'Ông trùm' dược liệu Tây Bắc

Cứ nhìn dáng vẻ 'hầm hố', giọng nói khàn đục của ông Lê Thiết Kế nhiều người lần đầu mới gặp nhầm tưởng ông là 'ông trùm' có số má của Tây Bắc.

Mãi sau này tôi mới hiểu ông là người rất hiền và chân thực, cặm cụi đến các vùng núi xa xôi hẻo lánh thu mua dược liệu, hướng dẫn người dân chữa bệnh bằng những bài thuốc dân gian là cây cỏ trong rừng.

Ông Lê Thiết Kế giới thiệu củ ba mươi

Những ngày cuối năm thật bận rộn, nhiều lần gọi điện cho ông, khi thì ông bảo đang ở Sơn La tìm mua giống ngựa bạch, lúc thì ông nói tôi đang trên Lai Châu, rồi sang Mù Cang Chải bây giờ đang ở Lục Yên giúp mấy bà lang mế tìm các loại cây thuốc chữa bệnh. Mấy hôm nay ông và cậu con trai đang giúp Công ty Khoáng sản Yên Bái nấu nồi cao ngựa bạch để làm quà Tết cho cán bộ công nhân. Ây dà, gặp ông những ngày này khó quá.

Thôi thì cứ phóng xe đại tới nhà ông xem, biết đâu gặp ông ở nhà. Quả nhiên ông vừa đi thu mua cây dược liệu về. Ông bảo: Anh thông cảm cho tôi, công việc cuối năm bận quá, đâu đâu cũng gọi. Mình không phải làm nghề bốc thuốc, nhưng biết một số bài thuốc dân gian cổ truyền, bà con hỏi thì mình cũng phải bày cách giúp họ thôi…

Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước những người tốt nghiệp cấp II ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thuộc loại hiếm, họ được coi là những người học cao ở xã. Vì thế, sau khi học xong lớp 7, ông được cử làm thư ký đội sản xuất, sau vài năm biết ông có kiến thức về dược liệu, nên Công ty dược phẩm quốc doanh Yên Bái tuyển về làm cán bộ thu mua dược liệu, được cử đi học dược tá, sau học lên dược sĩ, làm chủ nhiệm hiệu thuốc rồi giám đốc Công ty dược Lục Yên, tháng 7/2006 ông được điều về làm Thường trực Hội Đông y tỉnh Yên Bái.

Ông Lê Thiết Kế còn có biệt danh là “Kế Cao”, bởi ông có nghề nấu cao nổi tiếng ở đất Yên Bái. Người ta gọi ông là “vua cao” ngựa bạch, mỗi năm ông nấu chừng 30-40 nồi cao ngựa bạch, ông nổi tiếng đến nỗi Tổng giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo cử người lên Yên Bái tìm tới gia đình ông chọn một con ngựa bạch vận chuyển về công ty, mổ và nấu cao tại đó. Bởi có kiến thức dược liệu, nên ông biết đưa các loại dược liệu vào từng loại cao, nên cao của ông nấu chất lượng cao. Những người sành dùng cao ở Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc đều biết tiếng ông.

Ông chỉ đống thiên niên kiện chuẩn bị đưa vào lò sấy bảo tôi: Bây giờ đang là mùa thu mua cây thuốc, nên tôi cũng bận lắm chẳng mấy khi ở nhà. Nói rồi ông bốc một nắm củ ba mươi lên cho tôi xem: Đây là loại cây thuốc chữa ho, người ta dùng củ ba mươi cùng với hạt ý dĩ, bách hợp, mạch môn đông hoặc tang bạch bì, bạch phục linh, sa sâm, địa cốt bì sắc nước uống. Thang thuốc này chữa các triệu chứng ho dai dẳng lâu ngày không khỏi. Tôi thu mua củ ba mươi về sấy khô cung cấp cho các công ty dược, trong đó nhiều nhất là Công ty Đông Nam Dược Nam Định, mỗi năm vài chục tấn…

Tôi ngắt lời ông: Nếu khai thác nhiều như vậy dù là rừng vàng bạc bể chẳng mấy mà cạn kiệt nguồn dược liệu? Ông gật đầu bảo: Đúng thế, nếu chỉ khai thác thì chẳng mấy mà hết. Tôi hướng dẫn bà con cách khai thác từng loại dược liệu, ví như cây thiên niên kiện thì không được nhổ cả gốc, mà cắt chừa lại gốc từ 5 - 10cm để cây tái sinh. Cây này giống như cây khoai môn, sống dưới tán rừng già ở nơi ẩm ướt, mấy năm sau cây mới cao 40 - 50cm khi đó mới khai thác được. Hay củ ba mươi thì phải biết gieo trồng lại từ chính chỗ mình đã khai thác. Tôi bảo bà con đừng khai thác tận diệt như các thương lái Trung Quốc. Họ thu mua cả gốc lẫn rễ, như vậy là hủy diệt, cây lấy gì tái sinh. Nhiều loại cây thuốc quý của Việt Nam chỉ có ở các cánh rừng miền núi phía Bắc nay gần như tuyệt chủng, ví như cây kim tuyến, nên xót lắm!

