Ông Tám Ý xứ dừa và 40 năm bảo bọc học trò nghèo

Có lúc tiền trợ cấp thương binh và huê lợi từ vườn dừa không đủ lo cho các cháu, ông vay mượn vàng của người thân bán lấy tiền chu cấp rồi miệt mài lao động để trả lại.

Trung tuần tháng 7, chúng tôi về Mỹ Sơn Đông (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Hỏi thăm đường đến nhà thương binh Lê Văn Ý, bà con nhiệt tình: “Ở cái xã này ai mà hổng biết ông Ý. Ổng thứ tám, ở đây kêu ông Tám Ý hông à. Nhờ ổng mà mấy đứa nhỏ nghèo có điều kiện học hành, có đứa học lên tiến sĩ”.

Đến nơi mới biết căn nhà ông Tám Ý đang ở là nhà tình nghĩa. Còn ông - chủ nhân ngôi nhà, dẫu 86 tuổi, mang trong người thương tật trên 80% và một phần cơ thể đã gửi lại chiến trường thời chống Mỹ, vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn.

Nhờ ông, hàng chục trò nghèo thành cử nhân, tiến sĩ

Ông Tám Ý kể ông mồ côi cha từ lúc bốn tuổi, gia đình đông anh em, cuộc sống nghèo khó, học hết lớp 2 đã phải nghỉ học để lo bươn chải mưu sinh. Lớn lên ông tình nguyện tham gia cách mạng, hai lần bị đạn pháo nổ trúng khiến ông bị thương cụt mất một chân, một tay, mù một mắt cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể.

Ngày thống nhất đất nước, trở về quê, ông Ý quyết định ở vậy cả đời, không lấy vợ. Ngày ngày ông cặm cụi lo chăm sóc vườn dừa và âm thầm giúp đỡ nhiều thế hệ học trò nghèo được đến lớp, ăn học thành tài.

Ông Ý chia sẻ khi tham gia cách mạng và trở về với đời thường, ông vẫn nhớ câu nói của Bác Hồ là phải diệt ba loại giặc, đó là “giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt”.

“Tôi xét thấy bản thân mình sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, dốt chữ nên trong đời sống hằng ngày còn nhiều thua thiệt, thất bại. Ngày nay, xã có trường có lớp, có thầy nhưng vì hoàn cảnh nghèo mà một số em nhỏ phải bỏ lỡ việc học giữa chừng thì tiếc quá” - ông Ý tâm tình.

Ông kể lần đầu tiên vào năm 1978, ông đến từng nhà vận động, thuyết phục tám em học sinh bỏ học trở lại lớp. Vừa vận động, ông vừa hỗ trợ tiền bạc mua tập sách, đóng học phí cho các em được tiếp tục đến trường, có gia đình ông còn hỗ trợ gạo cho các em ăn học.

Trong tám học sinh được ông giúp đỡ đầu tiên có bốn em học xong đại học (ĐH), bốn em học hết cấp 3. Trong số đó có nhiều người đỗ đạt thành tài, như anh Nguyễn Văn Ẩn tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, đang công tác trong ngành xây dựng; anh Bùi Minh Long tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, đang làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM.

Hay anh Nguyễn Văn Tài tốt nghiệp ĐH ngành cơ khí, nay cũng đã học xong chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài. Hiện anh Tài là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ.

Ông Ý có một ước nguyện cuối đời là được hiến xác cho nghiên cứu y khoa nhằm đáp lại ân tình ngành y đã cứu sống ông trong cơn thập tử nhất sinh. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Ý có một ước nguyện cuối đời là được hiến xác cho nghiên cứu y khoa nhằm đáp lại ân tình ngành y đã cứu sống ông trong cơn thập tử nhất sinh. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Từ chối được giúp đỡ, nguyện hiến xác cho y khoa

Ông Ý chia sẻ tiền trợ cấp thương binh và huê lợi từ vườn dừa không đủ lo cho các em học hành cùng lúc. Những lúc đó, ông phải đi mượn vàng của người thân bán lấy tiền chu cấp cho các em ăn học. Mỗi năm đến kỳ các em nghỉ hè thì ông đỡ vất vả hơn và chỉ lo việc trả nợ. Cứ như vậy, hết năm học này đến năm học khác ông lại lo cho nhiều thế hệ học trò nghèo có điều kiện đến lớp.

Năm 2004, ông nhận nuôi tiếp 21 em học sinh, trong số này có chín em được ông Ý trợ cấp thường xuyên. Trong đó có Phạm Thị Ngọc Hân học ĐH Cần Thơ và Nguyễn Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp ngành thủy sản tại một trường ĐH ở TP.HCM. Hay Lê Quốc Bảo đang học năm ba Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tại TP.HCM.

Chính sự hy sinh, giúp đỡ hết mình mà nhiều thế hệ học trò được ông Ý giúp đỡ dù không phải con cháu hay bà con họ hàng nhưng vẫn gọi ông là “ông nội”, “ông ngoại”, “ông Tám” hết sức trìu mến. “Nhiều cháu nay đã thành đạt, do công việc bận rộn, lâu lâu các cháu về quê có ghé thăm tôi. Tôi coi như con cháu trong nhà và lấy đó làm niềm vui, an ủi tuổi già” - ông Ý tâm sự.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Tài (công tác tại ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Ông Tám đã hỗ trợ mình trong thời gian mình học tại Trường ĐH Cần Thơ. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, mình rất biết ơn sự giúp đỡ của ông Tám để mình có thể hoàn thành chương trình học đúng tiến độ và có hướng phát triển xa hơn như hiện tại”.

Cũng theo anh Tài, hằng năm anh và một số bạn từng được ông Tám Ý giúp đỡ đều về ghé thăm ông. Thấy cuộc sống của ông giản dị, mộc mạc và có khi thiếu thốn so với người khác nên có lúc anh và các bạn mua quà cũng như ngỏ ý giúp lại ông nhưng ông đều gạt ngang. Ông nói để dành số tiền đó giúp đỡ những người khó khăn khác, cuộc sống của ông hiện tại là ổn rồi.

Ngoài ra, ông Ý còn có một ước nguyện cuối đời là được hiến xác cho nghiên cứu y khoa nhằm đáp lại ân tình ngành y đã cứu sống ông trong cơn thập tử nhất sinh mà ông đã hai lần bị thương trong kháng chiến. Năm 2002, ông Ý đã viết di chúc gửi Trường ĐH Y Dược TP.HCM tự nguyện hiến xác sau khi ông qua đời.

Phát huy phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”

Thương binh Lê Văn Ý có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào hội cựu chiến binh ở địa phương. Đặc biệt, ông có tấm lòng chăm lo cho học sinh nghèo hiếu học. Không chỉ vậy, dù bản thân mang nhiều thương tật nhưng ông luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, thương binh “tàn nhưng không phế”, ông còn tích cực tham gia vào phong trào “5 +1” (năm hội viên khá giúp một hội viên nghèo vượt khó) giúp nhiều cựu chiến binh khác làm kinh tế vượt khó thoát nghèo.

Ông ĐẶNG THANH ĐỦ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/ong-tam-y-xu-dua-va-40-nam-bao-boc-hoc-tro-ngheo-926919.html