Ðộng thái gây lo ngại

Gần đây, Mỹ liên tục tuyên bố rút khỏi nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Trong đó, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ngày 21-5 tuyên bố, Mỹ chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vốn cho phép các quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên. Ðộng thái của Mỹ làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới.

Gần đây, Mỹ liên tục tuyên bố rút khỏi nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Trong đó, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ngày 21-5 tuyên bố, Mỹ chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vốn cho phép các quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên. Ðộng thái của Mỹ làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới.

Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Ð.Trăm quay lưng kể từ khi ông nhậm chức tháng 1-2017. Trước đó, Tổng thống Ð.Trăm đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với I-ran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988. Ngoài ra, ông Ð.Trăm cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) ký với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021. Trong tất cả các trường hợp, Tổng thống Ð.Trăm đều cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được công hàm chính thức của Mỹ về việc bắt đầu thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và sẽ rút chính thức trong vòng sáu tháng tới.

Ðộng thái mới của chính quyền Tổng thống Ð.Trăm đã bị phản đối mạnh mẽ ngay trong nội bộ nước Mỹ. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) M.Hay-đơn cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là “điên rồ”, trong khi cựu Ðại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc X.Pao-ơ coi bước đi đó là “thiển cận”. Trước đó, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã viết thư gửi ông Ð.Trăm chỉ trích ý định rút khỏi hiệp ước này.

Mười nước châu Âu đã ra tuyên bố chung bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Ðức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, I-ta-li-a, Luých-xăm-bua, Hà Lan, Séc và Thụy Ðiển cam kết tiếp tục thực thi hiệp ước, đồng thời khẳng định, Hiệp ước Bầu trời mở vẫn hữu ích và thiết thực. Các nước cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Nga để cùng tháo gỡ bất đồng.

Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc nhấn mạnh, các nước NATO sẽ tiếp tục ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi Nga “quay lại thực hiện đầy đủ hiệp ước”. Ðại diện NATO bày tỏ hy vọng NATO sẽ có mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga và để ngỏ khả năng đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, hành động của Mỹ có thể gây hậu quả tiêu cực trong việc kiểm soát vũ khí và tiến trình giải trừ quân bị. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông X.Du-gia-rích khẳng định, động thái rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó lường. Ông X.Du-gia-rích nêu rõ, việc chấm dứt những hiệp ước như thế này mà không có hiệp ước nào thay thế sẽ dẫn đến sự bất ổn.

Trước động thái mới của Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Ð.Mét-vê-đép nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là bước đi tiếp theo nhằm phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế vốn đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ qua, “là đòn mạnh” không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ. Mặt khác, Nga khẳng định không vi phạm hiệp ước và đề nghị phía Mỹ tiếp tục thảo luận về các vấn đề bất đồng chung quanh việc thực hiện hiệp ước này tại Ủy ban tư vấn về Bầu trời mở ở Viên (Áo). Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết, Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở, song chỉ trên cơ sở bình đẳng, có tính tới mối quan tâm của nhau, chứ không phải theo kiểu “tối hậu thư”.

Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, các chuyên gia cho rằng bất kỳ bước đi khiêu khích nào cũng sẽ đem đến rủi ro, gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ giữa Mỹ và Nga, mà còn kéo theo cả các cường quốc khác vốn đang tìm cách khẳng định vị thế của mình. Ðiều này sẽ càng làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu, đe dọa an ninh và ổn định trên thế giới.

Hành động cấp bách và duy nhất đúng đắn vào lúc này là cần sớm tiến hành đối thoại giữa các bên nhằm tìm được một giải pháp toàn diện cho vấn đề an ninh và ổn định toàn cầu. Ðiều đó đòi hỏi cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn. Dư luận hy vọng Hội nghị cấp cao trực tuyến giữa các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm được tổ chức để thảo luận về các biện pháp hòa bình và an ninh toàn cầu, trong đó có việc duy trì hiệu lực của Hiệp ước Bầu trời mở trong bối cảnh quốc tế mới.

ÐỨC TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44592502-%C3%B0ong-thai-gay-lo-ngai.html