Ông tiến sĩ - thương binh chiếu sáng

Đó là cách gọi thân mật của nhiều đồng nghiệp dành cho TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chiếu sáng Việt Nam.

Ông là tác giả của rất nhiều sáng kiến, có giá trị trong lĩnh vực chiếu sáng và cũng là người có vai trò quan trọng trong việc đưa đèn LED tiết kiệm điện đến các loại hình chiếu sáng ở Việt Nam…

Từ chiến trường về thẳng giảng đường

Mới tiếp xúc với TS Lê Hải Hưng, ít ai nghĩ rằng ông là nhà khoa học bởi tác phong của ông còn đậm nét của một người chiến sĩ. Ông kể với tôi rằng, những năm tháng được rèn luyện trong môi trường quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tôi luyện ông trở thành con người không sợ khó khăn và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Khi trở về giảng đường đại học, nghiên cứu sinh rồi trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, ông vẫn không thay đổi thói quen thời quân ngũ, đó là tác phong nhanh, giữ nghiêm kỷ luật, đã nói là làm…

TS Lê Hải Hưng sinh ra và lớn lên ở xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Cậu học trò xuất sắc của Trường cấp 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm khóa 1969-1972, dù đã có giấy báo trúng tuyển vào ngành vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn “gác bút nghiên” tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện quân sự tại miền Bắc, Lê Hải Hưng cùng đồng đội hành quân bộ theo tuyến đường Trường Sơn huyền thoại vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở mảnh đất này. Ngày 19-6-1974, trong một trận chiến đấu ác liệt tại cứ điểm Bầu Bàng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Trung sĩ Lê Hải Hưng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Hỏa lực, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 đã bị thương nặng với các vết thương ở cột sống và sọ não.

 TS Lê Hải Hưng (người đội mũ) tặng đèn LED tiết kiệm điện cho Trường Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Tĩnh (tháng 7-2020). Ảnh: VĨNH BẢO

TS Lê Hải Hưng (người đội mũ) tặng đèn LED tiết kiệm điện cho Trường Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Tĩnh (tháng 7-2020). Ảnh: VĨNH BẢO

Sau vài tháng điều trị vết thương tại các bệnh viện dã chiến miền Đông Nam Bộ, Lê Hải Hưng từ chiến trường về thẳng giảng đường đại học tiếp tục theo học ngành vật lý mà ông đã mơ ước từ lâu. Thương tật cũng không thể ngăn cản ước mơ khoa học của Lê Hải Hưng, bởi ông cho rằng, lúc này không chỉ là học cho mình mà còn là cơ hội để “học thay” cho cả những đồng đội của ông đã ngã xuống trên chiến trường. Kết thúc khóa học vào cuối năm 1979, Lê Hải Hưng được điều về giảng dạy môn Vật lý tại Trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), rồi công tác tại Viện Đo lường quốc gia và gắn bó với Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội đến khi nghỉ hưu (tháng 7-2017).

Người đặt nền móng cho ngành vật lý và kỹ thuật chiếu sáng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

“Không chỉ dạy những cái mình có mà phải dạy những cái xã hội cần”, đó là quan điểm dạy học mang đậm phong cách người chiến sĩ của TS Lê Hải Hưng. Chính vì quan điểm này, ngay từ năm học 2003, ông đã đề xuất và được Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐHBK Hà Nội cho phép mở một ngành học mới là Vật lý và kỹ thuật ánh sáng. Đến nay, ngành học này thu hút nhiều người học và là địa chỉ uy tín cung cấp cán bộ kỹ thuật cho các đơn vị nghiên cứu, chế tạo thiết bị chiếu sáng và thiết kế chiếu sáng cả nước.

Vào đầu năm 2000, các nghiên cứu nâng cao hiệu quả, tiết kiệm điện, đặc biệt sự xuất hiện của đèn LED trong các loại hình chiếu sáng được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Nắm được thời cơ này, năm 2010, TS Lê Hải Hưng đề nghị với lãnh đạo Trường ĐHBK Hà Nội thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ chiếu sáng bằng LED để nâng cao hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao này. Từ đề xuất của ông, lãnh đạo Trường ĐHBK Hà Nội đồng ý thành lập trung tâm và bổ nhiệm ông là giám đốc. Tại trung tâm, năm 2011, TS Lê Hải Hưng đã dày công nghiên cứu, chế tạo thành công và chuyển giao công nghệ sản xuất đèn LED panel cho Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đó chính là tiền đề cho những dự án sử dụng đèn LED sau này được triển khai rộng rãi tại các công trình xây dựng dân dụng và từng hộ gia đình.

Năm 2006, ông tham gia chủ trì Tiểu dự án “Nâng cao năng lực kiểm định chấn lưu và chóa đèn” trong dự án quốc tế “Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao” tại Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Năm 2007-2009 ông chủ trì dự án “Chương trình giảng dạy chiếu sáng hiệu suất cao cho các nước ASEAN” do Liên minh châu Âu tài trợ. Năm 2012, với đề tài nghiên cứu khoa học “Chế tạo thiết bị đo tự động sự phân bố cường sáng của các loại đèn thông dụng”, TS Lê Hải Hưng cùng một số đồng nghiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec). Ông còn tham gia tư vấn chiếu sáng cho rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia, như: Hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân; Quốc lộ 5 mới... Ông còn được giao nhiệm vụ làm Trưởng tiểu ban nghiệm thu phần chiếu sáng ở Tòa nhà Quốc hội.

