'Ông tổ lúa nước' ở ngã ba biên giới

Một đời vì dân nơi ngã ba biên giới Mường Nhé, anh 'nằm xuống' khi tuổi đời mới 26. Không chỉ là người con yêu dấu của dân tộc Mông, Hà Nhì vùng đất phên dậu này mà anh còn là người được Hồ Chủ Tịch ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của Bộ đội Biên phòng và được các dân tộc trên đây coi như 'ông tổ nghề trồng lúa nước' của mình. Và anh cũng là người đầu tiên đưa ra mô hình bản Đoàn kết đầu tiên ở khu vực Cực tây tổ quốc.

Người đầu tiên khai sinh ra bản Đoàn Kết

Miền đất đầu tiên ghi dấu chân anh là Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Giờ, ngược Điện Biên, lên Mường Nhé rồi vào Leng Su Sìn hay Chung Chải hành trình đã thuận lắm, ít ai có thể hình dung ra con đường mà hơn 50 năm về trước, mới bước vào xuân thứ 23 của cuộc đời, Trần Văn Thọ đã đeo ba lô lên đây. Đường từ Điện Biên vào Mường Nhé giờ đã có xe khách ra vào và chỉ cần bỏ ra 2 giờ để đi là có thể thấy Leng Su Sìn và bản Đoàn kết của “ông Thọ”. Người Hà Nhì trên đây không gọi anh là Anh hùng, là Trần Văn Thọ, mà từ ngày anh ra đi, ơn nghĩa với những gì anh để lại nên người ta chỉ gọi anh là “Ông Thọ”. Đời này kế tiếp đời sau, kể cả những người bằng tuổi anh đều gọi vậy. Đồi ông Thọ, ruộng ông Thọ, bản ông Thọ là cái tên thường hay được dùng ở đất này.

Anh hùng Trần Văn Thọ sinh năm 1935 tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Nhưng theo ông Lý Kim Khoa, người cùng quê với anh (ông Khoa ở Văn Chấn) vốn là lính biên phòng cùng đợt lên Cực tây tổ quốc với Trần Văn Thọ thì quê gốc anh lại ở xã Nỗ Lực, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 17 tuổi, Trần Văn Thọ đã tham gia đánh Pháp ở quê, sau đó thì nhập ngũ. Năm anh 23 tuổi, sau khi Pháp thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ, vùng ngã ba biên giới này phức tạp hơn bao giờ hết. Để giữ vững miền Cực tây của tổ quốc, trong công tác vận động dân chúng, anh đã được phân công lên đây, làm Tổ trưởng Tổ công tác vận động quần chúng.

Di ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang Biên phòng Trần Văn Thọ.

Di ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang Biên phòng Trần Văn Thọ.

Leng Su Sìn hồi ấy là vùng hết sức rộng lớn. Ngày ấy, để thâm nhập vùng đất này, đường đi ngắn nhất là từ Mường Tè ngược sông Đà mà “thốc” lên Pắc Ma, qua Nậm Ma, rồi vượt Xì Nế, Mù Su, Gia Tèo, Gò Cú, Phìn Khò, Suối Voi mới vào được. Dẻo dai, thuộc đường, đi nhanh cũng mất cả tuần trời. Theo những người đã tham gia hành trình vượt rừng ngày ấy thì mỗi lần vào, nếu không chết người thì cũng có thương tật xẩy ra do ngã suối, trượt dốc, sốt rét thậm chí còn là cả hổ vồ nữa. Khó khăn vậy, ấy thế mà vì dân, vì đất nước, người thanh niên phơi phới tuổi xuân có tên Trần Văn Thọ ấy vẫn cùng đồng đội tìm vào với người Mông, người Hà Nhì.

Vùng đất ngã ba biên giới này hồi ấy ẩn họa khôn lường rình rập. Không những khắc nghiệt về khí hậu, thú dữ, đi lại khó khăn mà còn bị hậu họa do phỉ thao túng. Biết được sự quan tâm của ta, để “giữ dân”, phỉ đã lên tiếng dọa nạt và tuyên truyền rất nhiều điều xấu về cán bộ người Kinh và lính biên phòng. Trong đó có cả hình ảnh cán bộ và lính người Kinh biết… ăn thịt người. Vậy nên việc tiếp xúc với dân hết sức khó khăn.

