Ông Trump chỉ trích giá dầu cao giả tạo, OPEC phản bác

Tổng thống Mỹ Donald Trump hom thứ Sáu đã chỉ trích OPEC trên Twtter là đã tăng giá dầu 'giả tạo', khiến các nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới phản ứng.

Ảnh minh họa

“Có vẻ như OPEC lại ở đó. Với lượng dầu ở khắp nơi, bao gồm cả các tàu chất đầy tải trọng trên biển. Giá dầu là rất cao! Không tốt và sẽ không được chấp nhận!”, ông Trump viết trên Twitter. Đây là lời đề cập đầu tiên của ông về OPEC trên phương tiện truyền thông xã hội trong nhiệm kỳ của mình.

Giá dầu của Mỹ đang tiến gần mức cao nhất trong 3 năm, gần mức 70 USD/thùng, đã tăng lên kể từ khi OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC bao gồm Nga cắt giảm nguồn cung trong tháng 1/2017 để chấm dứt tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và sự sụp đổ giá.

Lời Tweet của ông Trump đến ngay sau khi các quan chức của nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Ảrập Xêút cho biết, họ muốn thấy giá tăng lên cao hơn và vẫn còn xa so với mục tiêu chấm dứt tình trạng dư cung của họ. Nhà sản xuất dầu này được dự kiến sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới hết năm nay, thậm chí có kéo dài sang năm 2019.

Theo đó, 3 quan chức Ảrập Xêút nói với Reuters trong tuần này rằng, họ sẽ rất vui khi thấy giá dầu chạm mức 80 USD hay 100 USD/thùng. Mặc dù giá cao hơn làm tăng giá xăng và thúc đẩy lạm phát, nhưng giá dầu cao hơn cũng đã mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ, cho phép tăng trưởng nhanh chóng trong sản lượng từ các mỏ đá phiến sét. Sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức kỷ lục.

Lời chỉ trích của ông Trump cũng ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của một số thành viên OPEC, nói rằng giá cả không phải là tăng giả tạo.

Các đại biểu tham dự một cuộc họp của Ủy ban giám sát OPEC/phi OPEC ở Jeddah, Ảrập Xêút cho biết, giá dầu cao hơn một phần vì căng thẳng chính trị toàn cầu, đề cập đến các biện pháp trừng phạt (của Mỹ) đối với Venezuela, tấn công Syria, hay đe dọa trừng phạt Iran và Bắc Triều Tiên.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu thế giới, và “tất nhiên sẽ khôi phục sự ổn định trên cơ sở bền vững vì lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu”.

“Chúng tôi không có bất kỳ mục tiêu giá nào tại OPEC, và cũng không có trong nỗ lực chung này với những thành viên không phải là OPEC”, Barkindo cho biết hôm thứ Sáu, để đáp lại lời tweet của ông Trump.

OPEC và các nước phi OPEC được dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng 6 để thảo luận về chính sách sản lượng. Các Bộ trưởng từ cả Iraq và Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cũng không đồng ý với lời chỉ trích của ông Trump hôm thứ Sáu. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi khẳng định, giá cả “không cao” và thị trường đang ổn định.

Tuy nhiên, ngoài lời cáo buộc trên, ông Trump không đưa ra chi tiết về những hành động mà chính quyền của ông có thể thực hiện liên quan đến dầu mỏ hoặc OPEC. “Chúng ta có một thời gian khó khăn khi thấy OPEC sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong việc thay đổi chính sách”, Michael Tran - chiến lược gia về hàng hóa của RBC cho biết.

Sản lượng của OPEC giảm trong tháng 3 xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, theo khảo sát của Reuters. Nhà sản xuất dầu lớn này đã nhắm mục tiêu trung bình năm năm của hàng tồn kho trong 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) như là một phong vũ biểu cho sự thành công của thỏa thuận.

Vào giữa tháng 4, lượng hàng tồn kho là 2,85 tỷ thùng, tăng 43 triệu so với mức trung bình 5 năm; một năm trước, nó cao hơn 268 triệu thùng so với mức bình chuẩn đó.

Tuy nhiên, trái với lời chỉ trích của ông Trump, giá dầu Brent vẫn khép lại phiên giao dịch cuối tuần với một mức tăng, tuy nhiên giá dầu Mỹ đã quay đầu giảm. Mặc dù vậy, giá dầu thế giới vẫn ghi nhận tuần tăng giá khá mạnh trong tuần qua, đưa giá dầu thô lên cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Trong tuần này, giá dầu thô Brent LCOc1 và giá dầu Mỹ WTI đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, với dầu Brent chạm mốc 74,75 USD và dầu thô Mỹ đạt 69,56 USD/thùng.

Điều đó đã làm tăng chi phí nhiên liệu, với giá xăng trung bình của Mỹ đạt 2,75 USD một gallon vào hôm thứ Tư, theo nhóm vận động viên vận động AAA, tăng hơn 30 cent so với năm trước và cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Ông Trump đang “cố gắng liên hệ với căn cứ của mình khi nói đến giá xăng bán lẻ, vì vậy ông ấy đổ lỗi cho OPEC về điều này”, John Graves - chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures cho biết.

Bên cạnh việc điều tiết nguồn cung của OPEC, giá dầu thô đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng Washington sẽ một lần nữa đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Iran – mọt thành viên OPEC - và có thể mở rộng biện pháp trừng phạt đối với Venezuela sau cuộc bầu cử Tổng thống của nước này vào tháng tới.

“Nếu nỗi lo về việc khôi phục các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran có thể tác động đến giá dầu, thì đó có thể là biện pháp ưu tiên để đổ lỗi thay cho OPEC”, Antoine Halff - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia nói.

Hiện các quỹ đầu cơ và các nhà đầu cơ khác đang nắm giữ mức đặt cược kỷ lục vào sự tăng giá dầu Brent dựa trên kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.

Theo giới phân tích, chính phủ Mỹ không thể ảnh hưởng một cách hợp pháp đến giá dầu ngoài giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược mà đôi khi họ vẫn thực hiện.

Bán dự toán ngân sách của Mỹ năm nay cũng bao gồm việc bán khoảng 100 triệu thùng dầu thô - chiếm khoảng 15% lượng dự trữ - khi sản lượng dầu của Mỹ gần đây đạt mức kỷ lục hơn 10 triệu thùng/ngày. Động thái bán ra này không liên quan đến giá dầu cao, và các nhà phân tích cho biết, đó là tín hiệu cho thấy Washington đã không quan tâm đến khả năng thiếu hụt toàn cầu trong tương lai.

“Washington đã từ bỏ ý tưởng khan hiếm này. Bạn không đến mức bán dự trữ chiến lược để cân bằng ngân sách của bạn nếu bạn nghĩ rằng thế giới sẽ bị thiếu hụt”, Kevin Book - Giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners cho biết.

Hoàng Nguyên Reuters

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ong-trump-chi-trich-gia-dau-cao-gia-tao-opec-phan-bac-75093.html