Ðộng thái gây căng thẳng

Quan hệ giữa Iran và Liên hiệp châu Âu (EU) đang căng thẳng sau khi EU áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ở Tehran. Trong bối cảnh Mỹ gây sức ép thông qua các lệnh trừng phạt Iran, diễn biến mới này có thể cản trở việc EU thực hiện lời hứa bảo đảm lợi ích của Tehran, đồng thời gây lo ngại căng thẳng gia tăng ở khu vực.

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, Tehran sẽ đáp trả tương xứng sau khi EU quyết định trừng phạt hai cá nhân và ban giám đốc Cơ quan An ninh nội địa thuộc Bộ Tình báo Iran. Những người này bị đưa vào danh sách khủng bố và bị phong tỏa tài sản. Ðây là phản ứng cứng rắn của EU sau khi một số nước châu Âu thông báo phát hiện và chặn đứng một số âm mưu tiến công được cho là do Tehran lên kế hoạch. Cuối tháng 10-2018, cơ quan tình báo Ðan Mạch tiết lộ cảnh sát Ðan Mạch phát hiện một âm mưu nghi là của tình báo Iran nhằm ám sát lãnh đạo nhánh Phong trào Ðấu tranh A-rập vì sự giải phóng Ahwaz (ASMLA) ở Ðan Mạch. Cảnh sát Ðan Mạch đã bắt giữ một đối tượng tình nghi trong vụ việc là công dân Na Uy gốc Iran. ASMLA bị Tehran cáo buộc đứng sau vụ tiến công khủng bố ngày 22-9-2018 nhằm vào đoàn diễu binh ở thành phố Ahvaz ở Iran khiến ít nhất 25 người chết.

Chính quyền Iran đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của châu Âu, coi đây là một phần của kế hoạch thù địch, ảnh hưởng tiêu cực quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo và EU. Iran đã triệu Ðại sứ Ðan Mạch tại Tehran đến để bày tỏ sự "phản đối mạnh mẽ" về những cáo buộc của giới chức Ðan Mạch trong vụ việc mà Iran cho là "vội vàng, thiếu cân nhắc và mang động cơ chính trị". Bộ Ngoại giao Iran mạnh mẽ chỉ trích rằng, các lệnh trừng phạt của EU chống Tehran sẽ không thể giúp châu Âu trốn tránh trách nhiệm về hành vi chứa chấp khủng bố.

Trong lúc giữa hai bên "lời qua tiếng lại", lệnh trừng phạt mới đối với Iran là dấu hiệu thay đổi đầu tiên của EU sau một thời gian nội bộ chia rẽ về cách thức trừng phạt Iran. Tehran có thể mất đi sự hậu thuẫn cần thiết của EU, trong lúc đối mặt sức ép trừng phạt của Mỹ. Mặc dù EU cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này, song những nỗ lực của EU chưa đủ để hạn chế các tác động tiêu cực của việc Mỹ áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tehran đã chỉ trích các quốc gia EU không sẵn sàng hành động để cứu vãn những cơ hội kinh doanh tại Iran, vì sự trì trệ và tính thụ động trước Mỹ, đồng thời cảnh báo các nước EU sẽ phải nuối tiếc.

Thực tế, Iran phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của EU sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, cũng như vào những cam kết của châu Âu nhằm bảo đảm lợi ích của Iran theo thỏa thuận này. EU từng tuyên bố sẽ tạo ra một thực thể pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch tài chính hợp pháp với Iran mà không sợ sự trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, trước sự chậm trễ với nhiều lý do của EU, trong đó chứa nhiều toan tính về lợi ích, Iran đã chủ động có những bước đi của riêng mình. Tehran không chỉ tập trung vào các mối quan hệ với EU mà còn mở rộng quan hệ với các nước khác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Nam Á. Iran tuyên bố không chịu khuất phục trước những lời đe dọa của Mỹ và các đồng minh phương Tây, sẵn sàng sử dụng con "át chủ bài" là phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến vận tải biển và vận chuyển dầu mỏ quốc tế quan trọng. Quốc gia Hồi giáo còn liên tiếp công bố những thành tựu khoa học về chương trình phát triển tên lửa của mình như một câu trả lời cứng rắn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các lệnh trừng phạt và động thái thù địch của Mỹ chống Iran khiến mối quan hệ giữa hai bên luôn ở trạng thái "căng như dây đàn". Và việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Tehran càng khiến tình hình khu vực Trung Ðông thêm phức tạp, nhất là khi khu vực chiếm vị trí địa - chính trị chiến lược này đang rất cần được làm giảm căng thẳng thông qua đàm phán.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38862702-%C3%B0ong-thai-gay-cang-thang.html