Ong sát thủ khổng lồ - mối đe dọa mới của nông nghiệp Mỹ

Đây là loài côn trùng xâm lấn, săn mồi, được mệnh danh là 'ong bắp cày sát thủ', tạo ra mối đe dọa đến ngành nông nghiệp ở một số bang của Mỹ.

 Ong bắp cày châu Á có thể dài hơn 5 cm. Ảnh: Reuters.

Ong bắp cày châu Á có thể dài hơn 5 cm. Ảnh: Reuters.

Hàng trăm con ong bắp cày khổng lồ châu Á đã xuất hiện tại bang Washington, gần biên giới với Canada.

Trong hàng thập kỷ nuôi ong, Ted McFall chưa bao giờ chứng kiến điều gì như trong tháng 11/2019, khi lái xe vào lề đường để kiểm tra các thùng nuôi ong ở gần Custer, bang Washington. Nhìn kỹ hơn, anh thấy xác hàng loạt con ong trên mặt đất, đầu lìa khỏi thân và không có dấu hiệu của thủ phạm.

“Tôi không thể hiểu thứ gì đã gây ra việc này”, McFall chia sẻ với New York Times. Sau đó, anh cho rằng thủ phạm chính là loài được giới nghiên cứu gọi là “ong bắp cày sát thủ”.

Đây là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới, có nguồn gốc từ một số khu vực ở châu Á như Đông Nam Á, Trung Quốc và Đài Loan. Ong chúa có thể dài hơn 5 cm. Loài ong này đủ sức xóa sổ một tổ ong khác bằng cặp răng to khỏe trong vài giờ, cắt đứt đầu con mồi rồi mang xác về nuôi ấu trùng.

Với các mục tiêu lớn hơn, chúng sẽ sử dụng nọc độc và ngòi – đủ dài để đâm xuyên qua quần áo bảo hộ của người nuôi ong – khiến nạn nhân cảm thấy như bị dí kim loại nóng vào trong da. Tại Nhật Bản, số ca thiệt mạng vì ong bắp cày hàng năm lên tới 50 người.

“Ong bắp cày khổng lồ châu Á có thể đốt con mồi nhiều lần, tiêm lượng lớn chất độc. Chất độc này khá nguy hiểm, gây hoại tử quanh vết thương nên bạn sẽ thấy phần thịt quanh vết thương như bị chảy ra”, Sven-Erik Spichiger, nhà côn trùng học tại sở nông nghiệp bang Washington (WSDA), nói với Reuters.

“Về lý thuyết, hầu hết mọi người không gặp vấn đề gì khi chỉ bị đốt một hoặc hai lần. Nếu nhiều hơn, chất độc sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn, theo máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây tổn thương, đồng nghĩa nguy cơ tử vong cao”.

Nhà côn trùng học Chris Looney đặt bẫy ong bắp cày châu Á trong một khu công nghiệp ở Blaine, Washington. Ảnh: New York Times.

Susan Cobey, chuyên gia gây giống ong tại Khoa Côn trùng, Đại học Washington, mô tả ong bắp cày sát thủ “giống một loài quái vật trong phim hoạt hình với kích thước lớn cùng khuôn mặt màu vàng cam".

Theo WSDA, ong bắp cày châu Á xuất hiện tại Mỹ lần đầu tiên hồi tháng 12 ở thành phố Blaine, khi cơ quan này xác thực được 4 trường hợp báo tin.

Các nhà nghiên cứu cho biết vòng đời ong bắp cày châu Á bắt đầu từ tháng 4, khi ong chúa tỉnh giấc sau giai đoạn ngủ đông, tìm khu vực thích hợp dưới lòng đất để xây tổ và đẻ trứng. Thời điểm nguy hiểm nhất là cuối mùa hè, đầu mùa thu, chúng di chuyển theo đàn lớn, tấn công ong mật, phá tổ và ăn nhộng ong con.