Cây thiên niên kiện đưa vào khay sấy

Ông Kế cho hay, mỗi năm ông thu mua của bà con cả trăm tấn dược liệu tươi, sau đó sấy khô cung cấp cho các công ty dược: Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, làng thuốc nam Ninh Hiệp. Riêng cây thiên niên kiện mỗi năm cũng 30-40 tấn, củ ba mươi 20 tấn. Ngoài ra là các loại dược liệu: Khúc khắc, huyết đằng, thảo quyết minh, cà gai leo… mỗi loại cũng vài tấn. Ông bảo: Những cây dược liệu đó là những cây vàng mà thiên nhiên ban tặng cho người miền núi. Ngoài ra còn nhiều dược liệu quý hiếm khác mà chúng ta chưa biết tới, chúng sống vô danh trong rừng, chỉ khi được gọi tên chúng mới trở nên quý giá. Tiếc là chúng ta chưa có người giúp nhân dân nhận biết những loại cây thuốc quý đó.

Ông dẫn tôi vào kho dược liệu đã sơ chế chuẩn bị xuất bán cho các công ty dược. Kho được trang bị máy hút ẩm và đo nhiệt độ, đảm bảo chất lượng hàng hóa tuyệt đối trước khi xuất bán. Có một loại dược liệu được coi là “vàng đen” đấy là sâm cau đen, còn gọi là Tiên Mao. Loại sâm này chỉ có một củ sống trong các khu rừng già, sâm cau đen ngoài bổ thận còn tăng cường khả năng tình dục cho cả nam và nữ rất hiệu quả. Vì thế người ta lùng mua rất nhiều, may mắn lắm người ta mới tìm thấy loại sâm này.

Sâm cau đen đã sấy khô

Năm 2012 ông di thực giống cà gai leo từ Ninh Bình trồng được hơn 2 sào trong vườn nhà, ông dự tính sẽ phát giống cho bà con trồng rồi thu mua lại để bào chế ra loại thuốc chữa trị men gan cao. Nói rồi ông bảo vợ vào kho lấy cho tôi xem gói thuốc chữa men gan cao, mỡ máu, giải độc rượu, tiêu u, tiêu viêm, mụn nhọt… bào chế bằng các loại cây rừng: Cà gai leo, hồng rừng, thông thảo, tỳ giải, sâm cau…

Cây cà gai leo ông Kế trồng trong vườn nhà

Ông rót cho tôi cốc nước màu mận chín: Quanh năm tôi uống loại nước này, uống rượu không biết say là thế. Năm ngoái gia đình tôi bán hơn 500 gói cho khách hàng khắp nơi: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội… Mỗi gói chỉ có 100 ngàn đồng, họ nạp tiền vào tài khoản hoặc gửi tiền qua bưu điện, khi nhận được tiền rồi tôi gửi hàng cho họ, hoặc gửi xe ca…

Thang thuốc giải độc gan do ông Kế bốc đang bán khắp miền Bắc

Ông Lê Thiết Kế là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân miền núi, cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, cơm không đủ ăn, hàng ngày ông phải theo bố mẹ lên rừng đào củ, hái rau măng ăn thay cơm. Chính những lần đi rừng ấy ông được cha mẹ chỉ cho những cây rừng làm thuốc. Đó là những bài thuốc chữa bệnh của người Dao, người Tày vô cùng độc đáo và kỳ diệu. Nhờ biết tự chữa bệnh cho mình, mặc dù năm nay ông đã 65 tuổi, nhưng vóc dáng cao lớn của ông không hề teo tóp như nhiều người khi về già, da thịt vẫn đỏ căng, giọng nói sang sảng, bước đi nhanh nhẹn, ông bảo: Đời tôi chưa bao giờ phải nằm viện quá 3 ngày. Ông cười lục khục trong cổ: Không biết sau này thế nào, nhưng bệnh tật nó ngại tôi thế nào ấy. Kể từ khi về hưu, tôi lại thấy mình khỏe ra, rượu uống không biết say thế mới lạ chứ…

Thái Sinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ong-trum-duoc-lieu-tay-bac-post234901.html