Ông Trịnh Văn Quyết: 'Đã kinh doanh thì ai cũng muốn nợ, càng nợ nhiều càng tốt'

Ông Quyết cũng khẳng định: 'Tôi chưa bao giờ nói tình hình tài chính của Bamboo khó khăn'.

Tại buổi Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" vào chiều ngày 30/5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ bên lề với báo chí: "Tôi chưa bao giờ nói tình hình tài chính của Bamboo khó khăn, tất cả những gì tôi trả lời trước đây cũng đều khẳng định điều này. Bamboo hiện đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng, bài bản hơn trước khi có dịch".

Theo ông Quyết, Chính phủ và các Bộ ban ngành đã vào cuộc và tháo gỡ quyết liệt những khó khăn của ngành hàng không cũng như các hãng hàng không. Đỉnh điểm khó khăn với thị trường hàng không đã qua, các hãng đã khai thác bay nội địa bình thường trở lại.

"Trước đây, Bamboo Airways khai thác 150 chuyến bay/ngày, hiện mới đạt 50% trước dịch Covd-19. Nếu nhu cầu đi lại trở lại bình thường, tháng Sáu hay chậm nhất tháng Bảy tới, hãng sẽ có số chuyến bay bằng so với trước thời điểm dịch bệnh," ông Quyết cho biết.

Hồi tháng 4, Bamboo Airways công bố lỗ 1.500 tỷ đồng trong quý 1/2020 do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, ông Quyết nói rằng, thời điểm này tính toán lỗ lãi là quá sớm, hiệu quả cụ thể ra sao, hay khả năng có lãi hay không sẽ phải đợi đến cuối năm mới có con số chính xác.

Dự kiến, sau khi hết dịch, Bamboo sẽ mở lại một số đường bay quốc tế như Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc), Đài Loan, sau đó sẽ mở đường bay tới Nhật. Kế hoạch mở đường bay Praha (Séc) của hãng vào tháng 4 đã bị hoãn lại do dịch bệnh, cũng sẽ được mở lại sau khi hết dịch.

Ông Quyết khẳng định, năm 2020, Bamboo Airways vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hãng này đang nộp hồ sơ xin phép mở rộng đội máy bay lên 40 - 45 chiếc vào cuối năm nay.

Trước câu hỏi về nghĩa vụ nợ của Bamboo Airways, ông Quyết nói: "Đã kinh doanh thì ai cũng muốn nợ, càng nợ nhiều càng tốt. Nếu nợ không trả thì chỉ khi nào có phán quyết của tòa án mới gọi là nợ quá hạn hoặc dùng những từ xấu nhất để gọi tên. Trong kinh doanh nợ là bình thường, Bamboo chỉ nợ bằng 1/3 các hãng khác".

Trước đây, ông Quyết từng có những phát biểu mạnh mẽ khi nói về lĩnh vực hàng không như "Tôi chưa bao giờ nói suông khi làm hàng không"; "Chúng tôi có dư nguồn vốn để vận hành một hãng hàng không"; "Vận hành hãng hàng không dễ hơn làm bất động sản" hay "Tôi chưa bao giờ nói phải đi tìm đối tác chiến lược. Ngược lại, nhiều đối tác quốc tế đang ngỏ ý muốn hợp tác với FLC".

Còn về phía các doanh nghiệp khác của ông Quyết, doanh nhân này cũng từng tuyên bố quyết liệt: "Năm 2016, cổ phiếu FLC còn dưới mệnh giá, tôi sẽ cầm cố tài sản để mua lại".

Tại đại hội cổ đông 2018, ông khẳng định với các nhà đầu tư: "Quý vị hãy tin tôi đi! Hãy kiểm chứng những lời tôi nói. Trong những năm tới FLC sẽ về mệnh. Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!".

Tháng 6/2019, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn FLC, ông Quyết tiếp tục cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm này, đồng thời khẳng định rằng chưa có kế hoạch bán trong những năm sau. "Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS và sẽ không bán ra ngoài, nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác", ông Quyết khẳng định.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2019, ông lại bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS và từ đó đến nay, ông Quyết đã nhiều lần bán ROS và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%.

Tháng 11 năm ngoái, ông cũng khẳng định: "Nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không trên "ba chữ số", tôi sẽ xin phá sản, thương hiệu FLC vứt đi".

Giá cổ phiếu FLC trên sàn hiện thấp hơn 3.000 đồng. Giá ROS là 3.500 đồng. Ông Quyết cũng không còn là Chủ tịch của FLC Faros.

Cũng tại Tọa đàm nói trên, một thông tin đáng chú ý khác được ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ, đó là hãng này sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hóa và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.

"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hóa, giảm việc máy bay nằm đất, đồng thời tối đa hóa nhân lực. Chúng ta đang có nhu cầu tăng đột biến chở hàng hóa xuất khẩu như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam tới các quốc gia khác", ông Thắng cho biết.

N.M

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ong-trinh-van-quyet-da-kinh-doanh-thi-ai-cung-muon-no-cang-no-nhieu-cang-tot-82020315162220263.htm