Ông Putin: Mỹ nợ 22.000 tỷ USD, điều gì xảy ra tiếp?

Nợ công của Mỹ đã tăng hơn gần 3 nghìn tỷ USD trong hơn 2 năm qua kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, mức nợ công của nước này đã vượt qua 23.000 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nợ công của Mỹ đạt tốc độ nhanh kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017.

Số liệu này đã tăng khoảng 16% kể từ ngày ông Trump tuyên thệ và chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, khi đó nợ công của Mỹ ở mức 19,9 nghìn tỷ USD. Mới chỉ 10 tháng trước, con số này lần đầu tiên chạm ngưỡng 22 nghìn tỷ USD.

"Đạt mốc 23 nghìn tỷ ngay trong ngày Halloween (lễ hội hóa trang thường tổ chức ngày 31/10) là một dấu mốc đáng sợ cho nền kinh tế Mỹ và thế hệ sau này nhưng chính phủ Washington dường như không tỏ ra nao núng.

Để nợ chồng chất như vậy là không khôn ngoan và không cần thiết trong một nền kinh tế mạnh", ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành Quỹ Peter G. Peterson nhận định.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ

Trong năm tài khóa 2019, chính phủ Mỹ đã chi 376 tỷ USD chỉ để trả tiền lãi cho khoản nợ công, bằng gần một nửa chi phí quốc phòng, và cao hơn chi phí dành cho giáo dục, nông nghiệp, vận tải và nhà ở.

Nợ công của Mỹ đã tăng hơn gần 3 nghìn tỷ USD trong hơn 2 năm qua kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Dưới 8 năm đương nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama, nợ công của Mỹ tăng từ 10,6 nghìn tỷ USD lên 19,9 nghìn tỷ USD. Điều này khiến ông đối mặt với chỉ trích gay gắt từ đảng Cộng hòa.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Washington Post năm 2016, ông Trump từng tuyên bố sẽ cắt giảm nợ công trong vòng 8 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nợ công đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Với người dân Mỹ, nợ công tăng cao là một vấn đề đáng lo ngại, bởi theo thời gian, nó có thể đẩy cao lãi suất với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, tác động tới lãi suất của các khoản thế chấp, chứng khoán công ty và các loại vay tiêu dùng, doanh nghiệp.

Nợ công lớn cũng gây khó khăn hơn cho chính phủ khi muốn tăng cường chi tiêu để đối phó với đợt suy thoái tiếp theo, hoặc dành thêm tiền cho các chương trình đào tạo lại công nhân, hỗ trợ người nghèo và nhiều chương trình khác.

Giám đốc điều hành Quỹ Peter G. Peterson cho rằng, những nguyên nhân lớn nhất của việc nợ quốc gia tăng cao là tình trạng dân số già, chi phí chăm sóc sức khỏe cao, các khoản thanh toán lãi suất tăng, cùng với chính sách thuế.

Rủi ro từ đồng USD

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông cuối năm 2019 (thời điểm nợ công của Mỹ chạm ngưỡng 22 nghìn tỷ), Tổng thống Nga Putin cho biết, có một xu thế toàn cầu cho thấy, các quốc gia dường như đã hạn chế việc sử dụng đồng USD trong giao dịch quốc tế.

"Do phải đối mặt với một số vấn đề liên quan tới việc thanh toán bằng đồng USD, ngày càng nhiều quốc gia muốn sử dụng đồng nội tệ để thực hiện giao dịch. Hơn nữa, việc sử dụng đồng nội tệ sẽ tạo nên sự bền vững về mặt tài chính, góp phần phát triển thương mại song phương. Chúng ta sẽ dần dần chuyển dịch sang xu thế này", ông Putin đánh giá.

Theo ông Putin, đồng USD hiện là một công cụ tài chính ẩn chứa nhiều rủi ro.

"Khoản nợ nước ngoài của Mỹ đã lên tới 22.000 tỷ USD. Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp? Ai có thể đoán trước được?". Ông Putin cho biết, Nga đang đa dạng hóa các khoản ngoại hối và nợ công nhằm tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính.

Tổng thống Putin thừa nhận, vẫn có những rủi ro nếu như các quốc gia giao dịch bằng động nội tệ, nhưng các rủi ro này có thể kiểm soát và hạn chế. "Rủi ro tồn tại mọi nơi và chúng cần được hạn chế và để làm được điều này, sự đa dạng là cần thiết", ông Putin lý giải.

Trường An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-putin-my-no-22000-ty-usd-dieu-gi-xay-ra-tiep-3390694/