'Ông trùm' bến Thượng Hải: Ngoi lên trên thủ phủ bạch phiến

Lão đại Hoàng Kim Vinh, ông trùm Thanh Bang Hội sinh tại Tô Châu năm 1867, lớn hơn Đỗ Nguyệt Sênh 21 tuổi. Biệt danh Hoàng 'mặt rỗ' (Hoang Jinrong) đeo đẳng đời Hoàng từ khi ông ta vẫn là một cậu nhóc 5 tuổi, sau một trận đậu mùa thập tử nhất sinh vào năm 1872. Một năm sau, gia đình Hoàng dọn về Thượng Hải.

Không khác gì kẻ tiếm ngôi Đỗ Nguyệt Sênh sau này, Hoàng Kim Vinh cũng xuất thân nghèo khó. Ông Hoàng Bỉnh Tuyền, thân phụ của Hoàng chỉ là một người đầy tớ tạp dịch trong chùa. Năm 1881, ông mất. Hoàng Kim Vinh mới 14 tuổi được nhà chùa nhận làm tạp dịch thay cha.

Tiền lương không đáng kể, nhưng nhờ có công việc, nơi ăn ở ổn định nên Hoàng Kim Vinh may mắn hơn, được học hành chữ nghĩa một thời gian, và cũng có cơ hội quen biết được một số người có vị thế trong xã hội thỉnh thoảng vẫn đến lễ chùa. Năm 1890, Hoàng được nhận làm một chân bổ khoái (cảnh sát giữ trật tự) và 2 năm sau, 1892, thì được phong bổ khoái cấp 3, coi sóc công việc cảnh sát trong một khu vực nhỏ trong tô giới Pháp tại Thượng Hải.

Hút thuốc phiện ở Thượng Hải, thập niên 1920.

Hút thuốc phiện ở Thượng Hải, thập niên 1920.

Bắt đầu có chút quyền lực, Hoàng Kim Vinh đã không ngần ngại sử dụng mọi mánh khóe và triệt để lợi dụng vị trí để lao vào công cuộc buôn thuốc phiện trong khu tô giới, nhanh chóng nắm vị trí cao cả trong Sở cảnh sát lẫn trong tổ chức bang hội xã hội đen ở Thượng Hải. Hai vị trí tưởng chừng như đối nghịch nhau, bất cộng đái thiên ấy lại được Hoàng Kim Vinh kết hợp uyển chuyển trong cùng một con người. Vị trí này bổ sung, hỗ trợ vị trí kia.

Cả quyền lực lẫn tiền bạc, Hoàng Kim Vinh đều phất lên rất nhanh. Hoàng giàu đến mức vào năm 1899 đã có thể xây hẳn một nhà hát đặt tên là Thiên Cung để làm quà tặng đẹp lòng Lộ Lan Xuân, người tình trẻ mê hát xướng, một đào hát lừng danh, người mà sau đó một năm Hoàng sẽ cưới làm vợ.

Nhà nghỉ Thiên Thống thực chất là dãy nhà phụ của quần thể nhà hát Thiên Cung, nơi ông trùm Cảnh sát khu tô giới Pháp tại Thượng Hải dung dưỡng hàng chục tên tội phạm băng đảng để làm tay sai bảo kê cho các cơ sở kinh doanh và những cú áp phe thuốc phiện của mình.

Là kẻ tứ cố vô thân, Đỗ Nguyệt Sênh không mấy do dự, đã đầu quân làm một tay búa cho Bác Cổ bang, tập hợp thành phần chuyên bảo kê, nghiễm nhiên trở thành thành viên thuộc hàng tép riu của Thanh Bang Hội. Đỗ được bang hội bố trí tá túc và coi sóc an ninh khu vực nhà bếp của nhà nghỉ, đặt dưới quyền sai phái của phu nhân Hoàng lão đại.

