'Ông trùm' ngành nhựa Đinh Đức Thắng và cách giải bài toán tài chính, thuế

Ông Đinh Đức Thắng, nhà sáng lập và lèo lái Nhựa Opec từng chia sẻ, trong giai đoạn bước chân vào kinh doanh, ông đã dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu, để lựa chọn đúng ngành để khởi nghiệp. Ông Thắng cho rằng sự lựa chọn này nếu chính xác, đã mang đến 50% thành công của một doanh nhân, doanh nghiệp. Nửa còn lại, đến từ cách giải bài toán về tài chính và thuế của doanh nghiệp...

Ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Nhựa OpecMô hình holdings, "đũa thần" cho thành công của Nhựa Opec?

Công ty Cổ phần Nhựa Opec tiền thân là nhà máy Nhựa Á Châu được thành lập và xây dựng vào năm 2002 tại cụm công nghiệp Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Vốn điều lệ khi đó chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng.

Sau nhiều năm thai nghén, đến trung tuần tháng 9/2009, Nhựa Opec chính thức được doanh nhân Đinh Đức Thắng sáng lập và tiến hành mua lại nhà máy Nhựa Á Châu. Nhựa Opec ra đời với số vốn góp là 55 tỷ đồng, trong đó ông Thắng sở hữu 55% và hai người bạn đồng hành cùng ông là ông Nguyễn Đức Hà và ông Nguyễn Minh Tú góp 45% vốn còn lại.

Hơn một thập kỉ hoạt động, hiện nay Nhựa Opec đã vươn lên, trở thành một trong những "ông lớn" phân phối hạt nhựa hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á. Đồng thời, Nhựa Opec cũng được biết đến là doanh nghiệp sản xuất bao bì sinh học tự hủy chiếm nhiều thị phần nhất cả nước.

Dưới sự điều hành của ông Thắng, Nhựa Opec liên tiếp mở rộng sản xuất kinh doanh, định hướng trở thành tập đoàn đa ngành, đa quốc gia... Và sự ra đời của Stavian Group vào cuối năm 2018 chính là lời khẳng định, quyết tâm hiện thực hóa giấc mộng của vị doanh nhân sinh năm 1978 này.

Là một người kín tiếng trên truyền thông, tuy nhiên trong một buổi tọa đàm vào giữa năm 2018, ông Thắng cũng đã hé mở phần nào chìa khóa đi đến thành công của ông và Nhựa Opec.

Ông hồi tưởng lại bản thân của nhiều năm trước và nói, trong giai đoạn bước chân vào kinh doanh, ông đã dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu, để lựa chọn đúng ngành để khởi nghiệp. Ông Thắng cho rằng sự lựa chọn này nếu chính xác, đã mang đến 50% thành công của một doanh nhân, doanh nghiệp. Nửa còn lại, đến từ cách giải bài toán về tài chính và thuế của doanh nghiệp...

Mặc dù không chia sẻ cụ thể, song điểm qua các doanh nghiệp mà ông Thắng đang vận hành, chỉ đạo có thể nhận thấy "kim chỉ nam" chính là mô hình holdings, hay còn được ví như "đũa thần" cho các tập đoàn đa ngành.

Mô hình đầu tư này khá điển hình và đang trở thành xu hướng của nhiều doanh nghiệp trong nước, ở mô hình này công ty mẹ và công ty con sẽ hoạt động tương đối độc lập, minh bạch. Về mặt lý thuyết, nếu công ty mẹ hoặc công ty con gặp khó khăn về tài chính thì công ty còn lại cũng không bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngoài ra, cây "đũa thần" này sẽ mang lại các lợi ích về thực hiện nghĩa vụ thuế, các vấn đề liên quan đến nhân sự, đòn bẩy tài chính, cơ hội tiếp cận nguồn vốn... Hay đối với Nhựa Opec, đó là cách giải bài toán mà ông Thắng từng đề cập.

Hé mở hệ sinh thái xoay quanh ông Đinh Đức Thắng

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, ngoài Nhựa Opec, ông Thắng còn là người đại diện pháp luật, điều hành một số doanh nghiệp khác thuộc Stavian Group như Công ty TNHH Tập đoàn Stavian, Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings, Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất...

Đáng chú ý, các công ty này cùng có chung đặc điểm đó là doanh thu cao ngất ngưởng, song lợi nhuận và nhân sự rất mỏng.

Điển hình như Nhựa Opec (công ty mẹ), pháp nhân lõi được chủ tịch HĐQT Đinh Đức Thắng sở hữu 50% vốn, tổng giám đốc Nguyễn Minh Tú sở hữu 30% vốn và phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Hà sở hữu 5% vốn.

Trong giai đoạn 2016-2019, Nhựa Opec ghi nhận doanh thu thuần liên tiếp tăng trưởng, từ 6.700 tỷ đồng lên 16.160 tỷ đồng vào cuối chu kì. Tuy nhiên, bất chấp doanh thu tăng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm, Nhựa Opec chỉ duy trì lợi nhuận ở mức vài chục tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu có năm sụt còn 0,22%.

Càng đặc biệt hơn, tình trạng lãi mỏng này xảy ra thường xuyên và trở thành một "dấu ấn" riêng của Nhựa Opec.

Cũng trong giai đoạn này, tài sản của Nhựa Opec liên tục nảy nở, từ 3.800 tỷ đồng lên 7.200 tỷ đồng vào năm 2019. Đối ứng bên nguồn vốn, phần lớn là doanh nghiệp dựa vào các khoản nở ngoài, do vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 670 tỷ đồng, trong đó 550 tỷ đồng là vốn điều lệ. Điều này cũng cho thấy, doanh nghiệp của ông Thắng có khoản lợi nhuận tích lũy rất khiêm tốn, hơn 100 tỷ đồng sau chục năm bôn ba thương trường.

Có những nét tương đồng, đó là Công ty Cổ phần Vận tải biển OPL, một thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái Nhựa Opec. Đơn vị phụ trách mảng logistic này hoạt động dưới quyền của ông Nguyễn Minh Tú.

Với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, OPL đem về gần 80 tỷ đồng doanh số vào năm 2016, đến năm 2019 đạt 360 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu bằng lần, thế nhưng doanh nghiệp này lãi đì đẹt, cao nhất đạt 5 tỷ đồng và có năm còn lỗ ròng 2 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2019 đạt 130 tỷ đồng.

Dưới sự điều hành của ông Thắng, các công ty thành viên khác của Stavian Group cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Stavian Việt Nam Holdings, Tập đoàn Stavian, Stavian Hóa chất đều có số lượng nhân viên lác đác 3-5 người, lợi nhuận rất khiêm tốn so với doanh số...

Trong đó, Stavian Hóa chất ghi nhận doanh thu 20 tỷ đồng trong năm đầu thành lập và nhanh chóng tăng lên 150 tỷ đồng vào năm kế tiếp. Dẫu vậy, doanh nghiệp giảm lãi từ 810 triệu đồng còn 50 triệu đồng năm 2019.

Ông Thắng còn góp 4,55% vốn tại Công ty Cổ phần Hanoiba, đây là doanh nghiệp có sự tham gia của các thành viên thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, như ông Lê Phụng Thắng (chủ tịch hội), Trần Anh Vương (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)...

Việt Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ong-trum-nganh-nhua-dinh-duc-thang-va-cach-giai-bai-toan-tai-chinh-thue-20180504224249915.htm