Theo ông Lý Kim Khoa, một người lính biên phòng kỳ cựu, là rể của người Hà Nhì, hiện đang sống ở gần Đồn biên phòng Leng Su Sìn thì ngày mới lên, đồng bào hầu như đều bị phỉ thao túng, bọn ông đi đến đâu cũng bị dân xa lánh. Nhà họ suốt ngày cắm cành cây xanh trước cửa, dấu hiệu không cho lính biên phòng và cán bộ vào.

Bản Đại đoàn kết của Trần Văn Thọ đầu tiên được dựng lên bên suối Păng Pơ. Những ngày đầu vận động dân về bản của các anh cam go vô cùng. Vì bị phỉ tuyên truyền là về bên suối, xa núi đồi và trăng sao thì người Mông, người Hà Nhì sẽ bị ma núi làm cho chết. Để lấy lòng dân, Trần Văn Thọ và các chiến sỹ ngày đầu lên đây đã phải lấy chăn màn, quần áo và gạo đem cho dân. Bố trí thời gian các anh lăn xả vào với dân, sửa nhà, làm máng dẫn nước, khơi thông cống rãnh. Thấy các anh tốt, một số nhà đã đồng ý cùng các anh về với bản Đại đoàn kết bên dòng suối Păng Pơ. Một hộ, rồi hai hộ về. Về không thấy bị chết, lại do công tác vận động quần chúng tốt của các anh, chẳng bao lâu đã có tới 16 hộ Pam Pơ, Chà Xé đã về, tụ hội êm đềm với nhau. Tiếp theo các hộ ở Thùng Thú cũng theo dân, theo các anh về, làm lên một bản Đoàn kết đầm ấm đầu tiên ở miền Cực tây của tổ quốc. Và từ bản Đoàn kết mẫu này, mô hình bản đoàn kết đã lan tỏa và phát triển ở 4 xã khác như Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn.

“Ông tổ lúa nước”

Giờ, lên với các bản người Mông, người Hà Nhì ở Chung Chải, Sín Thầu, Leng Su Sìn; canh tác lúa nước đã trở thành thói quen của người dân. Nhưng mấy ai biết được, gần 60 năm về trước, để dậy dân biết trồng lúa nước là cả một kỳ công của Anh hùng Trần Văn Thọ. Ngày ấy, người Hà Nhì chủ yếu là một cuộc sống du cư. Đã có thời họ được gọi là “Xá lá vàng”, vì thói quen của họ là đến đâu, thấy củ, thấy quả, thấy thú rừng thì dừng lại. Chặt lá chuối làm nhà, khi vùng đất ấy hết cái để ăn thì lá cây cũng chuyển sang mầu vàng và họ lại đi tiếp. Đó là còn chưa nói đến tình trạng nghiện hút, cứ 10 người dân thì có đến 8 – 9 người nghiện, tỷ lệ phụ nữ nghiện cũng chiếm tới 60%.

Đưa dân về bản Đoàn kết đã là một việc làm tận tâm, tận sức của Trần Văn Thọ và anh em, nhưng việc dậy dân canh tác lúa nước lại là cả một kỳ tích mang dấu ấn cá nhân anh trên đất này. Ngày ấy, người Mông, người Hà Nhì chỉ có thói quen chọc, tỉa và sống phụ thuộc vào rừng. Họ không bao giờ nghĩ được rằng cây lúa sẽ sống được ở dưới nước. Đây là một việc làm mà ngày ấy với ý thức người dân cho là sự quái gở. Lại thêm phỉ và bọn phản động tuyên truyền là nếu dân nghe theo lời Trần Văn Thọ, làm việc quái gở ấy thì sẽ bị trời bắt tội, phải chết.

Nhờ đóng góp của “ông Thọ”, nhất là việc đưa cây lúa nước xuống ruộng mà những cô gái Hà Nhì này đã xuống được núi và tiếp thu được với những công nghệ hiện đại.

