Ðộng thái gia tăng căng thẳng

Vùng Vịnh lại 'tăng nhiệt' sau khi Lầu năm góc thông báo sẽ điều khoảng 200 binh sĩ, một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot và một số ra-đa tối tân tới A-rập Xê-út, bổ sung cho lực lượng Mỹ đã triển khai tại đây sau loạt vụ tiến công các cơ sở lọc dầu của A-rập Xê-út.

Vùng Vịnh lại "tăng nhiệt" sau khi Lầu năm góc thông báo sẽ điều khoảng 200 binh sĩ, một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot và một số ra-đa tối tân tới A-rập Xê-út, bổ sung cho lực lượng Mỹ đã triển khai tại đây sau loạt vụ tiến công các cơ sở lọc dầu của A-rập Xê-út.

Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và I-ran tiếp tục leo thang, hai bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau, động thái mới của Lầu năm góc làm mờ triển vọng giải tỏa tình trạng đối đầu.

Các vụ tiến công nhằm tàu chở dầu ở vùng Vịnh và cơ sở dầu mỏ của A-rập Xê-út cùng căng thẳng quan hệ Mỹ - I-ran làm dấy lên quan ngại về nguy cơ chiến tranh ở khu vực này. Với thực tế có khoảng 500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại A-rập Xê-út, cùng 2.000 binh sĩ tinh nhuệ được Mỹ điều tới khu vực này trong những tháng gần đây, dư luận lo ngại nguy cơ "động binh" đang cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng. A-rập Xê-út cho biết, nước này đang tham vấn các bạn bè và đồng minh về những bước tiếp theo cần thực hiện sau vụ tiến công vào cơ sở dầu thô lớn nhất thế giới của nước này, trong bối cảnh cả Mỹ và A-rập Xê-út đều cáo buộc I-ran đứng sau vụ việc.

I-ran tuyên bố, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở vùng Vịnh đang đe dọa an ninh năng lượng và hàng hải khu vực. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời đi và tránh xa vùng Vịnh, không biến nơi này thành nơi diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang. Theo ông, an ninh tại vùng Vịnh, Eo biển Hoóc-mút và Biển Ô-man phải được bảo đảm thông qua hợp tác giữa các nước ven biển.

Sau khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm phê chuẩn kế hoạch triển khai binh sĩ, đồng thời tăng cường năng lực phòng không tới A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), I-ran tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh hải và sẽ đáp trả quyết liệt trước bất kỳ hành động gây hấn nào. Tê-hê-ran khởi động một cuộc kiểm tra an ninh tại cơ sở dầu mỏ và khí đốt chủ chốt, trong đó có việc sẵn sàng ứng phó các cuộc tiến công mạng, sau khi có thông tin Mỹ đang cân nhắc khả năng tiến công mạng nhằm vào I-ran.

Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Mỹ và I-ran về vấn đề hạt nhân vẫn chưa có tín hiệu được nối lại, khi cả hai phía cùng đưa ra những điều kiện gây khó dễ. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni rời Mỹ sau khi dự kỳ họp Ðại hội đồng Liên hợp quốc mà không có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Ð.Trăm như mong muốn của các nhà trung gian là Pháp và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo Mỹ và I-ran cũng đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau. Ðơn cử, về khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận I-ran để mở đường cho đối thoại giữa hai nước, Tổng thống H.Ru-ha-ni cho biết, Tổng thống Mỹ đã đề nghị song Tê-hê-ran chưa chấp thuận do "bầu không khí độc hại hiện nay", còn Tổng thống Ð.Trăm lại nói, ông đã từ chối đề nghị đó của lãnh đạo I-ran.

Các cuộc thương lượng giữa Mỹ và I-ran khó có thể được nối lại, khi Tê-hê-ran cáo buộc Oa-sinh-tơn thực thi chính sách "gây sức ép tối đa" thông qua gia tăng các biện pháp trừng phạt. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, I-ran tiếp tục phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, như khởi động làm giàu u-ra-ni bằng các máy ly tâm hiện đại và lên kế hoạch lắp đặt thêm nhiều loại máy tối tân này. Việc Mỹ kiên quyết không dỡ bỏ cấm vận I-ran và không có biện pháp nào nhằm xây dựng lòng tin giữa hai bên khiến cơ hội đối thoại trở nên mong manh.

Các bên còn tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran vẫn cam kết duy trì văn kiện lịch sử này, cho dù ngày càng nhiều khó khăn. Các lãnh đạo châu Âu cũng nỗ lực thúc đẩy hai tổng thống I-ran và Mỹ ngồi lại với nhau để tháo gỡ bế tắc. Tuy nhiên, Ðại giáo chủ I-ran A.Kha-mê-ni cho rằng, các nước châu Âu khó có thể giúp I-ran chống các lệnh trừng phạt của Mỹ và Tê-hê-ran nên từ bỏ hy vọng trong vấn đề này. Ðiều này đồng nghĩa I-ran không còn trông đợi vai trò trung gian của châu Âu.

Những nỗ lực trung gian nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng giữa I-ran với Mỹ và đồng minh vẫn được tiến hành, song không nhiều hy vọng có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Việc các bên tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự nhằm can thiệp an ninh ở vùng Vịnh chỉ khiến tình hình khu vực "dậy sóng", làm gia tăng thế đối đầu nguy hiểm.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41723902-%C3%B0ong-thai-gia-tang-cang-thang.html