'Ông Trần Vĩnh Tuyến chưa thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi'

'Bị can chưa thành khẩn khai báo rõ về động cơ vụ lợi của bản thân và đồng phạm, đổ lỗi do tin tưởng vào cấp dưới tham mưu', cơ quan điều tra đánh giá về ông Trần Vĩnh Tuyến.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Nhà chức trách đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng 7 bị can khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan vụ án này, cựu Tổng giám đốc Sagri ông Lê Tấn Hùng và 7 người khác bị đề nghị truy tố về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Ông Trần Vĩnh Tuyến khi còn đương chức. Ảnh: Lê Quân.

Ông Trần Vĩnh Tuyến khi còn đương chức. Ảnh: Lê Quân.

Theo Bộ Công an, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TP.HCM quản lý, được giao khai thác khu đất có diện tích gần 37.000 m2 tại phường Phước Long B, quận 9.

Sau khi UBND TP.HCM chấp thuận cho Sagri chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có lô đất ở Phước Long B theo quy hoạch, Tổng giám đốc Sagri khi đó là Nguyễn Thu Nga và ông Trần Quang Nghị (Tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú) ký kết hợp tác kinh doanh dự án khu nhà ở tại khu đất Phước Long B.

Giai đoạn 2008-2016, các bên liên quan nhiều lần đàm phán về việc chuyển nhượng khu đất dự án ở Phước Long B do Sagri làm chủ đầu tư. Đến tháng 11/2017, sau khi Thanh tra TP.HCM có kết luận thanh tra toàn diện Sagri, trong đó không nêu dự án nhà ở tại Khu phố 4, Phước Long B, quận 9 có sai phạm, bị can Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) đã tham mưu để ông Trần Vĩnh Tuyến ký chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho phía Phong Phú.

Cơ quan chức năng cáo buộc bị can Trần Vĩnh Tuyến với vai trò là Phó chủ tịch UBND TP.HCM giai đoạn 2016-2020 biết việc chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại Phước Long B phải thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường.

Khi dự án mới xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn nhưng bị can Tuyến vẫn chấp thuận cho chuyển nhượng dự án do Sagri làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú.

Ông Lê Tấn Hùng. Ảnh: Bộ Công an.

Theo cảnh sát, việc làm của ông Tuyến đã tạo điều kiện để bị can Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 tỷ đồng tại thời điểm chuyển nhượng dự án. Tính đến lúc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hồi giữa năm 2020, hành vi của cựu Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến gây thiệt hại trên 672 tỷ.

Khi bị điều tra, ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận cáo buộc nhưng phủ nhận động cơ tư lợi. Cơ quan điều tra cũng chưa thu được tài liệu chứng minh bị can có việc tư lợi.

"Bị can chưa thành khẩn khai báo rõ về động cơ vụ lợi của bản thân và đồng phạm, đổ lỗi do tin tưởng vào cấp dưới tham mưu", cơ quan điều tra đánh giá và đề xuất xử lý ông Tuyến bằng một bản án nghiêm khắc.

Trong bản kết luận này, cơ quan điều tra nhận định ông Tuyến phạm tội một phần vì nể nang Lê Tấn Hùng là em trai cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM. Quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích nên được đề nghị xem xét khi lượng hình.

Ông Trần Vĩnh Tuyến (sinh năm 1965), quê ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Giai đoạn 1998-2014, ông Tuyến công tác tại quận 1, ông từng là Chánh văn phòng quận ủy, Phó chủ tịch UBND quận, Phó bí thư Thường trực quận, Chủ tịch UBND quận.

Từ 9/2013 đến 9/2015, ông Tuyến là Thành ủy viên, Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Tháng 4/2016, ông Trần Vĩnh Tuyến được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Trước đó, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-tran-vinh-tuyen-bi-cao-buoc-gay-thiet-hai-hon-600-ty-dong-post1190308.html