Ông Trump đề cử Giám đốc tình báo Quốc gia mới

Trong lịch sử 15 năm tồn tại, chưa bao giờ chiếc ghế Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) của Mỹ bất ổn định như hiện nay. Tổng thống Donald Trump muốn sớm chấm dứt tình trạng này nên đã đề cử ông John Ratcliffe để Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Đằng sau đề cử này là câu chuyện về việc xây dựng đội ngũ trung thành của ông Trump và những vấn đề luôn đeo bám DNI từ khi thành lập đến nay.

Ra đời từ sự kiện 11/9

Cho đến tận bây giờ, 15 năm sau khi DNI và Văn phòng DNI (ODNI) đi vào hoạt động, rất nhiều người vẫn chưa rõ lý do tồn tại của 2 thực thể này, và họ cũng chưa phân biệt được sự tách bạch giữa vai trò của DNI và vai trò của Giám đốc Tình báo Trung ương Mỹ (DCI) kiêm nhiệm Giám đốc Cục tình báo Trung ương (CIA). Sự thật là DNI có vai trò cụ thể và rõ ràng hơn DCI.

DNI là cố vấn cao cấp nhất của Tổng thống về lĩnh vực tình báo, là chức danh lãnh đạo, điều hành của chính phủ Mỹ trong lĩnh vực tình báo. Nó khác hẳn vai trò trước đây của DCI (chịu trách nhiệm báo cáo các sự vụ tình báo cho Tổng thống), đồng thời khắc phục sự nhập nhằng giữa Giám đốc CIA và Giám đốc Tình báo Trung ương vốn là nhược điểm lớn nhất dẫn đến những thất bại tình báo trong sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Ông James Clapper là Giám đốc DNI thành công nhất.

Ông James Clapper là Giám đốc DNI thành công nhất.

Có thể nói DNI ra đời từ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, là “sản phẩm” của Báo cáo Ủy ban 11/9 công bố ngày 22/7/2004. Sự kiện 11/9 được xem là thất bại lớn nhất của cộng đồng tình báo Mỹ về công tác phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, ở đây là khủng bố. Báo cáo rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng: Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan tình báo Mỹ.

Không quốc gia nào trên thế giới có được cộng đồng tình báo lớn như Mỹ, với 15 cơ quan tình báo khác nhau (thời điểm 11/9/2001, nay tăng lên 17 cơ quan). Thế nhưng, các cơ quan tình báo này lại thiếu hẳn sự gắn kết cần thiết, thiếu sự phối hợp chia sẻ thông tin tình báo, dẫn đến tình trạng chung là cộng đồng tình báo Mỹ không có khả năng xâu chuỗi các sự kiện, chi tiết tình báo, từ đó tạo kẽ hở để lọt khủng bố. Ngoài ra, còn nhiều thất bại tình báo khác dẫn đến sự kiện khủng bố ngày 11/9.

Từ đề xuất trong Báo cáo của Ủy ban 11/9, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Cải cách tình báo và Ngăn ngừa khủng bố 2004, được Tổng thống George W. Bush ký ban hành ngày 17/12/2004.

Một trong những quy định quan trọng của đạo luật này là thành lập chức danh DNI và ODNI để giúp việc cho DNI, quy định DNI lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ, đồng thời nghiêm cấm DNI kiêm giữ ghế Giám đốc CIA hay bất cứ cơ quan tình báo nào khác. Từ quy định này, ngày 17//005, Tổng thống W. Bush bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn DNI đầu tiên là cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq John Negroponte.

Bất cập giữa DNI và cộng đồng tình báo

Sự ra đời của DNI đã tạo ngay cú sốc cho các cơ quan tình báo, nhất là CIA. Có nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập thêm một chức danh lãnh đạo tình báo là không cần thiết, là tạo thêm một tầng lớp hành chính rườm rà.

CIA phản ứng dữ dội nhất vì bị tước mất vị thế dẫn đầu cộng đồng tình báo Mỹ. Lãnh đạo cơ quan này cho rằng từ trước khi có DNI, cộng đồng tình báo Mỹ cũng đã có một lãnh đạo chung, đó là Giám đốc CIA đồng thời là DCI, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình báo hàng ngày lên tổng thống Mỹ.

Giai đoạn đầu, vai trò của DNI chưa được thể hiện rõ nét, còn mờ nhạt do sự chưa tuân phục của cộng đồng tình báo. Một báo cáo của Tổng thanh tra ODNI vào năm 2009 đã kết luận rằng sau 4 năm hoạt động, DNI vẫn chưa thể thực hiện tốt vai trò lãnh đạo tình báo của mình; “đa số nhân sự tại ODNI và cộng đồng tình báo nói chung, kể cả quan chức cấp cao, thậm chí còn chưa nắm rõ nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của DNI, ODNI”.

