Ông Trump 'để mắt' tới Nhật Bản

Hiện chỉ còn Nhật Bản là đối tác lớn còn lại mà Mỹ chưa có hành động mạnh mẽ nào để đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại.

“Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về thương mại”, Tổng thống Mỹ D. Trump tiết lộ với các phóng viên cuối tuần trước trên chiếc chuyên cơ Không lực một. “Nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, Nhật Bản biết đó sẽ là vấn đề lớn”, ông bóng gió.

Trước đó vài tiếng, ông Trump đã đề cập thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản khi trao đổi với biên tập viên James Freeman của tờ Wall Street Journal. Theo Freeman, ông Trump xác nhận mối quan hệ tốt đẹp của mình với lãnh đạo Nhật Bản nhưng lạnh lùng cho biết: “Điều đó sẽ kết thúc ngay sau khi tôi nói họ sẽ phải trả bao nhiêu tiền”.

Theo các số liệu sơ bộ, hiện thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 35,4 tỉ đô la Mỹ. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ.

Nhật Bản và Mỹ đang tổ chức các cuộc đàm phán thương mại “tự do, công bằng, cùng có lợi” vào đầu tháng 9 này. Trong vòng thảo luận đầu tiên hồi tháng 8, Mỹ đã thúc đẩy để tiến tới hiệp định thương mại tự do song phương, nhưng Nhật Bản lại quan tâm đến một khuôn khổ đa phương.

Theo một quan chức Nhà Trắng, được tờ Nikkei Asian Review trích lời, Mỹ đã đưa vấn đề thuế ô tô và sản phẩm nông nghiệp vào các cuộc đàm phán với Nhật Bản.

Ông Trump đã đe dọa sẽ tăng thêm 25% thuế đối với ô tô nhập khẩu và sử dụng “cây gậy” này để đàm phán lại NAFTA với Mexico, Canada, giảm nhiệt căng thẳng với EU. Giờ đến lượt Nhật Bản.

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang gây sức ép với Washington để đưa ra một điều khoản ngăn chặn Nhật Bản làm suy yếu đồng yen nhằm thúc đẩy xuất khẩu ô tô. Việc bị trói buộc trong chính sách ngoại hối sẽ gây rủi ro cho Nhật Bản vì tỷ giá hối đoái có vai trò lớn đối với nền kinh tế nước này.

Cho đến giờ, Nhật Bản đang cố giữ thái độ “lạnh lùng” trước sức ép của Mỹ bởi Thủ tướng Abe đang phải đối mặt với cuộc bầu cử chức Chủ tịch Đảng LDP cầm quyền vào tuần tới (20-9). Các nhà phân tích cho biết, việc nhượng bộ về các sản phẩm nông nghiệp sẽ làm tổn thương uy tín của ông Abe trước ứng cử viên Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người muốn giành sự ủng hộ của cử tri nông thôn. Ngay cả khi ông Abe được coi là chắc chắn để giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ hôm 20-9 tới, đảng của ông cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương và thượng viện vào năm tới. Vì vậy, mọi hành động cần phải thận trọng để tránh chọc giận cử tri.

Ông Abe đã không bình luận về nhận xét mới nhất của Tổng thống D. Trump. Song hai ngày trước đó Thủ tướng đã xác nhận với ông Toru Nakaya, người đứng đầu Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Trung ương, rằng Nhật Bản không thể nhượng bộ Mỹ nhiều hơn so với những gì đã đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũ (TPP).

Còn Tổng thống D. Trump thì vẫn tiếp tục: “Tokyo không đàm phán với chính quyền cũ vì họ không sợ bị trả đũa. Nhưng với tôi thì khác”.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ phản ứng theo cách như vậy với Nhật Bản. Song ông Trump vẫn tránh dùng ngôn ngữ nặng nề trong các cuộc gặp mặt trực tiếp với Thủ tướng Nhật S.Abe, mà chủ yếu là truyền thông điệp qua báo chí.

Từ trước tới nay, quan hệ Nhật-Mỹ diễn ra theo định dạng “từ dưới lên”. Nhưng với chính quyền Trump thì chỉ có Tổng thống mới biết ý định thực sự của mình. Ngay cả đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng không thể tự đưa ra quyết định mà không hỏi trước ý kiến của ông Trump. Đây là lý do khiến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật lại phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ cá nhân giữa hai ông Trump và Abe.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278441/ong-trump-de-mat-toi-nhat-ban-.html