Ông Rôm người rừng

'Người rừng' Hồ Văn Ky mà người dân quanh vùng thường gọi bằng cái tên thân thương 'ông Rôm' nổi tiếng khắp huyện miền núi ĐaKrông. Nếu có ai hỏi thăm ông lão sống biệt lập giữa rừng thì mọi người đều chỉ ngay đường đến nhà ông, dù đường đi rất khó khăn.

Ông Rôm cùng 2 đứa cháu ngoại của mình hong thuốc lá, thuốc lá ở thung lũng K- Ruông nổi tiếng khắp vùng và bán rất được giá. Đây là thứ hàng hóa chủ yếu để vợ chồng ông Rôm mang đi đổi những thứ còn thiếu khi đi ra ngoài. Ảnh: Hải lâm

Ông Rôm cùng 2 đứa cháu ngoại của mình hong thuốc lá, thuốc lá ở thung lũng K- Ruông nổi tiếng khắp vùng và bán rất được giá. Đây là thứ hàng hóa chủ yếu để vợ chồng ông Rôm mang đi đổi những thứ còn thiếu khi đi ra ngoài. Ảnh: Hải lâm

Thung lũng K- Ruông (thuộc thôn Ba Ngày, xã Tà Long, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) từ bấy lâu nay nổi tiếng với loại thuốc lá ngon, những sản vật từ rừng như rượu đoác, cháo rau rừng, bí ngô, gà rừng, lợn bản... Tự lúc nào, ông Rôm cũng trở thành một kỳ nhân của vùng này. Đây là một địa bàn bản địa của người Vân Kiều. Vợ chồng ông Rôm đều là người Vân Kiều.

Chọn cho mình cách sống giữa rừng, ông Rôm và vợ - bà Hồ Thị Tâm thỉnh thoảng vẫn thấy người ghé thăm. Len theo con đường hiểm trở, chúng tôi tìm đến nhà ông Rôm, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Sống giữa đại ngàn

Gần 20km từ trung tâm xã Tà Long đến nhà ông Rôm, trong đó chỉ khoảng 13km đường đi được bằng xe gắn máy. Bắt đầu từ sáng sớm, từ Tà Long, chúng tôi đi A Đu trong, một điểm thôn có đường đi rất đỗi gập ghềnh bởi khe suối, đất đá và những con dốc trèo lên thở muốn đứt hơi. Gọi tên A Đu trong là bởi còn có điểm thôn A Đu ngoài ít hiểm trở hơn một chút.

Đoạn đường đến nhà ông Rôm ở thung lũng K- Ruông chừng 7km nhưng phải đi gần 2 giờ đồng hồ. Đến A Đu trong, chúng tôi gửi xe gắn máy lại ở nhà sàn của người bản rồi xắn quần lội suối, ngược thẳng về phía thượng nguồn con suối K- Ruông. Ngót nghét gần 2 giờ đi bộ, phải men theo lau lách, chui qua những khóm dây rừng và rễ cây đan chằng chịch vào nhau.

Sống ở rừng, ông Rôm trồng trọt và chăn nuôi để có gạo, có ngô, có bí, rau củ các loại, gà có, lợn cũng có. Những thứ không tự sản xuất được như muối, nước mắm, bột ngọt... thì mua với số lượng nhiều dùng cả năm. Thỉnh thoảng lại nhờ người đi làm nương, làm rẫy mang vào giúp.

Đến nhà, ông Rôm hồ hởi đón khách và trò chuyện với chúng tôi: “Bố biết hôm nay có người ghé thăm, có người đi rẫy báo...”.

Đường vào thung lũng K- Ruông đến nhà ông Rôm (thuộc địa phận thôn Ba Ngày - xã Tà Long - huyện ĐaKrông - tỉnh Quảng Trị) phải men theo khe suối, đi gần 2h đồng hồ mới đến nơi Ảnh: Hải lâm

Giữ lời hứa với mẹ cha

Ông Rôm chọn sống giữa rừng, hoàn toàn biệt lập với môi trường bên ngoài: không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không đường cho xe đi, ít người qua lại. Những người thỉnh thoảng gặp vợ chồng ông Rôm là người đi rừng đặt bẫy hoặc lực lượng an ninh tuần tra trên khu vực này. Ông Rôm cho hay “đây là nơi ở của những người sinh ra bố, những năm kháng chiến họ từng ở đây làm nương, làm rẫy lấy gạo nuôi bộ đội Bác Hồ. Nhiều người bảo bố ra làng sống, bố có ra thử nhà con gái nhưng khoảng 2 ngày là thấy buồn lòng. Mẹ cũng không muốn đi. Ở đây có gạo nếp, có cá suối, có rau rừng... đủ để sống ngày trẻ thì ngày già không cần nhiều đến thế. Bố ở lại đây để giữ lời hứa với bố mẹ sinh ra mình, trước đây rừng rậm, thú dữ họ vẫn bám được mà”.

