Ông Tập Cận Bình gọi điện cho Donald Trump đề nghị gặp gỡ tại Osaka để giải quyết bất đồng

— Chỉ còn hơn một tuần nữa là tới ngày khai mạc Hội nghị cấp cao các quốc gia nhóm G20 tại Osaka, vào lúc mà quan hệ Trung – Mỹ ở vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, ngày 18/6, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi điện thoại cho tổng thống Mỹ, mở đường cho cuộc gặp gỡ được dư luận hai bên mong đợi nhằm tháo gỡ cục diện bế tắc hiện nay.

Hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã gọi điện thoại cho nhau thống nhất sẽ gặp gỡ tại Hội nghị cấp cao G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 này.

Hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã gọi điện thoại cho nhau thống nhất sẽ gặp gỡ tại Hội nghị cấp cao G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 này.

Trang tin Đông Phương dẫn nguồn Tân Hoa xã cho biết, ông Tập Cận Bình muốn gặp gỡ ông Donald Trump tại Hội nghị cấp cao G20 để trao đổi ý kiến về những vấn đề căn bản nhằm phát triển quan hệ Trung – Mỹ. Ông Donald Trump cũng đã viết một bản twit trên mạng Twitter cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại rất hay”, hai bên sẽ tổ chức một cuộc hội nghị mở rộng bên lề Hội nghị cấp cao G20; trước đó, đội ngũ làm việc hai bên sẽ tiến hành hội đàm trước.

Đông Phương cho biết, khi nói chuyện điện thoại, ông Trump bày tỏ chờ đợi được gặp lại ông Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao G20 để trao đổi sâu rộng về những vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm. Mỹ coi trọng hợp tác mậu dịch Mỹ - Trung, hy vọng đội ngũ công tác hai bên có thể trao đổi để sớm tìm ra biện pháp giải quyết những bất đồng hiện nay, tin rằng toàn thế giới đều muốn thấy hai nước Mỹ - Trung đạt được một hiệp nghị mậu dịch.

Cú điện thoại đã mở ra cánh cửa cho cuộc đàm phán cấp cao Trung - Mỹ sau một thời gian bế tắc

Ông Tập Cận Bình nói, hai nước Trung – Mỹ “hợp thì cùng lợi, đấu ắt cùng thương”. Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần cùng nhau phát huy tác dụng đi đầu dẫn dắt, thúc đẩy Hội nghị cấp cao G20 Osaka đạt được thành quả tích cực, giúp tạo ra niềm tin và sức sống cho thị trường toàn cầu. Ông nhấn mạnh, trong vấn đề kinh tế mậu dịch, hai bên cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại bình đẳng, then chốt là phải chiếu cố đến sự quan ngại hợp lý của nhau. Ông cũng nói, Trung Quốc hy vọng Mỹ đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc và đồng ý đội ngũ công tác kinh tế mậu dịch hai nước trao đổi làm thế nào để giải quyết được bất đồng.

Đông Phương cho biết, trước khi hai bên gọi điện cho nhau, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã lập kế hoạch tổ chức nghe điều trần trong 1 tuần về việc đánh thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Có đại biểu công ty trang phục và công ty kinh doanh giày dép tham dự đã nêu rõ: 70% số giày dép tiêu thụ ở Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc, nếu di chuyển dây chuyền sang các quốc gia khác thì chất lượng sẽ giảm mà giá thành sẽ tăng.

USTR cũng nhận được 1.600 phản hồi bằng văn bản, phần lớn bày tỏ phản đối và cảnh báo việc tăng thuế sẽ trút lên đầu người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất của các công ty trên toàn nước Mỹ, thậm chí khiến số lượng người Mỹ thất nghiệp tăng mạnh. 661 công ty bao gồm hãng bán lẻ lớn nhất Walmart, Tập đoàn chuỗi siêu thị Costco...đã gửi văn bản cảnh cáo: việc tăng thuế có thể khiến nước Mỹ bị mất đi 2 triệu chỗ làm và mỗi gia đình Mỹ bình quân mỗi năm phải tăng thêm chi tiêu 2.000 USD nữa.

Cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình liệu có giúp đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước?

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng, hai nước Mỹ - Trung cuối cùng có thể đạt được hiệp nghị; nhưng nếu chuyện không như ý, ông Donald Trump sẵn sàng tiếp tục tăng thuế. Trang tin Đa Chiều cho biết, hôm 16/6 khi trả lời phỏng vấn ông W, Ross đã giảm nhẹ khả năng hai nhà lãnh đạo có thể đạt được một thỏa thuận mậu dịch quan trọng tại Hội nghị G20, nhưng tin rằng cuối cùng hai nước cũng sẽ khôi phục đàm phán. Ông nói, theo ông thành quả hai bên có thể đạt được là định ra quy tắc cơ bản mới cho cuộc đàm phán và xác định khởi động thời gian biểu và các vấn đề có tính kỹ thuật cho cuộc đàm phán.

Thượng nghị sỹ Marco Antonio Rubio hôm 17/6 đã đệ trình một bản tu chính án ngăn chặn người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tiến hành vụ kiện đòi bồi thường tại tòa án sáng chế Mỹ. Theo văn kiện liên quan, các công ty bị đưa vào danh sách bị theo dõi ở Mỹ như Huawei sẽ bị cấm theo đuổi đòi bồi thường về phát minh hay sáng chế ở Mỹ.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ong-tap-can-binh-goi-dien-cho-donald-trump-de-nghi-gap-go-tai-osaka-de-giai-quyet-bat-dong-357986.html