áp đặt thuế quan tăng từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc muốn nhập vào Mỹ trị giá 200 tỷ USD. Hiệu lực của quyết định tăng thuế sẽ bắt đầu vào ngày thứ hai của cuộc đàm phán Mỹ- Trung và Bắc Kinh đã không thể có hành động xoay chuyển tình thế trong ngày đàm phán đầu tiên.

Phản ứng trước điều này, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả tương đương với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, con số 200 tỷ USD trị giá hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc đã chiếm tới 91% tổng giá trị xuất khẩu.

Nếu Bắc Kinh muốn đối đầu dài hơi với Washington, e rằng, chính họ sẽ là bên thua cuộc.

Nắm được điều này, ông Trump đã tích cực thúc đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nước lên cao trào hơn. Những gì mà nhà lãnh đạo Mỹ kỳ vọng là thị trường thêm một phen điên đảo vì các đòn thuế quan mới, ép Trung Quốc phải ngồi lại bàn đàm phán. Hoặc đó phải là những thỏa thuận đã đạt được, hoặc đó phải là những thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ.

Bắc Kinh cũng có thể đã đơn phương sửa lại thỏa thuận mất nhiều công sức đàm phán với phía Mỹ, như những gì các nguồn tin mật tiết lộ với báo chí Mỹ. Đó cũng có thể là phép thử phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ trước những gì Trung Quốc nói và những gì họ thực sự sẽ làm.

Kết quả, Tổng thống Trump đã không ngần ngại tung đòn thuế quan mới lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thực hiện đúng những vấn đề kỹ thuật trong các lĩnh vực đầu tư, bảo mật, sở hữu trí tuệ...

Xét trên kim ngạch thương mại của hai nước, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc có phần kém hơn so với hàng hóa Trung Quốc muốn vào Mỹ. Đó là lợi thế để ông Trump có thể kéo dài cuộc đối đầu thuế quan này, buộc Trung Quốc thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-trump-gieo-mau-thuan-ep-thoa-thuan-moi-my-trung-3379890/