Xấu trai nhưng lanh lợi, tính tình lại liều lĩnh và phóng khoáng, Đỗ nhanh chóng được Hoàng phu nhân để mắt, tin cậy và nâng đỡ, nhờ đó đã dần ngoi lên. Lúc này, mối quan tâm của Hoàng Kim Vinh là cô đào hát trẻ tuổi và xinh đẹp chứ không phải bà vợ cả già nua nữa.

Thôi thì lộc bất tận hưởng, Hoàng phu nhân cũng mặc, chỉ chuyên chú tranh thủ dựa uy chồng để thu vén của nả, coi như một thú vui không phải ai muốn cũng có cơ hội. Phu quân mê theo đào hát trẻ thì phu nhân cũng mê sai khiến tay búa trẻ vào việc kiếm tiền.

Đi đâu Hoàng phu nhân cũng sai Đỗ tháp tùng kè kè. Không ít lần, Đỗ Nguyệt Sênh đã phản xạ nhanh nhạy và đúng lúc, cứu thoát Hoàng phu nhân trong nhiều tình huống nguy hiểm do các băng nhóm đối thủ của Hoàng Kim Vinh gây nên.

Thượng Hải, 1930.

Vào thời điểm đó, thuốc phiện vẫn là nguồn lợi béo bở nhất tạo nên quyền lực, bất cứ một bang phái nào ở Thượng Hải cũng muốn độc chiếm. Ngay khi vừa giành được tô giới tại Thượng Hải, người Anh cũng đã lập tức đặt công quản thuốc phiện lên mảnh đất này, từ đó phân phối ma túy vào sâu trong lục địa Trung Quốc.

Chính quyền thực dân Anh ở Tô giới Trung Quốc cũng giống như chính quyền đô hộ thực dân Pháp ở Đông Dương, luôn xem thuốc phiện như nguồn thu nhập thuộc địa quan trọng hàng đầu. Thuốc phiện chảy về Thượng Hải chủ yếu có nguồn gốc từ vùng vịnh Bengal, được Công ty Đông Ấn (Anh Quốc) vận chuyển về Thượng Hải bằng tàu biển.

Tuy nắm quyền thống trị nhưng người Anh vẫn không thể trực tiếp giao dịch buôn bán thuốc phiện với dân bản xứ. Vì vậy, toàn bộ việc quản lý các công quản thuốc phiện (mở công khai), thương nhân Anh đều giao hết cho những người Trung Quốc gốc Triều Châu thuộc vùng Swatow (Sán Đầu), một thị trấn nằm cách Thượng Hải 25 km.

Tất cả các nhân vật người Trung Quốc ở Triều Châu có dính líu đến thuốc phiện đều tập hợp dưới trướng ông trùm Vương Sung, đầu lĩnh của bang Tam Hòa Hội, một băng đảng tội phạm thờ tam điểm (Thiên - Địa - Nhân) hùng mạnh và khét tiếng tàn ác. Đây là nguyên nhân quan trọng bậc nhất để sau này tội phạm băng đảng gốc Triều Châu có thể làm mưa làm gió trên thị trường ma túy Đông Bắc và Đông Nam Á.

Lão đại Hoàng Kim Vinh.

Trong khi đó, tại phần nhượng địa của Pháp, chính quyền cũng phải nhờ trung gian bản địa mới có thể "tận thu" được thuế của hàng loạt tệ nạn như bảo kê, ma túy, mại dâm, cờ bạc đang mọc lên đầy rẫy. Từ sự hợp tác bẩn thỉu này, "quyền lực mật thám" ở Tô giới Pháp đã lọt hoàn toàn vào tay Hoàng Kim Vinh - thủ lĩnh Thanh Bang Hội và Trương Tiêu Lâm, ông trùm Hồng Bang Hội - một tổ chức tội phạm thoát thai từ phong trào đấu tranh chính trị phản Thanh phục Minh, cũng không kém phần khét tiếng.

