Ông Putin là bậc thày hay Mỹ nhường Nga?

Người Mỹ thừa nhận trình độ bậc thày của Tổng thống Nga tại khu vực Trung Đông trong khi cay đắng trước sự nhún nhường của Mỹ.

Ông Putin có quá nhiều quân bài

Tờ Wall Street Journal của Mỹ mới đây có bài viết bình luận về bước đi mới nhất của Mỹ tại Syria. Theo đó, thỏa thuận mới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp mở rộng vai trò của Moscow như một nhà trung gian quyền lực ở Trung Đông, đồng thời một lần nữa chứng tỏ kỹ năng của ông Putin trong việc tạo dựng sức mạnh cho Nga và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.

Theo tờ báo Mỹ, Tổng thống Putin đạt được thỏa thuận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Ankara thiết lập vùng đệm dọc biên giới với nước láng giềng Syria, tạo ra hố ngăn cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đưa Ankara xích lại gần hơn với điện Kremlin.

Wall Street Journal thừa nhận, ông Putin chứng tỏ mình là người có khả năng xử lý các quan hệ khó khăn và bất ổn theo cách thức mang lại ưu thế cho Nga. Nhà nghiên cứu Alexei Malashenko gọi đây là “chỉ dấu xác nhận phong cách Putin”.

Tổng thống Nga V. Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan tại Sochi ngày 22/10

Tổng thống Nga V. Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan tại Sochi ngày 22/10

Ví dụ được tờ báo Mỹ nêu ra như việc ông Putin đã thành công khi tạo dựng quan hệ thân thiết với cả Iran và đối thủ không đội trời chung của Tehran là Israel. Tổng thống Putin cũng đã củng cố quan hệ đối tác với nhà lãnh đạo Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi, người đã cùng ông Putin đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh kinh tế Nga-châu Phi trong tuần này.

Nhà lãnh đạo Nga phát triển quan hệ chiến lược thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và liên tục lên tiếng bảo vệ ông Trump khi Tổng thống Mỹ bị chỉ trích ở trong nước. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Buenos Aires hồi năm ngoái, ông Putin cũng đã có màn tiếp xúc thân thiện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Giới phân tích cho rằng quan hệ với Tổng thống Erdogan là quan hệ được ông Putin gây dựng một cách phức tạp. Nhà lãnh đạo Nga đã thuyết phục người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng Nga mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lợi ích hơn là Mỹ, cùng lúc nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng như mối liên kết giữa Moscow với cộng đồng người Kurd vốn bị ông Erdogan xem là kẻ thủ.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ

Mới chỉ 4 năm trước, quan hệ giữa Moscow với Ankara xuống đáy sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga trên khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 đã tạo điều kiện cho Nga khoét sâu vào điểm bất ổn trong quan hệ của ông Erdogan với Mỹ.

Phương Tây đã không hỗ trợ hay bảo vệ ông Erdogan sau chính biến. Washington cũng từ chối chấp nhận yêu cầu của Ankara về việc trục xuất giáo sĩ Fethullah Gulen - người mà ông Erdogan cáo buộc là đứng sau cuộc đảo chính.

Nhà nghiên cứu Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, cho rằng cuộc đảo chính khiến ông Erdogan bị tổn thương cùng cực. Nga đã nắm lấy cơ hội này và “lôi kéo” Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó, nhà lãnh đạo Nga đã tìm cách đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tách xa khỏi Mỹ.

Tổng thống Nga đã thuyết phục ông Erdogan mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga trị giá 2,5 tỉ USD, một động thái khiến Washington tức giận vì Mỹ xem thương vụ này vi phạm điều khoản của liên minh NATO. Mỹ ngay lập tức cấm Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận máy bay chiến đấu F-35 mà Ankara dự định đặt mua nhưng ngay lập tức Nga đã đề nghị ông Erdogan chuyển sang mua tiêm kích Su-57 của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp "ngắm" Su-57 của Nga

Giới phân tích Mỹ cho rằng Nga có khả năng gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua những kết nối với đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Nga có được từ thời Liên Xô, nhưng lại là "cái gai trong mắt" ông Erdogan. PKK vẫn được đánh giá là một nhân tố tạo ưu thế cho chính sách của Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ khi xét đến quan hệ lâu đời 4 thập kỉ giữa giới tinh hoa an ninh Nga với PKK.