Con gái của ông Rôm, chị Hồ Thị Rim sống ở bản Ba Ngày, xã Tà Long cũng là một thôn bản khá biệt lập với môi trường bên ngoài. Mỗi tuần một lần, chị Rim mang 2 đứa con trai lên rừng để thăm ông bà ngoại.

Chiều về, khi ông Rôm mang lưới ra suối, 2 đứa cháu bì bõm theo sau gỡ lên từng con cá vàng óng ánh rồi thi nhau cười. Chợt tôi nhận ra đã có sự nối tiếp của những con người nơi đây, sự “thừa kế cách sống” trên vùng hoang vắng. Khi cụ Pả Cường (bố ông Rôm) không còn, đã có ông Rôm ở lại để trông coi ngôi nhà, chăm sóc khu rừng bấy lâu nay cha ông gìn giữ. Và hơn nữa, từ trong tâm thức của người Vân Kiều như ông Rôm, hình ảnh của bố ông vẫn đâu đó trên rẫy, trên đồi.

Nửa thế kỷ làm người rừng

Hơn 50 năm làm người rừng (ông Rôm sinh năm 1956) giờ ông không muốn rời xa thung lũng K- Ruông. Đưa ngón tay chỉ hết những cánh rừng thênh thang và xanh như túi mật, ông Rôm bảo: “Cánh rừng đó là bố giữ, cánh rừng kia cũng bố giữ. Nếu bố không giữ họ cưa hết gỗ rừng. Những cái nương, cái rẫy kia cũng của bố, thả sức làm không hết, không phải tranh giành với ai. Còn con suối K- Ruông cũng như ngọn núi Koraba ở phía thượng nguồn, nếu không có bố báo tin, nếu không có lực lượng biên phòng truy quét thì bọn đào vàng đã lật tung tất cả lên rồi, chúng đào xới lung tung lắm. Sống ở rừng, mỗi sớm mai nghe tiếng gà gáy là thích lắm rồi con ơi”.

Chiều, theo bước chân ông Rôm lên rẫy, nghe ông kể chuyện về rừng, nghe ông nói về thói quen của động vật rừng chúng tôi mới thấy rằng đấy chính là cuốn sách sống đầy bề dày kinh nghiệm. Những cái cây, hòn đá, con suối... quá đỗi thân quen đối với ông. Con chim rừng cũng đã quen với hình dáng của ông. Dòng suối K- Ruông rất đỗi hiền hòa miệt mài chảy đêm ngày dưới chân núi Koraba tạo nên bản nhạc êm ái. “Bố đã không có ý định rời xa nơi đây nữa, ở đây quen rồi, tốt rồi. Hơn 50 năm bố sống ở đây, từ khi mới sinh đã quen với tiếng của con thú rừng”.

Vợ của ông, bà Hồ Thị Tâm ít nói hơn, cứ lầm lũi làm rẫy rồi đi lo chuyện bếp núc. Đến chuyện chụp ảnh bà cũng lánh qua một bên nhưng nụ cười thì lại hết sức rạng rỡ: “Mẹ không quen chụp ảnh, chụp bố được rồi”. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại cùng bố Rôm chọn cách sống giữa đại ngàn Trường Sơn, mẹ Tâm bảo “lấy chồng thì theo chồng. Chồng ở rừng thì mình ở rừng thôi. Ngoài bản con cháu đã cất cho bố mẹ ngôi nhà mới, bố nói là sẽ ra đó sống thử vì đã đến tuổi già rồi nhưng mẹ biết, bố ra vài ngày rồi trở lại K- Ruông thôi...”.

Ngăn chứa củ quả trên sàn nhà ông Rôm, đây là thực phẩm cho vợ chồng ông dùng trong mùa đông

Hải Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-rom-nguoi-rung-1333915.tpo