Để bạn đọc dễ hình dung, cần phải giải thích rõ một chút về các danh xưng bang phái. Thanh Bang Hội được thành lập vào khoảng giữa đời Thanh, tên gọi gốc là An Tĩnh Bang.

Xuất phát điểm, nó là một hội đoàn nghề nghiệp lương thiện, tập hợp của những tay bảo tiêu ngũ cốc, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác từ tỉnh Tứ Xuyên xuôi dòng Dương Tử đổ về Thượng Hải hoặc từ vùng Hoa Nam ngược lên kinh đô Bắc Bình (Bắc Kinh). Khi đường bộ rồi đường sắt phát triển, con đường vận lương trên sông kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó.

Khoảng 200.000 tay bảo tiêu trên sông buộc phải lên bờ và trở nên thất nghiệp. Họ đã đổ xô về Hong Kong, Thượng Hải và các đô thị xung quanh, kiếm sống bằng các nghề như phu xe, bảo kê, bốc vác ở các bến tàu, bến xe. Đặc tính chung của đám người này là lì lợm, mạnh mẽ, rất liều mạng và cũng rất trung thành. Từ nguồn gốc hội đoàn ban đầu, họ có ý thức tổ chức khá tốt, quy tắc nghiêm cẩn.

Chữ "tĩnh" và chữ "thanh" đọc âm na ná nhau nên từ An Tĩnh Bang, nó đã được rút gọn và đọc chệch thành Thanh Bang, nhằm phân biệt với Hồng Bang hội, một tổ chức bang hội ra đời từ phong trào đấu tranh vũ trang "phản Thanh phục Minh". Sau này hội kín chính trị bị biến chất, trở thành băng đảng lưu manh và tàn bạo, một bộ phận quan trọng của tổ chức xã hội đen của người Hoa, gọi chung là Tam Hoàng Hội, thờ phụng tam thể Thiên - Địa - Nhân.

Tại Thượng Hải cũng như Hong Kong, người của Thanh Bang Hội chủ yếu gốc Quảng Đông và người của băng Tam Hòa hội gốc Triều Châu thường xuyên xung đột với nhau để tranh quyền bảo kê bến cảng, thầu công nhân cho các nhà máy và đặc biệt là độc chiếm quyền kinh doanh thuốc phiện.

Dưới áp lực của quần chúng, năm 1918, người Anh buộc phải từ bỏ quyền khai thác công quản thuốc phiện, đóng cửa các tiệm hút (PO - Post Opium). Mất thế độc quyền hợp pháp, thanh thế của băng Tam Hòa Hội Triều Châu dần dần bị Thanh Bang hội lấn lướt.

Nhiều cao thủ băng Tam Hòa hội Triều Châu phải xếp giáo quy hàng, trở thành đầu sai, đầu lĩnh con của Thanh Bang. Thất thế nhưng vai trò của dân Triều Châu vẫn rất quan trọng bởi họ nắm trọn mọi bửu bối của các ngành nghề liên quan đến thuốc phiện. Đội ngũ hóa công (nhà hóa học) chế biến thuốc phiện, tất tần tật đều là người Sán Đầu, Triều Châu.

Thuốc phiện, morphin, heroin đều là chế phẩm của nhựa cây anh túc được điều chế theo những quy trình khác nhau. Được người Hy Lạp và người Arab phát hiện từ thế kỷ I sau CN, đến thế kỷ 8, thuốc phiện lan từ Tiểu Á sang Iran, Ấn Độ, Pakistan rồi vào Trung Quốc và tràn xuống Đông Dương, được xem như một loại dược liệu. Đến cuối thế kỷ XVIII, thuốc phiện mới được dùng để hút và tạo nên nạn nghiện.

