Ông Trump đến G20 với 'những xung đột mới'

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường đến Argentine trong ngày 29-11 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, với tâm lý sẵn sàng 'chiến đấu' với Trung Quốc về thương mại và những tuyên bố chống lại Nga trong vấn đề Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường đến Argentine trong ngày 29-11 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, với tâm lý sẵn sàng “chiến đấu” với Trung Quốc về thương mại và những tuyên bố chống lại Nga trong vấn đề Ukraine.

An ninh được thắt chặt tuyệt đối trên khắp tuyến đường ở thủ đô Buenos Aires, Argentine trước thềm hội nghị G20. Ảnh: AFP

An ninh được thắt chặt tuyệt đối trên khắp tuyến đường ở thủ đô Buenos Aires, Argentine trước thềm hội nghị G20. Ảnh: AFP

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra vào cuối tuần này, đang phải đối mặt với những cảnh báo ngày càng khốc liệt từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức quốc tế khác về những tổn hại tiềm ẩn mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt từ các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump “bắn phát súng mở màn”.

Các nhà lãnh đạo G20, các quốc gia chiếm 4/5 sản lượng kinh tế thế giới, lần đầu tiên gặp nhau vào tháng 11-2008 nhằm tìm kiếm một mặt trận thống nhất chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang khuấy đảo cả thế giới lúc đó. Một thập kỷ qua, sự thống nhất đó biến mất khi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump phá vỡ sự đồng thuận củng cố thương mại quốc tế.

Bài toán thương mại Mỹ - Trung

Ông Trump gây khủng hoảng thị trường toàn cầu bằng cách đưa ra mức thuế quan nặng nề đối với phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và đang đe dọa đi xa hơn nữa trong tháng 1-2019. Trong bối cảnh xung đột thương mại đang âm ỉ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo các quốc gia khác bên lề hội nghị G20. Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ tập trung bàn với Chủ tịch Tập Cận Bình về các thị trường mở hơn và việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các Cty nước ngoài ở Trung Quốc.

Vào cuối ngày 28-11, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh vì không đưa ra “cải cách có ý nghĩa” về chính sách thương mại tích cực, và đe dọa thuế quan đối với ô-tô Trung Quốc. Nhưng liệu ông Tập Cận Bình có thể đi sâu trong việc đại tu mô hình đã giúp Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới? Trong tuyên bố mới nhất, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng các Cty nước ngoài ở Trung Quốc phàn nàn rằng, những lời hứa như vậy là quá quen thuộc và chỉ “nói suông”. Các nhà phân tích cho rằng, tốt nhất là cần có một thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời tại G20 để tạo cơ hội cho cả ông Trump và ông Tập tiến đến một giai đoạn quan trọng hơn trong chính sách hạ nhiệt căng thẳng.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại nhằm loại bỏ các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại tại bàn đàm phán G20 lần này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cảnh báo chống lại nguy cơ “một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Trung-Mỹ và một cuộc chiến thương mại tàn phá tất cả” trước hội nghị thượng đỉnh, ám chỉ một hệ quả tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua, khi không thể ra tuyên bố chung do tranh cãi Trung - Mỹ. “Nếu chúng tôi không thể hiện sự tiến bộ cụ thể, các cuộc họp quốc tế như thế này sẽ chỉ càng trở nên vô dụng và thậm chí phản tác dụng”, ông Macron nói.

Và những “cái nóng” khác

Đã có những nghi ngờ rằng, cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch bên lề hội nghị G20 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thậm chí sẽ bị hủy bỏ sau khi lực lượng an ninh Nga giam giữ 3 tàu hải quân Ukraine. Tổng thống Trump hôm 28-11 rất lo ngại về xung đột giữa Ukraine và Nga ở gần Crimea, và đe dọa hủy bỏ cuộc gặp. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho hay, cuộc gặp vẫn sẽ diễn ra và hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các cách thức phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong mối quan hệ song phương, cũng như bàn về sự ổn định chiến lược, tình hình Syria, Iran và Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ, Canada và Mexico dự kiến sẽ ký Hiệp ước thay thế Thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), mà ông Trump đã chỉ trích và cảnh báo sẽ rời bỏ khi không có một phiên bản hoàn hảo hơn. Nếu đàm phán này có thể ngăn chặn một cuộc chiến thương mại, những quốc gia khác có thể đàm phán với Tổng thống Trump về đe dọa của ông chủ Nhà Trắng áp thuế nhập khẩu xe hơi nước ngoài, nhắm chủ yếu vào Châu Âu và Nhật Bản. Trong báo cáo được đưa ra trước thềm G20, IMF cho biết, mức thuế quan khổng lồ có thể cắt giảm 3/4 nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề Brexit của Anh với Liên minh Châu Âu (EU) là một mối đe dọa khác đối với tăng trưởng toàn cầu, đúng như cảnh báo của Giám đốc IMF Christine Lagarde. Giống như Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, Thủ tướng Theresa May sẽ đến Buenos Aires vào cuối ngày 29-11 và có bài phát biểu được chờ đợi tại diễn đàn kinh tế thế giới này. Anh và Argentine từng bùng nổ chiến tranh quần đảo Falkland/Malvinas vào năm 1982 và bà May sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Anh đến thăm thủ đô Argentine kể từ đó đến nay.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_198946_ong-trump-den-g20-voi-nhung-xung-dot-moi-.aspx