Ông Trump đang quyết tâm 'làm sạch' bộ máy chính quyền?

Các chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng John Rood từ chức hay bổ nhiệm ông Richard Grenell giữ chức quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) thay ông Joseph Maguire là để nhằm loại bỏ các thành viên không trung thành trong chính quyền của ông, sau khi Tổng thống Mỹ được Thượng viện tuyên bố 'trắng án' trong cuộc điều tra luận tội.

“Cái kết đắng” của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo CNN, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood ngày 19-2 đã thông báo từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump sau khi liên quan một cách gián tiếp đến vụ bê bối Ukraine khiến Tổng thống Mỹ bị đưa ra luận tội. Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ, Thứ trưởng Rood cho hay ông đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thông báo “rằng Ngài đã yêu cầu tôi rời khỏi chức vụ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách”.

“Các quan chức chính quyền cấp cao được Tổng thống bổ nhiệm luôn phục vụ theo ý muốn của Tổng thống, và do đó, như Ngài đã yêu cầu, quyết định từ chức của tôi sẽ có hiệu lực từ ngày 28-2-2020" , Thứ trưởng Bộ Quốc phòng John Rood cho biết.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood sẽ từ chức vào ngày 28-2 tới. (Ảnh: CNN)

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood sẽ từ chức vào ngày 28-2 tới. (Ảnh: CNN)

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Alyssa Farah cho biết trong một tuyên bố, cấp phó của Rood, Tiến sĩ James Anderson sẽ tạm thời đảm nhiệm công tác của thứ trưởng phụ trách chính sách cho tới khi Tổng thống Trump bổ nhiệm một nhân viên chính thức.

Nói về nguyên nhân của việc từ chức, các quan chức cho biết ông Rood thường được cho là không chấp nhận một số thay đổi trong chính sách mà Nhà Trắng và các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc mong muốn. Những bất đồng của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về một số quan điểm chính sách quan trọng của ông Trump trong các vấn đề như đàm phán hòa bình với Taliban, tập trận quân sự Mỹ-Hàn trong bối cảnh đàm phán với Triều Tiên, hay trong các vấn đề liên quan tới Nga và Ukraine.

Trước đó, Thứ trưởng Rood xác nhận trước Quốc hội rằng Ukraine đã tiến hành các cuộc cải cách quan trọng để có đủ tư cách nhận 250 triệu USD viện trợ quân sự. Tuy nhiên, theo phe Dân chủ, điều này đã đi ngược với lý lẽ của Tổng thống Trump cho rằng các khoản tài chính đã bị giữ lại do lo ngại về vấn đề tham nhũng, thay vì gây sức ép đối với Kiev nhằm điều tra các đối thủ của ông, mà cụ thể ở đây là cha con nhà cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Mặc dù không đưa ra bất cứ lý do nào giải thích cho yêu cầu từ chức của Tổng thống Trump đối với ông Rood, song động thái này tương tự những hành động của Nhà Trắng đối với các quan chức an ninh quốc gia từng đứng ra làm chứng về vấn đề Ukraine trong các phiên điều trần luận tội.

Đầu tháng này, Trump đã sa thải hai nhân chứng luận tội quan trọng liên quan đến cuộc tranh cãi về viện trợ cho Ukraine, đó là Trung tá Alexander Vindman - chuyên gia hàng đầu của Nhà Trắng về Ukraine và Đại sứ Mỹ tại Liên minh Châu Âu Gordon Sondland. Theo một cố vấn của Tổng thống Mỹ, thời điểm đó, việc đứng ra làm chứng về vấn đề Ukraine đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng nếu chọn đứng về phe đối lập với ông Trump, những người này sẽ “không được tha thứ”. “Làm sạch bộ máy là điều cần thiết phải làm”, vị cố vấn nhận định.

Tranh cãi xung quanh Richard Grenell

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, một người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông, làm quyền Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) thay thế ông Joseph Maguire.

"Rick là đại diện cho đất nước của chúng ta và tôi mong muốn được làm việc cùng với anh ấy", ông Trump thông báo trên Twitter, đồng thời gửi lời cảm ơn người tiền nhiệm của Grenell là Joseph Maguire "vì công việc tuyệt vời mà anh ấy đã làm”, cũng như bày tỏ hi vọng sẽ được hợp tác cùng Joseph với một vai trò khác trong chính quyền.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump phải đối mặt với hạn chót là ngày 11-3 để đề cử một Giám đốc DNI mới hoặc chỉ định quyền Giám đốc DNI mới, vì theo luật pháp liên bang, ông Maguire sẽ không được tiếp tục đảm nhiệm công việc này sau thời hạn nói trên.

Ông Richard Grenell vừa được Tổng thống Trump bổ nhiệm chức quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) thay ông Joseph Maguire. (Ảnh: AP)

Trong thời gian vừa qua, DNI đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía ông Trump sau khi ông giành thắng lợi trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và tiếp đến được Thượng viện tuyên bố “trắng án” trong cuộc điều tra luận tội.

Vì vậy, quyết định bổ nhiệm ông Grenell của Tổng thống có thể gây “mất lòng” cộng đồng tình báo Mỹ, bởi họ cho rằng Grenell không có kinh nghiệm liên quan đến tình báo, cũng như hoài nghi về sự trung thành của ông đối với Tổng thống.

Đề cập đến vấn đề này, CNN dẫn lời một cố vấn trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết, mặc dù là người trung thành với Tổng thống, nhưng ông Grenell vẫn có những kẻ gièm pha bên trong chính quyền, cũng như có nhiều tuyên bố gây tranh cãi trên TV hoặc trên các phương tiện truyền thông.

Mặc dù hứng chịu nhiều sự phản đối, nhưng trong thời điểm hiện tại, có vẻ như Tổng thống Mỹ không tìm kiếm người giàu kinh nghiệm tình báo, mà ông dường như đang muốn “lấp đầy những khoảng trống” sau khi bị luận tội. Ông Trump cảm thấy không tin tưởng Maguire nữa và muốn thay thế bằng một người khác có đủ sự trung thành.

Sau khi được Thượng viện tuyên vô tội ở phiên tòa xét khả năng luận tội tổng thống, ông Trump liên tiếp có các hành động "nắn gân" với các nhân chứng, công tố viên và thẩm phán. Theo các nhà phân tích, động thái này cũng sẽ tạo những thuận lợi nhất định cho chính quyền Trump, trong bối cảnh các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 bắt đầu được diễn ra tại các bang.

Cao Trung (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/ong-trump-dang-quyet-tam-lam-sach-bo-may-chinh-quyen-582556/