Ông Putin nói về sứ mệnh Tổng thống Nga

Ông Putin cho rằng làm Tổng thống Nga là số phận, không chỉ là công việc và từ chối khả năng đứng đầu Hội đồng Liên bang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ivanovo hôm 6/3 và đã chia sẻ nhiều vấn đề bao gồm cả việc sửa đổi Hiến pháp cũng như công việc Tổng thống của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin làm việc tại tỉnh Ivanovo. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin làm việc tại tỉnh Ivanovo. Ảnh: Sputnik

Theo đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết, công việc của Tổng thống không chỉ là công việc mà là "số phận". Điều quan trọng nhất là làm việc được nhân dân ủng hộ và người dân ủng hộ cho những chính sách của người đứng đầu đất nước.

"Về công việc của tôi, các bạn hỏi tôi có mệt mỏi với nó không? Tôi thấy đó thực sự là niềm vui. Tôi hoàn toàn biết ơn những người đã quan tâm đến điều này. Nhưng vấn đề không phải là tôi mệt mỏi hay muốn đi đâu...

Bất kỳ người nào, nếu họ ở vị trí của tôi chắc chắn họ sẽ nhận thấy điều này không chỉ là công việc mà còn là số phận. Tôi luôn đối diện với nó như vậy đấy" - Tổng thống Putin chia sẻ.

Tổng thống Putin cung nhắc lại rằng nhờ có sự ủng hộ của mọi người mà ông mới tiếp tục công việc của mình cho tới ngày nay.

"Nếu không nhận được sự ủng hộ, bạn sẽ không làm Tổng thống được. Bắt đầu từ những năm 2000, những năm khó khăn và đẫm máu nhất, nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, mọi việc sẽ không thể hoàn thành" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Tổng thống Putin cho biết, ông sẽ không "bẻ cong" Hiến pháp để gia hạn nhiệm kỳ làm việc của mình và việc sửa đổi Hiến pháp là nhằm bảo đảm tương lai của đất nước trong nhiều thập kỷ tới.

"Không phải là tôi không muốn tiếp tục nắm quyền Tổng thống. Tôi yêu thích công việc của mình. Nhưng không phải là cần dùng tới một loại quyền lực nào đó để bảo vệ quyền lực. Điều này là điều không thể chấp nhận được đối với một quốc gia. Việc đó [duy trì quyền lực-ND] sẽ dẫn tới phá hủy đất nước này...

Đây không phải là kế hoạch về tôi. Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi Hiến pháp để trong 5 hoặc 10 năm mà ít nhất là trong 30-50 năm nữa" - Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Nga cũng loại bỏ kịch bản của các truyền thông phương Tây cho rằng ông duy trì quyền lực điều hành đất nước ở một hình thức khác, đó là đứng đầu Hội đồng Liên bang sau năm 2024.

Ông Putin cho rằng, điều đó sẽ dẫn tới "quyền lực kép" trong một quốc gia và điều này sẽ phá hủy đất nước Nga. Ông nhắc lại, đất nước cần một Tổng thống "mạnh", theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng- mạnh về quyền lực.

"Đó sẽ là một tình huống hỗn loạn. Đối với nước Nga, điều đó nghĩa là kết liễu..." - Tổng thống Nga tuyên bố.

Tổng thống Putin đã đề xuất việc sửa đổi Hiến pháp vào tháng 1, trong lần đọc Thông điệp Liên bang. Bước chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp của ông được cho là nhằm mục tiêu cho sự ra đi khỏi chức vụ Tổng thống sau năm 2024.

Dẫu vẫn còn quá sớm để nói về năm 2024 song ông Putin nhiều lần cho biết ông đã đau đáu tìm người kế nhiệm từ những ngày đầu nắm quyền.

Giữa năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh trước thềm Hội nghị G20, Tổng thống Nga đã thừa nhận rằng ông luôn nghĩ về người sẽ kế nhiệm vai trò lãnh đạo nước Nga sau khi ông về hưu.

Thủ tướng Dmitry Medvedev được nhắc tới khá nhiều trong các cuộc thảo luận về người kế nhiệm của ông Putin. Một điểm cộng là ông Medvedev đã từng có kinh nghiệm làm Tổng thống một nhiệm kỳ, ông được Tổng thống Putin tín nhiệm trong vai trò Thủ tướng Nga, do đó nhiều người tin rằng ông Medvedev có cơ hội rất cao sẽ tái đắc cử Tổng thống khi ông Putin về hưu.

Theo kết quả khảo sát mà các nhà xã hội học tại trung tâm nghiên cứu Levada (Nga) đưa ra hồi tháng 4 mới đây, những người ủng hộ ông Putin cho biết họ "tin tưởng vào lựa chọn của Tổng thống", và tin rằng ông Putin sẽ "lựa chọn một người tốt để chúng tôi chỉ việc bỏ phiếu".

Họ cho rằng một người kế nhiệm được ông Putin lựa chọn sẽ là điều đảm bảo rằng "mọi thứ sẽ không diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn", và người lãnh đạo mới sẽ "không làm mọi thứ rối tung", "sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của ông Putin" và " duy trì những điều vốn có". Những lập luận này khá giống với lí do đã giúp ông Dmitry Medvedev được bầu làm Tổng thống Nga hồi năm 2008.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng từng đề cập đến tiêu chuẩn để chọn người kế nhiệm là người trẻ và có trách nhiệm.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-putin-noi-ve-su-menh-tong-thong-nga-3398140/