Ông Trump 'gặp khó' với các cuộc biểu tình

Với sự phản đối của giới lãnh đạo quân đội, ông Donald Trump ngày càng gặp khó khăn trong việc giải quyết các cuộc biểu tình trong khi cuộc bầu cử tổng thống đã tới rất gần...

Vụ việc gây tranh cãi hôm 1/6, cảnh sát và Vệ binh quốc gia dẹp đường để ông Donald Trump từ Nhà Trắng đi bộ sang Nhà thờ St John chụp ảnh

Vụ việc gây tranh cãi hôm 1/6, cảnh sát và Vệ binh quốc gia dẹp đường để ông Donald Trump từ Nhà Trắng đi bộ sang Nhà thờ St John chụp ảnh

Kể từ khi từ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2018 vì phản đối chính sách Syria và Afghanistan của Tổng thống Donald Trump, cựu Đại tướng James Mattis chưa bao giờ đưa ra các bài phát biểu liên quan đến ông Trump trước công chúng. Nhưng sau cái chết của George Floyd, dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp trên khắp nước Mỹ và ông Trump đe dọa sử dụng quân đội để đàn áp, ông Matits đã phá vỡ sự im lặng. Ông đã viết một bài báo đăng trên tờ Atlantic, giận dữ nói ông Trump là “mối đe dọa đối với Hiến pháp” và “cố ý” chia rẽ nước Mỹ.

Trong bài báo hôm 3/6, ông Mattis đã viết, khi gia nhập quân đội cách đây 50 năm, ông đã tuyên thệ sẽ bảo vệ Hiến pháp nước Mỹ. Ông không bao giờ tưởng tượng rằng những người lính cũng đã tuyên thệ tương tự sẽ được lệnh vi phạm các quyền của công dân Mỹ theo hiến pháp, “càng không nói đến trong bức ảnh quái dị của tổng tư lệnh hiện tại (Trump) còn có nhà lãnh đạo quân sự đứng bên cạnh”.

Chiều thứ Hai (1/6), ông Trump rời Nhà Trắng và đi bộ đến nhà thờ St. John gần đó. Vệ binh Quốc gia đã ném lựu đạn cay và bắn đạn cao su vào những người biểu tình tại Quảng trường Lafayette, dùng bạo lực “dẹp đường” cho ông Trump. Sau khi chụp ảnh với cuốn Kinh Thánh trong nhà thờ, ông lại quay về Nhà Trắng.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis công khai phản đối ông Donald Trump định sử dụng quân đội đàn áp biểu tình

James Mattis nhấn mạnh trong bài viết, các thành phố của Mỹ không phải là “bãi chiến trường”. Gửi quân đến các thành phố trong nước chỉ có thể khi được các thống đốc yêu cầu trong những trường hợp rất hiếm thấy. Nhưng chính phủ liên bang đang tạo ra một “tranh chấp sai lầm giữa quân đội và xã hội bình dân”. Ông Mattis nói rằng trong cuộc đời của mình, Donald Trump là tổng thống đầu tiên “không cố gắng đoàn kết người dân Mỹ”, “Ông ta thậm chí không thèm giả vờ, mà là cố chia rẽ chúng ta”.

Trước sự chỉ trích giận dữ của Mattis, ông Trump đã nhanh chóng đáp lại trên Twitter, cáo buộc Mattis là vị tướng cao ngạo nhất thế giới, viết: “Tôi rất vui vì ông ấy đã rời đi!”. Khi chọn J.Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng, Trump đã ca ngợi ông là “tướng giữa các tướng”.

Một ngày trước khi đăng bài báo của Mattis, Atlantic cũng đã đăng bài viết của cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen. Mullen viết rằng ông đã luôn im lặng về các chủ đề liên quan đến sự lãnh đạo của Trump, nhưng bây giờ ông đã đến lúc “có bước ngoặt”. Đối với việc dọn đường ở Quảng trường Lafayette hôm 1/6, Mullen đã mô tả bằng từ “kinh tởm”. Ông viết, công dân Mỹ không phải là kẻ thù và không bao giờ nên là kẻ thù. Mullen bày tỏ tin tưởng vào những người lính Mỹ, nhưng không thể tin tưởng vào những mệnh lệnh được đưa ra bởi “tổng tư lệnh hiện tại”. Ông cho rằng tình hình hiện tại còn lâu mới đến mức cần phải sử dụng “Đạo luật nổi loạn”, “Lúc này không phải là lúc biểu diễn, giờ là lúc cần sự lãnh đạo”.

Để phản đối việc dọn đường cho ông Trump hôm 1/6, ông James Miller, một quan chức chính sách cao cấp của Bộ Quốc phòng, đã tuyên bố từ chức khỏi ủy ban cố vấn.

Ý tưởng của ông Trump về việc sử dụng quân đội và dọn dẹp Quảng trường Lafayette đã đưa Mark Esper đương kim Bọ trưởng quốc phòng Mỹ lên “vỉ nướng”. Sau khi đi chụp ảnh cùng ông Trump vào thứ Hai, M.Esper đã bị truyền thông “tra tấn” tới tấp. Lúc đầu, Esper nói ông không biết sẽ đến nhà thờ, mà nghĩ rằng sẽ đi kiểm tra một “nhà vệ sinh” ở Quảng trường bị người biểu tình phá hủy.

Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên cùng ngày, Esper cũng đã thay đổi lập trường thường có và công khai phản đối ý tưởng sử dụng quân đội của ông Trump. Esper nói rằng với tư cách là một cựu quân nhân và là cựu Vệ binh Quốc gia, ông cho rằng việc sử dụng quân đội chỉ có thể “vạn bất đắc dĩ”, “chỉ trong những tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng nhất”. Nhưng tình hình hiện tại chưa đến thời điểm nguy cấp nhất, “Tôi không ủng hộ việc sử dụng Đạo luật nổi loạn”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân M. Mulley, cũng bị “hỏi tội”, hôm 3/6 đã viết một lá thư gửi toàn thể quân đội Mỹ. Bức thư viết, tất cả các binh sĩ Mỹ đều tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp, điều này đã cho người Mỹ quyền được tự do biểu đạt và biểu tình hòa bình. Tất cả các thành viên của quân đội sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của Mỹ được quy định trong Hiến pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ rằng quân đội hiện đang đánh mất lòng tin và có cuộc đối đầu giữa các binh sĩ. Trong các cuộc trao đổi gần đây, các quan chức quân sự cấp cao đã tìm cách tránh chỉ trích Trump và các chính sách của ông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các giá trị của Mỹ và cũng bảo vệ truyền thống quân đội không tham gia chính trị.

Vào 3/6, khi một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề của M.Esper, phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói: “Đến nay, Esper vẫn là Bộ trưởng Quốc phòng Esper. Nếu tổng thống mất niềm tin vào ông ấy, chúng ta sẽ biết tin”. Bà cũng nhấn mạnh rằng chỉ có tổng thống mới có quyền quyết định có nên sử dụng “Đạo luật nổi loạn” hay không.

“Đạo luật nổi loạn” được ban hành vào năm 1807. Trong lịch sử Mỹ, nhiều tổng thống Hoa Kỳ đã sử dụng đến nó, như Jefferson, Jackson và Eisenhower. Tổng thống cuối cùng sử dụng luật này là G. Bush vào năm 1991.

Thu Thủy (Theo Jiemian)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ong-trump-gap-kho-voi-cac-cuoc-bieu-tinh-1669302.tpo