Năm 1806, Ferederic Wilhem Sertner, một nhà hóa học người Đức đã chưng cất được morphin từ thuốc phiện trên amoniac. Cứ 10 kg thuốc phiện cho ra 1 kg morphin. Giữa thế kỷ XIX, do sự ra đời của kim tiêm, morphin đã trở thành loại thuốc giảm đau nhằm chữa vết thương và bệnh kiết lỵ. Morphin được dùng nhiều nhất ở Mỹ trong giai đoạn chiến tranh Nam - Bắc.

Năm 1874, một nhà hóa học người Anh tên là C.R.Adler Wright đã điều chế được heroin sau khi đun morphin nhiều giờ liền với anhydric axetic. Năm sau, hãng dược phẩm Bayer của Đức đã đưa heroin ra thị trường, thay cái tên khoa học dicetylenmorphin của nó thành heroin, quảng cáo nó như một loại "thần dược" chữa bá bệnh đặc biệt là trị ho và trị chứng... nghiện thuốc phiện.

Heroin xuất hiện lấn át dần vai trò mẹ đẻ của nó là thuốc phiện. Do tác hại gây nghiện cực mạnh của nó, đến đầu thế kỷ XX, heroin đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Công ước Geneve năm 1925 đã đưa ra một loạt qui định hạn chế đối với việc sản xuất và xuất khẩu heroin.

Năm 1931, thêm một công ước hạn chế khác được Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc sau này) thông qua, qui định rằng các nhà sản xuất trên mọi quốc gia chỉ được sản xuất một lượng heroin đủ để đáp ứng "nhu cầu y học và khoa học chính đáng mà thôi". Nghiễm nhiên, heroin đã chính thức bị luật pháp quốc tế đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nó chỉ còn được công nhận tồn tại trong các phòng thí nghiệm và chỉ trong các phòng thí nghiệm mà thôi. Nhờ đó, sản lượng heroin toàn cầu đã giảm đáng kể, từ 9.000kg năm 1926 xuống còn 1.000kg vào năm 1931.

Tất nhiên, công ước Quốc tế chỉ có tác dụng đối với tình hình sản xuất heroin công khai nhưng không có tác dụng gì đối với thị trường chợ đen. Ngược lại, lệnh cấm chỉ khiến cho giá heroin cung cấp cho con nghiện toàn cầu tăng vọt bởi mặt hàng này đã trở nên khan hiếm.

Không bỏ qua cơ hội, các tập đoàn tội phạm cả phương Đông lẫn phương Tây đều nhanh chóng nhảy vào cuộc độc chiếm quyền cung cấp heroin, thu lợi nhuận khổng lồ. Tại châu Âu, tập đoàn maphia đảo Corse đã nhanh chóng hùng bá thành phố cảng Marseille của nước Pháp, nhập thuốc phiện từ vùng Vịnh Bengal và khu vực Trung - Nam Á (Ấn Độ, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ...) về điều chế thành heroin cung cấp cho toàn bộ thị trường Châu Âu và nước Mỹ. Giang hồ châu Á cũng không bỏ qua nguồn lợi béo bở. Việc sản xuất heroin ở phương Đông nhanh chóng lọt vào tay Thanh Bang hội đang khuynh loát quyền lực các đường phố ở Thượng Hải và Hong Kong.

Thằng nhóc du thủ du thực Đỗ Nguyệt Sênh cũng vừa đủ trưởng thành đúng vào giai đoạn đó. Trên bản đồ quyền lực bạch phiến, tên của nó đã được điền vào Bến Thượng Hải từ năm 1921. Đường đến quyền lực vốn dĩ gập ghềnh bất trắc và không thể tránh khỏi đổ máu. Bi kịch là ở chỗ, kẻ mà Đỗ phải vượt qua đầu tiên, không ai khác, lại chính là lão đại Hoàng Kim Vinh, ông chủ tối cao cũng xấu trai như nó.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/ong-trum-ben-thuong-hai-ngoi-len-tren-thu-phu-bach-phien-608373/