Ông Putin nói gì sau cuộc gặp ông Zelenskiy lần đầu tiên?

Ông Zelenskiy và ông Putin đã có cuộc đàm phán song phương đầu tiên bên lề hội nghị Normandy. Sau cuộc gặp ông Putin cho hay ông hài lòng với cuộc thảo luận.

Nguồn: TWITTER

Các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức ở Paris (Pháp) tham dự một hội nghị thượng đỉnh được mong chờ từ lâu bàn về xung đột ở miền Đông Ukraine. Cuộc đối thoại nhằm khôi phục thỏa thuận ngừng bắn năm 2015 bị đình trệ.

Theo trang tin DW, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp nhau tại Cung điện Elysee hôm 9-12 để dự hội nghị cấp cao đầu tiên về xung đột Ukraine trong ba năm, gọi là hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy.

Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: GETTY

Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: GETTY

Trong đó, đây là lần đầu tiên Tổng thống Ukraine Zelenskiy gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Nga Putin. Ông Zelenskiy đặt việc giải quyết xung đột ở khu vực Donbass, thuộc miền Đông Ukraine là ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ông Zelenskiy và ông Putin đã có cuộc đàm phán song phương đầu tiên bên lề hội nghị Normandy, điện Kremlin cho biết.

Sau cuộc gặp, ông Putin cho hay ông hài lòng với cuộc thảo luận: “Đúng vậy, tôi hài lòng”.

Các nhà lãnh đạo dự kiến ra một tuyên bố chung vào cuối ngày 9-12.

Cuộc họp ở Paris nhằm đưa thỏa thuận hòa bình năm 2015 được ký bởi Ukraine và Nga ở Minsk trở lại quỹ đạo. Với Pháp và Đức giữ vai trò trung gian, thỏa thuận Minsk 2015 yêu cầu rút tất cả vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ Kiev đối với các biên giới của nước này, tự trị rộng hơn và bầu cử địa phương ở các khu vực ly khai.

Các cuộc họp được gọi là “Định dạng Normandy” giữa bốn nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine bắt đầu năm 2014, bên lề lễ kỷ niệm ở Normandy đánh dấu 70 năm cuộc đổ bộ Ngày D lớn nhất lịch sử nhân loại, với sự tham dự của bốn nguyên thủ quốc gia và chính phủ như một phần trong các nỗ lực hòa bình.

Tuy nhiên, lần cuối cùng bốn lãnh đạo quốc gia Ukraine, Nga, Pháp và Đức gặp nhau vì hội nghị thượng đỉnh Normandy là vào năm 2016.

Cuộc gặp hôm 9-12 được kỳ vọng xây dựng trên những tiến bộ đạt được trong những tuần gần đây, trong đó có một thỏa thuận trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine và việc hai nước cam kết rút binh sĩ khỏi các mặt trận ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy (trái) và người đồng cấp Nga Putin tại cuộc gặp ở Paris ngày 9-12. Ảnh: GETTY

“Nhiều người đang hy vọng rằng bước tiếp theo có thể được thực hiện tối nay tại Paris, đó là rút một phần vũ khí hạng nặng” - PV Georg Matthes của DW cho biết.

Ông Putin dự kiến dùng hội nghị thượng đỉnh này để gia tăng sức ép lên người đồng cấp Ukraine buộc tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk, đặc biệt là trao cho các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát thêm quyền tự trị và cho phép họ tổ chức bầu cử để đổi lấy chấm dứt cuộc chiến.

“Chúng tôi sẽ hy vọng vào các thỏa thuận bổ sung, trong đó sẽ đưa tới khả năng chấm dứt xung đột, sẽ đảm bảo an toàn cho người dân ở Donbass, đảm bảo các quyền của họ, được quy định trong thỏa thuận Minsk… và sẽ giúp đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột này” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói ngày 6-12.

Về phần mình, Tổng thống Zelenskiy hy vọng sẽ điều chỉnh lịch trình của thỏa thuận, theo đó cho phép Ukraine kiểm soát trở lại các biên giới với Nga trước khi tổ chức bầu cử địa phương ở những khu vực ly khai, thay vì như quy định trong thỏa thuận. Moscow đã phản đối bất kỳ sự thay đổi nào về tiến độ của thỏa thuận.

Những tiến bộ trong các nỗ lực hòa bình cuối cùng có thể dẫn đến việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp vào Nga vì vai trò của nước này trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến trong tuần này sẽ gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm sáu tháng.

“Tôi không thấy có lý do gì để thay đổi bất cứ điều gì trong chính sách trừng phạt của EU nhằm vào Nga trong vấn đề này” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói ở Brussels (Bỉ), thêm rằng “Sẽ rất tốt nếu chúng tôi có thể đạt được điều đó vào lúc nào đó”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục những gì chúng tôi nghĩ là đúng đến thời điểm này - gia hạn lệnh trừng phạt - bởi vì những nguyên nhân dẫn tới trừng phạt tiếp tục tồn tại” - ông Maas nói.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-putin-noi-gi-sau-cuoc-gap-ong-zelenskiy-lan-dau-tien-876443.html