Điện Kremlin còn có những công cụ khác trong tay, nổi bật là khả năng điều chuyển dòng khách du lịch Nga. Theo Hiệp hội các nhà vận hành du lịch Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến phổ biến nhất đối với khách du lịch Nga năm 2018. Ngoài ra, Moscow cũng có thể cắt đứt nguồn cung ứng khí đốt tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ - nước có đến 47% nhu cầu khí đốt nhập từ Nga.

Mỹ nhường Nga?

Trong động thái mới nhất ở Syria, Mỹ đã đưa quân tăng viện vào miền Đông quốc gia Trung Đông này với cái cớ ngăn chặn IS tiếp cận các mỏ dầu. Theo Wall Street Journal, việc Mỹ để khoảng 500 binh sĩ ở lại miền Đông Bắc Syria, đồng thời điều động hàng chục xe bọc thép chiến đấu và thiết bị quân sự khác đến Syria là sự đảo ngược quyết định rút binh sĩ Mỹ mà Tổng thống Trump mong muốn ban đầu.

Những lựa chọn này cũng sẽ thay đổi các mục tiêu của Mỹ, từ việc chống IS đến việc bảo vệ các mỏ dầu ở miền Đông Syria với số binh sĩ bổ sung và năng lực quân sự mới. Washington coi việc bảo vệ những mỏ dầu này là một lợi thế tiềm năng trong các cuộc đàm phán sau này về Syria.

Mỹ đưa lực lượng tăng viện tới miền Đông Syria báo hiệu ý đồ đảo ngược chính sách?

Trong một dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ để lực lượng IS tái nhóm chiếm được những mỏ dầu này”. Sau khi hạ lệnh rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi miền Đông Bắc Syria, ông Trump sau đó đã nhất trí để khoảng 200 binh sĩ ở lại miền Đông Bắc Syria để bảo vệ các giếng dầu.

Trong khi đó, hãng tin AP của Mỹ bình luận rằng, với việc đột ngột rút khỏi cái mà ông Trump gọi là “bãi cát dính máu”, vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã “nhượng lại” phần ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực rộng lớn này cho các đối thủ và dường như đẩy Trung Đông vào một chu kỳ bất ổn mới.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói: “Câu hỏi duy nhất chưa được trả lời đó là có phải Tổng thống Trump đang hành động trực tiếp theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hay có phải ông đang cố tình không nhận thấy sai lầm của ông ta”.

Lực lượng Nga tuần tra ở thị trấn Amuda, miền Bắc Syria

Trump đã phản ứng trước thái độ hoài nghi: “Nhiệm vụ của quân đội chúng ta không phải là làm cảnh sát trên khắp thế giới. Các quốc gia khác phải tham gia và chia đều công việc. Điều đó đến nay vẫn chưa được thực hiện. Bước đột phá hôm nay là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu đó”.

Theo AP, với việc hoàn toàn ủng hộ Nga thiết lập quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ để tuần tra biên giới Syria, Tổng thống Trump dường như chấp thuận tham vọng của Moscow hướng tới giành ảnh hưởng lớn hơn tại Syria. Hãng tin Mỹ cáo buộc Tổng thống Trump đang làm đảo lộn nỗ lực trước đó của Washington trong việc hạn chế ảnh hưởng của Nga ở quốc gia Trung Đông duy nhất mà họ có sự hiện diện quân sự lâu dài.

Chuyên gia Mỹ Seth Jones nói: “Mỹ đã thực sự nhượng ảnh hưởng và quyền lực tại Syria cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất trong dài hạn là Mỹ không còn là cường quốc trong khu vực. Và cường quốc đó chính là Nga”.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-putin-la-bac-thay-hay-my-nhuong-nga-3390259/