Ông Tất Thành Cang hai lần qua mặt Thành ủy TP.HCM như thế nào?

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, quá trình sai phạm của ông Tất Thành Cang dính dáng nhiều đến các dự án đất đai, hạ tầng… Trong đó có hai lần vượt quyền, qua mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đồng ý chuyển nhượng đất, chuyển nhượng cổ phần của công ty thuộc Thành ủy và UBND TP.HCM.

Chân dung ông Tất Thành Cang.

Lần thứ nhất, theo công bố của Thành ủy TP.HCM, từ tháng 6.2017, Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất nêu trên cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Việc ký chuyển nhượng này không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.

Theo đó, ngày 1.6.2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất trên. Nghiêm trọng hơn, ông Cang đã cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân (thay vì "hợp tác kinh doanh" như tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất).

Ngày 5.6.2017, bằng Hợp đồng Chuyển nhượng số 203 và các Phụ lục Hợp đồng đính kèm, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất 32,4ha cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá rẻ mạt 1.290.000 đồng/m2.

Với vụ chuyển nhượng này, Công ty Tân Thuận thu về cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Trong khi giá đất thị trường tại thời điểm bán dao động khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/m2, với một phép toán đơn thuần thì giá chuyển nhượng khu đất phải rơi vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, trong vụ chuyển nhượng này, Nhà nước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Đến ngày 18.4.2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp khẩn lần đầu tiên và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải nhanh chóng đàm phán với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất tại huyện Nhà Bè.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho biết, việc đưa ra yêu cầu này là do việc ký kết hợp đồng đã không tuân thủ theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các Công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ TP.HCM.

Qua đó, có thể thấy ông Tất Thành Cang đã lợi dụng vị trí chức vụ của mình ở thời điểm đó để chấp thuận chủ trương chuyển nhượng khu đất sai thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp Nhà nước, về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ thành phố; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Việc thấy rõ nhất là từ chủ trương chấp thuận của ông Cang, Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng đất công sản không báo cáo với tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy

Trước đó vào năm 2017 tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC), ông Tất Thành Cang cũng "qua mặt" Thành ủy cho phép IPC giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Sadeco, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

Theo đó, tại kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 10.2018), theo đề án tái cơ cấu, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP) với tỷ lệ sở hữu vốn là 44%, không cần giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Đặc biệt, trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng trên thực tế, IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.

Ông Tất Thành Cang tại Kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm 2018. Ảnh: H.V

Từ việc phớt lờ đó, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Cụ thể, tại văn bản 730/IPC.17 ngày 16.6.2017 của IPC báo cáo UBND TP, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn, có nêu: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Ngày 27.6.2017, UBND thành phố có Văn bản 8399/VP-KT chỉ đạo, giao Hội đồng thành viên Công ty IPC chịu trách nhiệm "Căn cứ đề án tái cơ cấu của Công ty IPC đã được UBND TP phê duyệt tại quyết định 7431/QĐ-UBND ngày 31.12.2013 và nội dung kết luận chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tại thông báo 243/TB-VB ngày 5.4.2017; tiềm năng phát triển, giá trị thực tế doanh nghiệp của Công ty Sadeco và lợi ích tối ưu (so với các phương án khác) để xem xét, quyết định về phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng của Công ty Sadeco cho cổ đông chiến lược đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước theo quy định".

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM đã phản bác vấn đề này khi cho rằng, cụm từ “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy (là ông Tất Thành Cang - PV).

Nhưng khi Thanh tra vào cuộc thì đã muộn vì với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.

Đặc biệt, sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra TP, bản chất vụ này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật” dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Thanh tra TP cũng khẳng định, vốn huy động từ việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến nay vẫn chưa sử dụng (gửi tiết kiệm thời hạn 18 tháng tại ngân hàng thương mại cổ phần) cho thấy việc đề xuất chỉ định phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế; tại thời điểm đề xuất, Sadeco chưa có nhu cầu thực sự tăng vốn điều lệ. Nghiêm trọng hơn, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với công ty khác, cho thấy Công ty Nguyễn Kim “đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (Sadeco) với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông".

“Những việc như trên cho thấy, việc giảm tỷ lệ góp vốn của IPC tại Sadeco có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, cần được làm rõ”, kết luận ghi. Và trong phần kiến nghị, Thanh tra TP cũng yêu cầu chuyển vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ xử lý vụ việc này.

Hiện nay, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) đang tiến hành điều tra.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ong-tat-thanh-cang-hai-lan-qua-mat-thanh-uy-tphcm-nhu-the-nao-942672.html