Ông Riedl mở ra giấc mơ đánh bại Thái Lan cho bóng đá Việt Nam

22 năm trước, bóng đá Việt Nam lần đầu dám mơ xa ở khu vực Đông Nam Á với huấn luyện viên Alfred Riedl là niềm cảm hứng.

Bảy năm sau khi hội nhập trở lại với khu vực tại SEA Games 1991, bóng đá Việt Nam tiến bước dài khi có được quyền đăng cai AFF Cup 1998. Trước đó, huy chương bạc SEA Games 1995, huy chương đồng Tiger Cup 1996 và SEA Games 1997 đã cho thấy tiềm lực của chúng ta tại sân chơi khu vực.

Lứa cầu thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đỗ Khải đã in sâu vào tâm trí những cổ động viên với tư cách là “Thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam.

Trong những năm hội nhập ấy, bóng đá Thái Lan luôn là người khổng lồ ở khu vực Đông Nam Á. Những thất bại dưới tay người Thái bất chấp sự xuất hiện của những ông thầy ngoại (Weigang, Tavares) trên ghế huấn luyện tại các giải đấu khu vực khiến cầu thủ Việt Nam “sợ” Thái Lan. Mọi thứ chỉ xuất hiện khi ông Riedl tới.

 HLV Alfred Riedl qua đời ở tuổi 70. Ảnh:

HLV Alfred Riedl qua đời ở tuổi 70. Ảnh:

Cú đấm ở Hàng Đẫy

Ngày 3/9/1998, Thái Lan tới chạm trán tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup trên sân Hàng Đẫy. Bất chấp việc người Thái không mang những cầu thủ tốt nhất như Kiatisak, Dusit hay Natipon tới giải đấu này, song với ĐT Việt Nam, đây vẫn là trận đại chiến.

Những gì diễn ra tại Hàng Đẫy năm đó nằm ngoài sức tưởng tượng của người Việt Nam. Ba bàn thắng của Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng giúp chúng ta lần đầu quật ngã người Thái ở giải đấu chính thức sau hội nhập.

Hình ảnh HLV Alfred Riedl giơ tay đấm vào giữa không trung sau bàn thắng của Văn Sỹ Hùng với khung cảnh ăn mừng trên đường pitch sân Hàng Đẫy trở thành biểu tượng cho sức mạnh bóng đá Việt Nam.

Ông Riedl và ban huấn luyện ăn mừng bên ngoài đường pitch sân Hàng Đẫy là hình ảnh không thể quên của bóng đá Việt Nam.

Bất chấp việc chúng ta sau đó thất bại cay đắng trước Singapore ở chung kết, những ký ức về ông Riedl không phai nhạt. Bởi giải đấu năm 1998 không phải dấu ấn duy nhất của nhà cầm quân người Áo. Những nhiệm kỳ tiếp theo của ông Riedl với bóng Việt Nam cũng gắn liền với những ký ức không thể quên.

Năm 2003, ông Riedl đưa U23 Việt Nam tiến sát tới giấc mơ huy chương vàng SEA Games 22. Đằng sau phong độ rực sáng của Văn Quyến với những pha làm bàn làm nổ tung cầu trường sân Mỹ Đình chính là tài thao lược của ông Riedl.

Năm 2007, cũng chính là ông Riedl đưa tuyển Việt Nam tạo nên dấu lớn lớn đầu tiên ở cấp châu lục khi vào vòng tứ kết ASIAN Cup. Chiến thắng trước UAE, trận hòa trước Qatar ở vòng bảng ghi nhận dấu ấn đậm nét của chiến lược gia người Áo với sự toan tính đậm màu sắc châu Âu.

Nếu coi sự phát triển bóng đá Việt Nam là một ngôi nhà, ông Riedl góp công lớn trong việc bồi đắp lên nền móng trước (thay vì đi làm nóc như phát biểu nổi tiếng nhất của ông).

Trước vinh quang của HLV Henrique Calisto tại AFF Cup 2008 và sau này của Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã sống, vui, buồn, mơ mộng chính bởi những ký ức không thể quên từ cái nhìn sâu hoắm và cú đấm vút lên trong không trung ấy của ông Riedl.

Di sản của ông Riedl

Sự ra đi của nhà cầm quân người Áo ở tuổi 70 tạo ra cú sốc lớn tại Việt Nam. Song cơn mưa tri ân từ cộng đồng không hề xuất hiện sự bi lụy.

Những đứa trẻ đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng Thái Lan cách đây 22 năm tri ân Riedl vì ông là biểu tượng của một thời ngây dại. “Những đứa trẻ” ấy hầu hết đã ngoài 30 tuổi.

HLV Riedl qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc ở Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc.

“Những đứa trẻ” khác bật khóc sau cú đá của Văn Quyến ở chung kết SEA Games 2003 hay cú vung chân của Huỳnh Quang Thanh trước UAE chọn cách tri ân ông Riedl như hình bóng lớn về tuổi thơ. Hình ảnh ông HLV ngoại quốc đặt tay lên vai của Văn Quyến, Công Vinh tại Mỹ Đình in đậm trong kỷ niệm của những đứa trẻ giờ phải lo đến chuyện cơm áo, gạo tiền.

Với những người Việt Nam khác, ông Riedl còn trở thành biểu tượng gắn bó gần gũi với Việt Nam. Nhà cầm quân người Áo đã nhận một quả thận từ người Việt Nam, với bác sĩ phẫu thuật ghép thận cũng chính là người Việt Nam.

Cách đây 10 năm, sau chiến công giúp ĐT Indonesia vào chung kết AFF Cup 2010, ông Riedl đã gặp lại 2 ân nhân Việt Nam trong chương trình truyền hình được ghi tại Jakarta. Nhà cầm quân người Áo khi ấy không giấu được sự xúc động mà bật khóc ngay trên sân khấu.

Với ông, Việt Nam luôn là quê hương thứ hai. Và với người Việt Nam, ông Riedl có thể xem như miền ký ức không thể nào quên: có vui, có buồn, nhưng đặc biệt đáng nhớ và đáng trân trọng.

Trận thắng Thái Lan 3-0 và những kỷ niệm khó quên của HLV Riedl Trong thời gian làm việc với bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên Alfred Riedl và các học trò đã để lại không ít những trận cầu cảm xúc cho người hâm mộ.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-bieu-tuong-cua-ong-riedl-trong-tran-viet-nam-ha-thai-lan-3-0-post1129212.html