Ông thương binh Tư Bốn làm giỗ liệt sĩ

Trung tướng Tư Bốn - Nguyễn Việt Thành - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục CSND - mang nhiều thương tích trên người, là thương binh hạng 2, tỉ lệ thương tật 68%. Tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn dành nhiều công sức lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, mà tiêu biểu là xây dựng nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã và tổ chức giỗ LS hằng năm.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành thăm mộ liệt sĩ trong NTLS xã Thanh Bình

Nghĩa trang cấp xã đẹp nhất miền Tây

Xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, người dân chịu nhiều hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến. Ông Tư Bốn cho biết, quê ông toàn đồng ruộng trống trải, không có “địa hình” để các chiến sĩ cách mạng ẩn náu, mà phải xây dựng căn cứ trong lòng dân, dựa vào dân mà chiến đấu.

Không ít gia đình phải chịu tra tấn, chấp nhận hy sinh để bảo vệ các ông, bảo vệ cách mạng. Cuộc đời ông mang nợ quê hương, bà con, đồng chí, đồng đội quá nhiều. Khi còn làm việc, thời gian không cho phép ông trả món nợ ân tình ấy, đến khi nghỉ hưu, ông dành hết thời gian, sức lực còn lại để trả món nợ cuộc đời.

Từ lúc về nghỉ hưu năm 2009, ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi vận động xây dựng nhiều phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương… cho xã Thanh Bình và huyện Chợ Gạo.

Công trình ông tâm đắc nhất là nâng cấp NTLS xã Thanh Bình vào năm 2011 với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Đây là NTLS cấp xã đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhà thờ cúng LS. Trong chiến tranh, xã Thanh Bình là vùng giao tranh ác liệt, cả xã có gần 400 LS. NTLS xã được làm trong thời bao cấp nên không được khang trang, sau mấy mươi năm đã xuống cấp.

Lúc còn đi làm ông đã có ý định làm lại cho đàng hoàng nơi an nghỉ của các đồng đội, nhưng tới lúc về hưu ông mới thực hiện được ý nguyện đó. Không chỉ tôn tạo nghĩa trang, ông còn làm nhà thờ cúng LS để mỗi năm hai lần vào dịp 27.7 và Tết Âm lịch, gia đình các LS đến đây viếng mộ người thân có chỗ nghỉ ngơi, ngồi dùng cơm.

Chuẩn bị cho ngày 27.7 năm nay, chính quyền xã Thanh Bình cho chỉnh trang, sơn mới các ngôi mộ, nhiều cây cảnh được trồng trong khắp khuôn viên.

Nổi bật trong nhà thờ cúng LS là bức phù điêu lớn nói về một trận đánh của quân và dân xã Thanh Bình. Kề bên nhà thờ cúng LS là dãy nhà lợp ngói, lát gạch tàu, là nơi thân nhân LS ngồi nghỉ, dùng cơm khi đến viếng người thân. Đưa tôi đi viếng nghĩa trang, ông Tư Bốn vừa đốt nhang, vừa kể về lai lịch, sự hy sinh của từng LS nằm dưới mộ, trong đó có cha và hai người anh ruột của ông.

2 lần giỗ lớn, gần 400 lần giỗ nhỏ

“Dù khó gì thí khó, mỗi năm anh cũng phải kiếm hơn trăm triệu đồng để cúng giỗ liệt sĩ” - ông nói. Mỗi năm cúng giỗ hai lần, ngay tại nhà thờ cúng LS trong nghĩa trang, mời tất cả gia đình LS trong xã về dự. Dù chỉ mâm cơm nghĩa tình đạm bạc, do chính người dân tự nấu nướng, nhưng mỗi lần giỗ cũng tốn chi phí hơn 30 triệu đồng, một năm 2 lần giỗ gần 70 triệu đồng. Mỗi năm có gần 400 đám giỗ LS tại gia đình, ông đều cố gắng đến dự hoặc nhờ người đi dự, cùng phần quà cúng gọn nhẹ trị giá 100.000 đồng.

Năm nay tôi đến thăm ông cận ngày 27.7, ông cho biết đã chuẩn bị xong mọi thứ cho ngày giỗ nghĩa tình. “Chiều ngày 26.7 anh làm “tiên thường” đãi vài mâm những anh em hết lòng cùng anh trong công tác đền ơn đáp nghĩa, sáng 27.7 là giỗ chính mời hết gia đình LS trong xã, mỗi nhà tới dự bao nhiêu người cũng được. Em sắp xếp xuống dự với anh và bà con” - ông nói với tôi sau khi đốt nhang hết các ngôi mộ trong nghĩa trang.

Rời nghĩa trang, ông rủ tôi đi “ăn giỗ” LS, không phải 1, mà tới 2 đám. Tôi chở ông bằng xe gắn máy, chạy vào một con đường liên ấp, rồi rẽ vào một bờ dal nhỏ, đến ngôi nhà LS vừa được ông vận động cất lại khang trang.

Đốt nhang cho người đã khuất, xong ông ngồi vào bàn tiệc, chủ động cầm chai rượu rót đầy ly xây chừng, chúc mừng chủ nhà có được nhà mới, nói lời tri ân người LS, xong uống cạn một cách ngon lành. Ông nói nhỏ với tôi: “Đi đám giỗ LS bao giờ anh cũng uống thiệt tình, như vậy gia đình mới vui, các LS cũng ấm lòng”.

Sau chừng 5 - 6 tuần rượu, hầu như không đụng đến đôi đũa, ông xin phép đốt cho người quá cố thêm cây nhang, rồi chia tay để đến đám giỗ ở nhà LS khác. “Anh em hy sinh ở 2 thời điểm khác nhau, nhưng trùng ngày, mình ráng tới dự, gia đình mừng lắm” - ông nói với tôi khi xe sắp dừng lại ở một đám giỗ khác. Vẫn là những lời nói tri ân, những ly rượu đầy nghĩa tình, ông Tư Bốn như trở về nhà, sống bên những người thân của mình.

KỲ QUAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/ong-thuong-binh-tu-bon-lam-gio-liet-si-621626.ldo