Đó chính là mối đe dọa đến nông nghiệp Mỹ nói chung, ngành nuôi ong lấy mật nói riêng, Spichiger cảnh báo. “Thụ phấn là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Do đó, nếu ong bắp cày châu Á củng cố được lãnh thổ rồi lan rộng, đó sẽ là thảm họa với nông nghiệp Mỹ”.

Các nhà khoa học vẫn chưa biết cách thức ong bắp cày châu Á tới Blaine. Khả năng cao nhất là chúng “đi nhờ” một tàu chở container neo tại các cảng ở Washington.

Để ứng phó, WSDA lập website để mọi người báo tin và đã tiếp nhận vài trăm thông tin về vị trí các tổ ong bắp cày châu Á, Spichiger cho biết. Loài ong này có thể tấn công con người và thú cưng nếu chúng cảm thấy bị đe dọa.

“Chúng tôi thực sự không muốn có người bị tấn công vì chọc tổ ong bắp cày châu Á. Đồ bảo hộ của người nuôi ong thông thường không đủ khả năng bảo vệ. Ngòi của chúng dài tới 6 mm, xuyên qua hầu hết quần áo”.

Ruthie Danielsen, một người nuôi ong, có bản đồ đánh dấu vị trí mà bà cùng các đồng nghiệp đã đặt bẫy ong bắp cày ở hạt Whatcom. “Hầu hết mọi người sợ bị chúng đốt. Chúng tôi lại sợ chúng phá hủy đàn ong mật của mình”.

Bẫy ong bắp cày châu Á thường được tự chế từ các lọ trong suốt bởi bẫy bán sẵn có lỗ quá nhỏ. Chris Looney, nhà côn trùng học tại WSDA, sử dụng mồi là nước ép cam trộn với rượu gạo, nấm sữa kefir trộn nước cùng một số mồi tiềm năng khác. Ông treo chúng trên các cây, đánh dấu vị trí bằng điện thoại thông minh.

Ong bắp cày châu Á “giống một loài quái vật trong phim hoạt hình với kích thước lớn cùng khuôn mặt màu vàng cam". Ảnh: Cnet.

Theo Looney, nếu một con ong bắp cày châu Á rơi vào bẫy, họ sẽ gắn thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) lên nó để truy tìm vị trí tổ. Phần lớn ong đều không thể bay khi bị gắn thêm thứ gì đó nhưng ong bắp cày châu Á lại khác bởi cơ thể chúng đủ to.

Ngoài ra, hoạt động dày đặc trong một tổ ong bắp cày châu Á có thể khiến nhiệt độ bên trong tăng lên tới 30 độ C. Chính quyền Washington cân nhắc phương án dùng hình ảnh tầm nhiệt để kiểm tra đất rừng hoặc những công cụ hiện đại hơn có thể theo dõi tiếng vo ve phát ra khi ong bắp cày châu Á bay.

California cũng chung mối lo bởi ong mật là loài có vai trò quan trọng trong thụ phấn cây ăn quả và rau củ, hai mặt hàng chủ lực của bang này.

“Nếu chúng phát triển đến mức không thể kiểm soát, ngành nông nghiệp nói chung sẽ chịu nhiều thiệt hại”, Lynn Kimsey, nhà côn trùng học tại Đại học California Davis, nói.

Trên cánh đồng gần khu French Camp, bang California, người nuôi ong Peter đặt gần 250 thùng nuôi ong mật. Ông hiểu ong bắp cày châu Á nguy hiểm nhưng không lo ngại bị tấn công.

“Tôi không nghĩ chúng sẽ thích nghi nhanh chóng với điều kiện môi trường ở Mỹ”, ông nói.

Chính quyền bang California đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Tuy nhiên, họ tin ong bắp cày sát thủ khó thiết lập lãnh thổ ở California vì bang này thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng và đất chủ yếu là sét lẫn sỏi, không phù hợp để làm tổ dưới đất.

Văn Việt

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ong-sat-thu-khong-lo--moi-de-doa-moi-cua-nong-nghiep-my-d263988.html