Ông Tây thích làm phóng viên vì đam mê bóng đá Việt Nam

Cứ vào dịp cuối tuần, Bill George lại cởi bỏ lớp ngoài của dân công sở để vào vai một phóng viên thể thao tới theo dõi các trận đấu ở V.League.

Bill George tên thật là William David George, 39 tuổi, người Anh. Bill đang làm việc tại một tổ chức giáo dục ở Việt Nam với vai trò chuyên gia tư vấn, đào tạo nhân lực. Ông thường xuyên xuất hiện tại các trận đấu lớn ở V.League trong suốt nhiều năm nay vì tình yêu đặc biệt với bóng đá Việt Nam.

Việc có khán giả người nước ngoài đi xem V.League không phải chuyện hiếm. Nhưng nếu xuất hiện với vai trò của một người làm công tác truyền thông, Bill George là một trường hợp khá thú vị.

 Bill George từng có nhiều năm làm công tác tuyển chọn, đào tạo giáo viên người nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Bill George từng có nhiều năm làm công tác tuyển chọn, đào tạo giáo viên người nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

- Xin chào Bill, ông bắt đầu theo dõi bóng đá Việt Nam từ khi nào?

- Tôi từng du lịch ở Việt Nam năm 2011. Năm 2013, tôi chính thức chuyển đến sống ở đây và bắt đầu theo dõi V.League, đến nay đã là mùa giải thứ 8 rồi.

- Con đường nào đưa ông đến với lĩnh vực truyền thông thể thao?

- Tất cả vì đam mê. Khi còn ở Anh, tôi đã là người thích xem bóng đá. Lúc mới đến Hà Nội, tôi nghe nói ở đây người ta hâm mộ bóng đá lắm. Tôi tò mò muốn đi xem nhưng lại không biết chút thông tin gì bởi vì tôi không biết tiếng Việt.

Sau một thời gian theo chân những cổ động viên Việt Nam, tôi nảy ra ý tưởng mở một trang web, chuyên cung cấp thông tin về bóng đá Việt Nam để phục vụ những người nước ngoài hâm mộ bóng đá như tôi. Nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng đam mê bóng đá, nhưng họ không thể tìm thông tin về bóng đá Việt Nam trên bất cứ trang báo nước ngoài nào.

- Như vậy là ngoài công việc chính, ông còn làm thêm cả công việc của một phóng viên thể thao?

- Tôi tự mình làm mọi thứ mà chẳng cần nhận lại điều gì cả. Từ chi phí duy trì trang web tới việc đi lại đến các sân vận động, tôi đều tự bỏ tiền túi ra. Tôi không phải người giàu có, nhưng thu nhập và thời gian của tôi đủ ổn định để tôi có thể thỏa mãn niềm đam mê với công việc này.

Gọi là trang web nhưng nó giống một cuốn nhật ký hành trình của tôi hơn. Ở đó có những platform gần như miễn phí nên trông nó khá đơn giản. Tôi chụp những bức ảnh, viết tường thuật trận đấu và cập nhật lên cả các trang mạng xã hội. Người Việt Nam không quan tâm lắm, nhưng độc giả trên thế giới theo dõi tôi rất nhiều.

Bill George rất thích cảm giác được xuống khu vực tác nghiệp để tự tay chụp ảnh trận đấu. Ảnh: FBNV.

- Người hâm mộ và cả những người làm truyền thông ở Việt Nam đều chú ý đến ông, ông nghĩ sao?

- Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên khi có nhiều người tò mò về tôi. Họ chú ý đến tôi vì tôi là người nước ngoài hiếm hoi xuất hiện trên các sân vận động. Tôi không cảm thấy phiền, ngược lại, tôi cảm thấy mình rất đặc biệt.

Ở nước ngoài luôn có những phóng viên tự do, tôi cũng chỉ là một phần trong số đó mà thôi. Các hãng tin lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh thỉnh thoảng vẫn gọi cho tôi để nắm tình hình bóng đá Việt Nam. Hồi tháng 5, người của BBC từng gọi hỏi tôi về trận đấu giữa Nam Định và HAGL ở sân Thiên Trường, nơi đầu tiên trên thế giới mở cửa đón khán giả sau đại dịch.

Tôi biết nhiều người sẽ hỏi Bill George có phải phóng viên thể thao không? Đương nhiên là không. Tôi chỉ là một người hâm mộ có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá. Tôi thích công việc truyền tải tin tức cho mọi người mà không cần nhận lại điều gì cả, bao gồm cả chuyện tiền bạc.

- Ông có thể chia sẻ một chút về công việc chính của mình không?

- Tôi làm việc cho một tổ chức giáo dục ở Việt Nam trong vai trò chuyên gia tư vấn. Có thể gọi tôi là thầy giáo của những thầy giáo, bởi vì tôi đào tạo chuyên môn cho các giáo viên giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Năm ngoái, tôi mở công ty riêng cũng làm về lĩnh vực giáo dục. Tôi tự tay tuyển chọn giáo viên từ khắp nơi trên thế giới về làm việc. Họ không chỉ dạy tiếng Anh mà còn dạy các môn khác như Toán, Vật lý. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát hồi đầu năm đã phá hỏng tất cả. Ngay cả với bóng đá, tôi chẳng được đi xem V.League thường xuyên cũng chỉ vì đại dịch.

- Hãy nói một chút về cuộc sống của ông ở Việt Nam.

- Đây là đất nước tuyệt vời. Điều làm tôi tiếc nuối sau nhiều năm sinh sống ở Việt Nam là không có thời gian học tiếng Việt. Tôi cũng mới kết hôn. Vợ tôi là người Việt Nam, cô ấy đang cố gắng dạy tôi nói tiếng Việt.

Tôi cũng có khá nhiều bạn người nước ngoài. Vài người trong số họ cũng hay đi xem V.League vì chung sở thích với tôi. Nhưng nếu để tìm ra người thích làm phóng viên như tôi thì gần như không có ai.

- Hơn 7 năm xem V.League, ông hẳn phải một tình yêu mãnh liệt với bóng đá Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình?

- Bóng đá Việt Nam có nhiều điểm bất cập, nhưng ít ra thì nó cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, tiến bộ hơn trước. Việc xuất hiện nhiều học viện sau HAGL JMG như Viettel, PVF là ví dụ.

Tuy nhiên theo tôi, tài sản lớn nhất của bóng đá Việt Nam chính là người hâm mộ. Tôi từng đi nhiều nước trên thế giới, không nhiều nơi có người hâm mộ bóng đá nhiều như Việt Nam. Tình yêu đó xứng đáng được đền đáp bằng bóng đá đẹp.

Tôi là một người hâm mộ CLB Hà Nội. Họ là đội bóng giàu truyền thống, có nhiều gương mặt là tuyển thủ quốc gia. Tôi cho rằng bóng đá Việt Nam muốn phát triển thì nên có nhiều hơn một đội bóng như thế.

- Hãy kể về những kỷ niệm đẹp nhất của ông trong những năm xem bóng đá Việt Nam.

- Tôi không nhớ cụ thể nhưng phải nói là tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi ấn tượng mạnh với màn trình diễn của đội U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018. Mọi người đều đổ ra đường để ăn mừng, đi đâu tôi cũng nghe người ta nói về U23 Việt Nam.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.

Bảo Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-tay-thich-lam-phong-vien-vi-dam-me-bong-da-viet-nam-post1133763.html