Ông Trần Phương Bình cho 'đại gia' Phùng Ngọc Khánh vay khống để đầu tư dự án Ba Son

Bị cáo Trần Phương Bình khai nhận: quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp.

Ông Trần Phương Bình (bìa phải) và Phùng Ngọc Khánh (bìa trái) tại tòa - Ảnh: Huyền Trâm

Phiên xử ngày 25/6, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án tại DongABank (DAB) giai đoạn 2 liên quan tới sai phạm cho vay đối với nhóm khách hàng M&C gây thiệt hại hơn 3.949 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, từ 2007 đến 2013, Phùng Ngọc Khánh là Tổng giám đốc Công ty M&C đã sử dụng pháp nhân của 11 công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân để vay vốn tại DAB với tổng số tiền vay là 7.106 tỷ đồng. Tính đến 24/12/2018, còn lại các khoản vay của 9 công ty với dư nợ là 7.739 tỷ đồng (gồm gốc và lãi).

Trong số đó, có 4 công ty với 5 khoản vay có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (dự án Sài Gòn - Ba Son), với tổng số dư nợ là 3.949 tỷ đồng. Trong đó, Công ty An Bình An có một khoản vay với tài sản đảm bảo là 25.000 trái phiếu của Công ty CP M&C.

Đến nay, các công ty này không còn hoạt động kinh doanh, không có khả năng tài chính, không có tài sản gì khác để trả nợ cho DAB. Dự án Sài Gòn - Ba Son do chủ đầu tư khác thực hiện, các công ty này không có quyền tài sản đối với dự án này, nên dự án này không có giá trị bảo đảm cho các khoản vay còn dư nợ; trái phiếu của Công ty CP M&C phát hành không đúng quy định của pháp luật, đã hết hạn nên không còn giá trị.

Đối với dư nợ của 4 công ty trên, khi đến hạn trả nợ gốc và lãi các khoản vay tại DAB của các công ty thuộc nhóm M&C trước đó, nhưng Phùng Ngọc Khánh không còn nguồn tài chính nào để trả nợ cho DAB nên Phùng Ngọc Khánh đã trao đổi, bàn bạc với Trần Phương Bình cho Khánh sử dụng pháp nhân của các công ty trong nhóm đứng tên vay tại DAB để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.

Tại tòa, ông Trần Phương Bình khai dù biết M&C đang có dư nợ lớn tại ngân hàng DAB nhưng ông Bình cho rằng đầu tư vào Sài Gòn - Ba Son sẽ đem lại nguồn lợi về kinh tế, có thể giúp M&C trả được nợ cho DAB; đồng thời ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại ngân hàng này.

Theo đó, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên DAB cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C vay tiền để đảo nợ và nhận tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn - Ba Son để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay tại DAB.

Theo cáo trạng, quyền khai thác kinh doanh hình thành trong tương lai thuộc Dự án Sài Gòn - Ba Son, được DAB nhận làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, khi sử dụng làm tài sản thế chấp cho DAB dự án chưa có văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng; khi thế chấp cho các khoản vay tại DAB không được sự đồng ý của chủ đầu tư là Công ty Ba Son; tài sản đảm bảo DAB không thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Cáo trạng nêu, tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại DAB là Dự án Sài Gòn - Ba Son đã bị các bị cáo Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh chỉ đạo các đối tượng liên quan lập khống thế chấp cho các khoản vay tại DAB để lấy tiền đảo nợ các khoản vay của Nhóm khách hàng M&C tại DAB, hiện các khoản vay này không có tài sản bảo đảm, gây thiệt hại cho DAB 3.949 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình khai nhận quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp. Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận nội dung này.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/ong-tran-phuong-binh-cho-dai-gia-phung-ngoc-khanh-vay-khong-de-dau-tu-du-an-ba-son-3547117.html