Với phương châm làm để cho dân thấy, dân tin và dân học, không quản ngại, vượt cả nửa tháng trời, Trần Văn Thọ đã ra tận Mường Tè mua lưỡi cầy về. Lên rừng chặt cây, anh đẽo cầy và mượn trâu của dân một mình đắp bờ, dẫn nước, vỡ ruộng. Năm ấy, số ruộng anh vỡ được đã cho thu đến 50 kha chi (một dụng cụ như cái gùi) lúa. Có lúa, Trần Văn Thọ đã tự mình xay, giã rồi nấu cơm và đem cho dân. Mới đầu dân thấy sợ, nhưng vì bụng đói nên họ cũng ăn thử. Ăn gạo trồng trên nước của cán bộ Thọ, một ngày, hai ngày, rồi cả tháng qua đi không ai thấy chết. Thế là dân đã tin và nghe theo cán bộ Thọ, đồng loạt tìm đất cùng anh vỡ ruộng. Từ 5 mẫu ruộng do cán bộ Thọ và nhân dân cùng làm này, đến năm 1961, số ruộng đã tăng lên gấp đôi. Năng suất lúa cũng tăng dần và chẳng bao lâu sản lượng lúa của người Mông, người Hà Nhì trên đây đã đạt 1tấn/người. Không những no bụng, nghe theo cán bộ Thọ, người Mông, người Hà Nhì trên đây còn có cả lúa đóng cho huyện để cứu đói người dân trên địa bàn.

Là người từ bản Pam Pơ về bản Đoàn kết theo sự vận động của cán bộ Thọ, ông Vàng Gạ Sá, nguyên Phó chủ tịch huyện Mường Tè xúc động: Không có cán bộ Thọ, không về bản Đoàn kết, không biết cấy lúa nước để ăn thì tôi không có một cuộc sống như ngày nay. Từ một đứa trẻ, ngày vật lộn với đói nghèo, ông Sá đã no bụng, được đi học rồi về làm Chủ tịch xã rồi thành Phó chủ tịch ở một huyện heo hút, bát ngát có tên Mường Tè. Rưng rưng nước mắt, ông Sá bảo: Người Mông, người Hà Nhì trên đây coi Trần Văn Thọ như “ông tổ” của nghề trồng lúa nước vẫn chưa đủ những gì anh đã đóng góp và cống hiến cho người dân miền đất ngã ba biên giới này. Nếu không có anh Thọ, không biết đến bao giờ cây lúa nước mới “bò” được về đây với dân.

“Thành hoàng” nơi ngã ba biên giới

Bao nhiêu dự định, bao nhiêu việc nung nấu cần làm và cần đóng góp cho người dân nơi ngã ba biên giới này với Trần Văn Thọ đành “đứt gánh giữa chừng”, khi cơn sốt rét rừng ác tính đã tìm đến, quật ngã anh. Ngày mồng 8/8/1961 là ngày đáng nhớ nhất của tất cả người Mông, người Hà Nhì trên đây khi Trần Văn Thọ đã ra đi khi anh mới 26 tuổi.

Thương anh, người dân chọn một chỗ cao nhất, thoáng nhất trên đỉnh núi Leng Su Sìn an táng anh. Để nhớ ơn anh, ngoài tên ruộng, tên bản thì chiếc dốc để dẫn lên mộ chí của anh cũng được người dân đặt tên là dốc ông Thọ. Ông Lý Kim Khoa, là người Kinh đầu tiên lấy vợ Hà Nhì đỏ hoe mắt khi nghĩ về đồng đội mình. Ông Khoa bảo, hôm anh thọ mất, hầu đồng bào Mông, Hà Nhì trên đây đều đến khóc. Mộ anh, được mỗi người dân đem đến một hòn đá để xếp và tưởng nhớ. Với sự đóng góp của mình, anh Thọ đã được người Mông, người Hà Nhì trên đây tôn trọng và suy tôn như một vị thành hoàng của mình.

Mộ chí “ông Thọ” lúc nào cũng được người Hà Nhì chăm chút hương hoa.

Và hình ảnh ông Khoa nhớ nhất về đồng đội ấy là: Ngày xưa ở khu vực này cánh lính chúng tôi thiếu thốn lắm. Ấy thế mà mỗi lần về phép, lúc lên, công tác phí đều được anh ấy dùng mua lưỡi cày, đeo hàng chục cây số đường rừng để đem vào cho dân. Với Trần Văn Thọ, ngoài gia đình thì người dân nơi ngã ba biên giới đã được anh coi như ngôi nhà thứ 2 của mình!

Đơn Thương

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ong-to-lua-nuoc-o-nga-ba-bien-gioi-67641.html