Người đầu tiên đưa đèn LED xuống tàu cá Việt Nam

Chia sẻ với chúng tôi, TS Lê Hải Hưng cho rằng, nước ta có bờ biển dài, hoạt động đánh bắt thủy hải sản đóng vai trò rất quan trọng vì nó không những nuôi sống hàng triệu ngư dân, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. Khi đánh bắt xa bờ, ngư dân Việt Nam thường dùng đèn sợi đốt và đèn Metal Halide để dẫn dụ cá ban đêm. Những loại đèn truyền thống này có mức tiêu thụ điện năng lớn, vì vậy, không những tiêu tốn nhiều dầu diesel mà còn phát thải nhiều khí nhà kính làm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường biển và sức khỏe của ngư dân. Với ước muốn được thay thế các loại đèn trên tàu cá bằng đèn LED tiết kiệm điện, năm 2015, TS Lê Hải Hưng chủ động viết đề xuất và được Quỹ Môi trường toàn cầu GEF (Global Environmental Facility) chấp nhận tài trợ khoản kinh phí hơn một tỷ đồng để tiến hành dự án “thử nghiệm sử dụng đèn LED thay thế các loại đèn truyền thống trong đánh bắt hải sản nhằm giảm phát thải khí nhà kính”. Trong hai năm 2015 và 2016, ông nhiều lần từ Hà Nội lặn lội đến các xã: Tri Hải, Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân thử nghiệm trang bị hệ thống đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ. Kết quả, khi dùng đèn LED thay thế các nguồn sáng truyền thống, các tàu giảm được khoảng 30% lượng dầu diesel để chạy máy phát điện, trong khi năng suất đánh bắt hải sản tăng lên 1,3 lần.

Sau thử nghiệm thành công ở Ninh Thuận, năm 2016, ông lại được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ lần thứ hai với lượng kinh phí đủ để triển khai thử nghiệm đèn LED cho 8 tàu cá ở Bình Định và hai tàu cá ở Bình Thuận. Đến nay, đa số ngư dân ở hai xã Tri Hải, Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) và Cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) đều có số điện thoại của TS Lê Hải Hưng, họ cảm ơn ông đã hỗ trợ, họ chia sẻ với ông những chuyện vui buồn trong mỗi chuyến biển. Ông Võ Kim Giao, ngư dân xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) nói: “Trước đây ngư dân chúng tôi sử dụng đèn Metal Halide để đánh bắt hải sản. Loại đèn này có công suất 1.000W, mỗi tàu cá thường lắp 10 bóng để thắp suốt đêm dẫn dụ cá, tiêu tốn nhiều dầu diesel để chạy máy phát điện. Được trang bị bộ đèn LED đánh cá theo khuyến nghị của TS Lê Hải Hưng, công suất chỉ 200W, nhưng sáng tương đương với đèn loại cũ. Trước đây, mỗi đêm tàu cá của tôi dùng hết 70-80 lít dầu diesel cho chạy máy phát điện thì nay giảm xuống chỉ còn 45-50 lít, vừa tiết kiệm được chi phí cho những chuyến ra khơi, vừa nâng cao năng suất đánh bắt hải sản, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường”.

Còn sức, còn cống hiến cho sự nghiệp chiếu sáng

Sau khi nghỉ hưu tại Trường ĐHBK Hà Nội, lịch công tác của TS Lê Hải Hưng lại dày thêm khi ông được Hiệp Hội đầu tư, xây dựng và dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT). Nhiệm vụ chủ yếu của viện này là đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống, trong đó có các loại đèn tiết kiệm điện năng.

Với những kinh nghiệm thu được khi sử dụng đèn LED trên tàu đánh cá tại Ninh Thuận, Bình Định, Bình Thuận, năm 2018-2019, TS Lê Hải Hưng trực tiếp thiết kế mẫu đèn LED mới công suất 200W và tiến hành thử nghiệm trên một tàu cá xa bờ tại Quảng Ninh với nguồn kinh phí hơn một tỷ đồng. Đây là đợt thử nghiệm rất thành công mà kết quả là tháng 11-2019, UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã quyết định nhân rộng mô hình, LED hóa cho đội tàu cá của toàn tỉnh.

Mới đây, TS Lê Hải Hưng còn được mời làm tư vấn chính cho Dự án VIE 401 do Công quốc Luxembourg tài trợ về chiếu sáng trường học và đường phố bằng đèn LED tại TP Huế. Đây là một trong những dự án lớn nhất Việt Nam về chiếu sáng bằng đèn LED. Ông tâm sự: “Mình còn sức, mình còn cống hiến cho sự nghiệp chiếu sáng”.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/ong-tien-si-thuong-binh-chieu-sang-627035