Vai trò của DNI chỉ thật sự được khẳng định và được chú ý khi ông James R. Clapper được giao trọng trách. Ông Clapper cũng chính là DNI tại vị lâu nhất, gần trọn 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, cho dù ông Clapper là người có thâm niên lâu năm trong ngành tình báo cũng như quân đội, và ông cũng thành công trong việc khẳng định vai trò không thể thiếu của DNI, nhưng những bất cập, xung đột trong thực thi nhiệm vụ giữa DNI và các cơ quan tình báo mà nó lãnh đạo vẫn tồn tại dai dẳng. Các cơ quan tình báo trong cộng đồng tình báo Mỹ vẫn luôn đặt câu hỏi rằng “nước Mỹ có thật sự cần có DNI để bảo vệ mình hay không?”

Giám đốc CIA David Petraeus, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đều là những con người am hiểu về các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tình báo, và họ cho rằng họ không cần DNI Clapper “bảo” họ phải làm gì, như thế nào. Về mặt chuyên môn thì DNI Clapper cũng thường xuyên bị giám đốc các cơ quan tình báo như CIA, DIA, NSA lấn lướt, bởi xét cho cùng thì người nắm chuyên môn trực tiếp tại các cơ quan tình báo vẫn đáng tin cậy hơn người lãnh đạo chung, chủ yếu về mặt hành chính nhưng ít nắm chuyên môn.

Vì thế dù DNI Clapper thực hiện tốt vai trò lãnh đạo nhưng tiếng nói của ông cũng ít có cơ hội được lắng nghe. Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo cũng thường xuyên than phiền tình trạng ODNI đưa ra các nhiệm vụ “kép” và các thông điệp mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho các cơ quan tình báo trong thi hành nhiệm vụ. Các nỗ lực của ông Clapper nhằm khắc phục những thiếu sót của ODNI đều trở nên vô vọng.

Nhiều ý kiến từ cộng đồng tình báo cho rằng Quốc hội Mỹ nên xem lại và sửa chữa đạo luật 2004 đã cho ra đời DNI và ODNI, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều đó cũng chẳng giúp ích gì.

Các chuyên gia đưa ra nguyên nhân lớn nhất cho tình trạng bất cập của DNI và cộng đồng tình báo Mỹ chính là sự vội vàng của Quốc hội Mỹ trong việc cho ra đời Đạo luật Cải cách tình báo và Ngăn ngừa khủng bố 2004, trong đó những quy định về chức năng nhiệm vụ của DNI đã vô tình trói buộc cơ quan này vào những nhiệm vụ không đúng thẩm quyền, không đúng chuyên môn.

Đơn cử nhiệm vụ “giám sát và điều hành ngân sách tình báo quốc gia” trong khi DNI trên thực tế DNI chẳng hề tham gia chi tiêu ngân sách tình báo. Chính Giám đốc CIA và Bộ trưởng Quốc phòng là những người lãnh đạo việc chi tiêu này. Hay như nhiệm vụ làm cố vấn cho tổng thống về các vấn đề tình báo, trong khi năng lực tham mưu, nguồn thông tin tình báo có được của DNI kém xa CIA, DIA hoặc NSA.

Phải là người trung thành với Tổng thống

Từ khi thành lập đến nay, trải qua 3 đời tổng thống, chức danh DNI đã có đến 9 người nắm giữ, trong đó có 3 người là quyền giám đốc. Dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống, có tới 4 người từng nắm chức danh DNI, trong đó có 3 Quyền Giám đốc và DNI chính thức là ông Dan Coats.

Sự “xài hao” của ông Trump thể hiện cá tính thất thường của ông, đồng thời là vấn đề mà bất kỳ DNI nào cũng phải hiểu và nắm bắt cho được. Một điển hình cho cách dùng người của ông Trump là sự ra đi của ông Dan Coats, một DNI giàu nhiệt huyết và có năng lực. Coats chỉ tại vị được 2 năm 2 tháng.

Người ta nói rằng Coats ra đi không phải vì ông kém năng lực, mà chính là vì ông làm quá tốt công việc được giao. Ông thường xuyên làm cái việc mà Tổng thống Trump không thể chịu nổi: luôn nói sự thật và nói một cách nhiệt tình, khách quan và không kiêng nể ai. Trong các cuộc điều trần trước Thượng viện, có những vấn đề Coats nói ra đụng chạm tổng thống và có những chuyện Tổng thống không muốn ông nói ra nhưng ông vẫn nói một cách ngay thẳng.

Điển hình nhất là cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 29/1/2019, trong đó Coats và các quan chức tình báo trình bày báo cáo thường niên mang tên “Đánh giá Mối đe dọa toàn thế giới”.

Ứng viên Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông John Ratcliffe.

Trong đó, bức tranh an ninh toàn cầu Coats đưa ra trái ngược hẳn với những gì Tổng thống Trump muốn giới thiệu. Cho nên, sau cuộc điều trần đó, Tổng thống Trump lên Twitter viết rằng các quan chức tình báo “nên đi học lại” vì họ không đồng tình với quan điểm của ông. Theo sau dòng Twitter đó là tuyên bố “Coats sẽ ra đi”.

