Ông Trump cân nhắc chấm dứt hiệp ước quốc phòng kí kết 60 năm với Nhật Bản

Tổng thống Donald Trump gần đây đang xem xét về việc rút khỏi hiệp ước quốc phòng lâu dài với Nhật Bản mà ông cho rằng nó khá bất công với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Theo đó, ông Trump coi Hiệp ước được ký kết từ hơn 60 năm trước, tạo thành nền tảng của liên minh giữa hai quốc gia từ Thế chiến thứ II này là quá phiến diện.

Hiệp ước chỉ cam kết Mỹ viện trợ cho Nhật Bản trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, chứ không bắt buộc lực lượng quân sự Nhật Bản phải tới bảo vệ Mỹ. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn chưa thực hiện bất kỳ bước nào trong kế hoạch rút khỏi hiệp ước và các quan chức chính quyền cho biết một động thái như vậy rất khó xảy ra.

Thoát khỏi hiệp ước sẽ gây nguy hiểm cho một liên minh sau chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đảm bảo an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế của toàn khu vực. Nó cũng sẽ có nguy cơ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới vì Nhật Bản sẽ cần phải tìm một cách khác để tự vệ trước các mối đe dọa từ những quốc gia láng giềng.

Theo các điều khoản đầu hàng trong Thế chiến thứ II, Nhật Bản đã đồng ý với Hiến pháp hòa bình, trong đó họ từ bỏ quyền tiến hành một cuộc chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Donald sẽ có chuyến đi thứ 2 tới Nhật Bản từ ngày mai (26/6) để tham dự Hội nghị thượng Nhóm 20 tại Osaka. Ông Trump dự kiến sẽ gặp lại Thủ tướng Shinzo Abe, người vốn có mối quan hệ rất tốt với ông.

Hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản được ký kết lần đầu tiên vào năm 1951 cùng với Hiệp ước San Francisco chính thức kết thúc Thế chiến thứ II. Hiệp ước quốc phòng, được sửa đổi vào năm 1960, trao cho Mỹ quyền sử dụng căn cứ lực lượng quân sự ở Nhật Bản để đổi lấy lời hứa sẽ bảo vệ quốc đảo này nếu họ bị tấn công. Hiện có khoảng 54.000 nhân viên quân sự Mỹ ở Nhật Bản.

Trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh, Nhật Bản đã kiềm chế phát triển các vũ khí tấn công như máy bay ném bom tầm xa, tàu sân bay và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Abe tin rằng quốc gia của mình nên có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc tự phòng thủ. Ông đã thúc đẩy thông qua một giải thích gây tranh cãi về hiến pháp để cho phép các lực lượng Nhật Bản có thể đến giúp đỡ đồng minh.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Japanese Times)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/ong-trump-can-nhac-cham-dut-hiep-uoc-quoc-phong-ki-ket-60-nam-voi-nhat-ban-a281206.html