Ông Trần Bắc Hà lại vắng mặt tại tòa: Phải làm sao?

Nếu không có ông Trần Bắc Hà thì vẫn còn các đối tượng khác liên quan đến sự việc để lấy lời khai nên vẫn có thể xét xử bình thường.

Xét xử vắng mặt

Ngày 24/7, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) giai đoạn 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 43 đồng phạm. Thế nhưng, ông Trần Bắc Hà tiếp tục không có mặt tại tòa vì đang điều trị bệnh ở Singapore.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 24/7, Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết:

"Điều quan trọng ở đây là trong hồ sơ sức khỏe của ông Trần Bắc Hà gửi lên Tòa án nói rõ đang bị ung thư rất nặng, đã nhập viện bên Singapore, có nghĩa là tình huống bất khả kháng, nếu đúng như vậy.

Còn trong mọi tình huống bất khả kháng là không thể làm khác được, phải chấp nhận và có thể tiến hành xét xử bình thường.

Như vụ "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB), tòa vẫn xét xử và tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn dù vắng mặt vì lý do sức khỏe yếu.

Ông Trần Bắc Hà. Ảnh TNO

Ông Trần Bắc Hà. Ảnh TNO

Nếu đã có hành vi phạm tội thì phải xử, nếu ông Trần Bắc Hà có hành vi sai phạm mà tại phiên tòa thấy chưa bị điều tra, chưa bị truy tố thì có thể xử lý, nếu có dấu hiệu tội phạm cần thiết thì có thể khởi tố là chuyện bình thường".

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc ông Hà không có mặt tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng tới quá trình tố tụng.

Bởi vì, các vấn đề cần phải làm rõ trong phạm vi của ông Hà đối với những người khác là có ảnh hưởng, còn bản thân ông Hà cũng có thể có ảnh hưởng.

Thế nhưng, vẫn có thể giải quyết được, thiếu lời khai của ông Hà, thì phải xem lại tất cả các lời khai khác liên quan đến nội dung cần làm rõ.

Riêng với chứng cứ đó là cả một hệ thống, vì vậy, không nhất thiết chỉ có một chứng cứ.

"Tôi không biết phạm vi thẩm vấn của ông Hà, nội dung về vấn đề gì, nhưng có lẽ là tất cả các hoạt động, việc làm, các vấn đề cần có ông Hà để làm rõ các hành vi khác.

Hoặc là có vấn đề cần làm rõ hành vi của ông Hà, các vấn đề liên quan tới ông Hà, không nhất thiết phải có ông Hà mới giải quyết được.

Tôi vẫn nhấn mạnh, nếu không có ông Hà thì vẫn còn các đối tượng liên quan đến sự việc cụ thể, tức không làm rõ được từ ông Hà thì phải làm rõ ở các nguồn chứng cứ khác, chứng từ, các quyết định do ông Hà ký...", ông Hùng nói thêm.

Cũng theo vị Luật sư trên, vấn đề hồ sơ bệnh của ông Hà có thật, có đúng hay không thì không ai biết ngoài tòa, tòa thẩm định thấy nó thật, đúng thì phải chấp nhận phương án đó.

Còn nếu không thật, không đúng tạo ra sự giả mạo thì tòa phải làm rõ. Sau đó, tòa phải có biện pháp cưỡng chế, áp giải theo quy định trong Luật tố tụng hình sự.

Tìm hiểu chứng cứ khác

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Đỗ Hải Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, nếu xác định ông Hà là người làm chứng quan trọng, theo Luật thì có quyền cưỡng chế, áp giải.

Nhưng theo hồ sơ hiện tại, ông Hà đang bị bệnh ung thư điều trị tại Singapore, trong trường hợp này cũng khó có thể yêu cầu phải có mặt tại tòa.

"Điều quan trọng là không phải không có ông Hà là tòa không xét xử được, vì còn nhiều nhân chứng liên quan khác có thể lấy lời khai. Tất nhiên, việc ông Hà vắng mặt sẽ có ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, vì thiếu đi lời khai.

Nhưng thực tế còn nhiều chứng cứ khác và hoàn toàn có thể xét xử bình thường, như vụ án bị cáo Hứa Thị Phấn là điển hình.

Trong một vụ án có cả hàng nghìn chứng cứ khác, dĩ nhiên, ông Trần Bắc Hà là một chứng cứ quan trọng, nếu như không có thì hơi khó khăn, nhưng vẫn xét xử bình thường được", ông Bình chỉ rõ.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ong-tran-bac-ha-lai-vang-mat-tai-toa-phai-lam-sao-3362414/