Cựu Giám đốc DNI James Clapper cho rằng Tổng thống Trump đã chủ trì việc “trảm tướng” ở DNI nhằm mục đích tạo sức ép lên cộng đồng tình báo trong cuộc đối đầu giữa ông với các cơ quan tình báo suốt mấy năm qua xoay quanh vấn đề Nga. Việc ông đề cử một người trung thành như Ratcliffe làm Giám đốc DNI mới là một trong những động thái chính trị để tiến tới nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cộng đồng tình báo, chấm dứt tình trạng những “con sâu” phá hỏng chủ trương, chính sách của ông.

Ông John Ratcliffe hiện là nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa. Ông từng hành nghề luật sư, tham gia chính quyền từ năm 2004 khi được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào Bộ Tư pháp, làm công tố viên liên bang phụ trách công tác chống khủng bố và an ninh quốc gia tại Texas cho đến năm 2012 và được bầu vào Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.

Ông John Negroponte, Giám đốc DNI đầu tiên.

Năng lực quan trọng nhất của Ratcliffe chính là khả năng nắm bắt được khí chất của Tổng thống Trump, nhờ thế được ông tin cậy, cho làm người trung thành, tin cẩn. Một trong những đồng minh quan trọng của Ratcliffe là cựu Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft (thời Tổng thống W. Bush), người từng hợp tác với Ratcliffe trong một công ty liên danh luật, đánh giá Ratcliffe là người chịu khó lắng nghe, rất am hiểu về luật và các nguyên tắc làm việc. Đây chính là những phẩm chất rất có giá trị, có thể giúp ích rất nhiều cho công việc của Ratcliffe.

Nhưng xét về chuyên môn tình báo thì ông chẳng có mấy kinh nghiệm. Đây chính là điều khiến nhiều người băn khoăn khi Tổng thống Trump đề cử ông. Ratcliffe hầu như không làm gì để chứng minh kinh nghiệm quá mỏng của mình.

Là thành viên Ủy ban tuyển chọn Hạ viện và Tình báo, Ratcliffe nổi tiếng thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp làm việc của Ủy ban và tỏ ra ít quan tâm đến các vấn đề tình báo phức tạp, mà chủ yếu là lớn tiếng bảo vệ lập trường quan điểm của Tổng thống Trump trong các vấn đề đối ngoại. Với kinh nghiệm tình báo quá mỏng, cộng với việc Ratcliffe là người thân tín của ông Trump, việc đề cử Ratcliffe đã vấp phải những rào cản từ nhiều phía, trước hết là từ Thượng viện. Thêm vào đó, bản thân Ratcliffe cũng từng vướng phải những vấn đề gây mất uy tín.

Tháng 7/2019, ngay sau khi ông Dan Coats từ chức Giám đốc DNI, Tổng thống Trump đã đề cử Ratcliffe thay thế, nhưng đã bị Thượng viện bác bỏ ngay lập tức vì ông bị phát hiện khai báo thành tích quá khứ không trung thực liên quan đến vụ xét xử một tổ chức từ thiện Hồi giáo ở Mỹ tài trợ cho khủng bố. Ratcliffe đã phải đính chính, chữa lỗi về những thông tin thiếu chuẩn xác này nhưng khó có thể lấy lại niềm tin trong thời gian ngắn.

Với việc đề cử ông Ratcliffe lần thứ 2, ông Trump đã đặt Thượng viện Mỹ trước hai sự lựa chọn đều khó như nhau: chấp nhận đề cử mà họ đã từng từ chối hồi năm ngoái, hay là cứ tiếp tục làm việc với một Giám đốc DNI không chính thức, nhưng cũng là người trung thành với ông.

Những người ủng hộ phê chuẩn Ratcliffe cho rằng sự lựa chọn của ông Trump trước hết dựa trên tiêu chuẩn lòng trung thành với chủ trương, đường lối của Tổng thống, phải là người dám đứng ra bảo vệ quan điểm của Tổng thống trong các vấn đề về tình báo trước Quốc hội.

Điều này hoàn toàn xuất phát từ thực tế gần đây Nhà Trắng ngày càng mất niềm tin đối với các báo cáo phân tích được gửi đến từ cộng đồng tình báo, cho rằng đang có một số “con sâu” trong cộng đồng tình báo đang cố tình gieo rắc sự thiên vị chính trị và thao túng các báo cáo gửi lên Tổng thống nhằm mục đích cuối cùng là phá hỏng chính sách của Tổng thống.

Vì thế, Tổng thống Trump muốn xây dựng một đội ngũ thân cận, trung thành với chủ trương, đường lối, ủng hộ và bảo vệ quan điểm, chính sách của Tổng thống. Và ông muốn một giám đốc DNI trung thành để giúp ông truy tìm và loại ra khỏi hàng ngũ những “con sâu” chính trị đó.

Nguyên Khang (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/ong-trump-de-cu-giam-doc-tinh-bao-quoc-gia-moi-588446/