Ông Trầm Bê hầu tòa trước sự bất nhất về tội danh

Liên quan đến vụ án này, các cơ quan tố tụng là Cơ quan CSĐT, VKSND không đồng nhất về tội của ông Trầm Bê.

Ngày 23-7, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Dương Thanh Cường (sinh năm 1966), Trầm Bê (sinh năm 1959, tại Trà Vinh) cùng các đồng phạm.

Phiên tòa diễn ra công khai từ hôm nay và dự kiến kéo dài đến ngày 28-7. Phó chánh tòa Hình sự, thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. HĐXX còn có thẩm phán Trần Minh Châu và ba hội thẩm nhân dân.

Đại diện VKS TP.HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công VKS tối cao có bà Đoàn Thị Xuân Mai cùng hai ông Trương Bảo Ngọc và Võ Đức Trí.

8g30 phiên xử khai mạc. Ảnh: HOÀNG YẾN

8g30 phiên xử khai mạc. Ảnh: HOÀNG YẾN

Bị cáo Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo khoản 4, điều 174, BLHS). Hiện bị can này đang thụ án tù chung thân cho hàng loạt bản án khác nhau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các đồng phạm khác bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (khoản 3 Điều 179 BLHS có khung hình phạt 10-20 năm tù).

Đại gia Trầm Bê được dẫn giải đến tòa từ sớm. Ảnh: HOÀNG YẾN

Các đồng phạm này là ông Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD), Ngô Văn HuổL, Nguyễn Văn Phong (cùng là cựu phó giám đốc kiêm ủy viên hội đồng tín dụng (HĐTD) Sở giao dịch), Trịnh Bích Nga (cựu trưởng phòng kinh doanh kiêm ủy viên HĐTD Sở giao dịch), Phạm Trường Giang, Trần Quan Thắng (cùng cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế kiêm ủy viên HĐTD ngân hàng) và Trầm Viết Trung (cựu giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng).

Tòa cũng triệu tập người bị hại và nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Cạnh đó, có 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đúng 7g sáng, ông Trầm Bê được lực lượng dẫn giải đưa đến tòa án cùng các đồng phạm. Hiện 9/10 bị cáo của vụ án đều bị tạm giam.

Liên quan đến vụ án này, ba cơ quan tố tụng là Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKS và tòa án không đồng thuận về tội của ‘đại gia’ Trầm Bê. Tại Bản Kết luận điều tra ngày 10/9/2019 và Bản kết luận điều tra bổ sung ngày 10/2/2020 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển VKS đề nghị truy tố ông Trầm Bê tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, theo khoản 4 Điều 206 BLHS 2015 có khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Tuy nhiên cáo trạng của VKSND tối cao truy tố ông Trầm Bê tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, có khung hình phạt thấp nhất là 10 năm tù.

"Siêu lừa" Dương Thanh Cường với "thành tích" dày cộm hầu tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Theo VKS, việc áp dụng tội danh và khung hình phạt đối với ông Trầm Bê là theo điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa 14 về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng những quy định của pháp luật có lợi cho người phạm tội, hành vi phạm tội.

Theo quyết định chủ tọa đưa vụ án xét xử tại phiên xử sáng nay, tòa xét xử theo tội danh và khung hình phạt của VKS truy tố.

Hiện phiên xử đang tiến hành phần thủ tục thẩm tra lý lịch các bị cáo. PLO sẽ cập nhật trong các bản tin sau.

Thiệt hại 505 tỉ đồng

Theo hồ sơ, năm 2007, Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát nên lấy danh nghĩa công ty mua 10,5 ha đất của các hộ dân có 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cường đem 23 giấy này thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 để vay tiền làm dự án.

Ngày 7-4-2008, Cường với tư cách là tổng giám đốc Công ty Bình Phát ký hồ sơ đề nghị vay 200 tỉ đồng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam. Bốn ngày sau, Nguyễn Thị Xuân Trang, giám đốc Sở giao dịch (hiện đã bỏ trốn, đang bị truy nã), đã chỉ đạo hai cán bộ tín dụng báo cáo thẩm định đề xuất cho công ty này vay 190 tỉ đồng.

Sau đó, HĐTD của ngân hàng gồm ông Khang (chủ tịch) đã họp và ký vào biên bản đồng ý cho vay nhưng chỉ giải ngân 130 tỉ đồng. Đồng thời, yêu cầu Sở giao dịch phải thực hiện đầy đủ tám điều kiện trước khi cho vay.

Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty của Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của HĐTD.

Đến tháng 5-2008, ông Bê lại cho Cường vay thêm bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới. Sau đó sử dụng tiền giải ngân để tất toán hợp đồng lần 1 và rút thêm tiền. Trình tự thủ tục xét duyệt cho vay như lần 1.

Ngân hàng đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng, tổng cộng là 221,3 tỉ đồng. Và Cường dùng số tiền này để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỉ đồng lãi, còn lại hơn 57 tỉ đồng sử dụng riêng.

Đến ngày 4-6-2009, đến hạn thanh toán hợp đồng vay lần 2, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Ông Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần 3. Đến ngày 11-1-2010, Cường ký giấy gán toàn bộ 23 bất động sản cho Ngân hàng Phương Nam để thanh lý các khoản nợ...

Tính đến ngày 5-1-2010, tổng giá trị khoản phải thu nợ của công ty Bình Phát là 505 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền thiệt hại cho Phương Nam.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ong-tram-be-hau-toa-truoc-su-bat-nhat-ve-toi-danh-925871.html