Ông Phan Xuân Dũng: Việc điều tiết nguồn nước vẫn còn những hạn chế

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, nhấn mạnh tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên ở cả mùa mưa cũng như mùa khô.

ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Ngày 17/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập" với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Đánh giá về vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đạp ở Việt Nam, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên.

Theo ông Phan Xuân Dũng, đây cũng là thách thức đối với quản lý và an ninh nguồn nước hiện nay, khi mà mùa mưa thì thừa nước gây lũ lụt cục bộ, lũ quét trong khi mùa khô thì thiếu nước, khô hạn, nước mặn xâm nhập.

Việc quản lý, điều tiết nguồn nước vẫn còn một số hạn chế như điều tiết nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, tích trữ nước vào mùa mưa để phòng hạn hán hay vấn đề sử dụng nước lãng phí còn diễn ra ở nhiều nơi - ông Dũng nhấn mạnh.

Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân ở một số nơi còn khó khăn. Trong khi đó, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng góp phần đe dọa nước ngọt của các con sông, ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi.

Mặt khác, vẫn còn tinh trạng ô nhiễm nguồn nước, có nước nhưng không sử dụng được hoặc phải tốn chi phí lớn để xử lý. Khả năng giữ nước bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn, thảm thực vật, khai thác quá mức nước đầu nguồn của các nước xung quanh.

Đối với an ninh hồ đập, trong số gần 7.000 đập, hồ thủy lợi, thủy điện, hiện đã có hơn 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ đập hư hỏng, xuống cấp nặng, trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn.

Nhấn mạnh an ninh nguồn nước là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng lưu ý cần có giải pháp quản lý nước một cách tổng thể, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề điều tiết nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước.

Nhiều địa phương sẽ thiếu nước nghiêm trọng

Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, trong khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp.

Riêng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian gần đây, lượng mưa ít, lũ về chậm, mực nước lòng sông thấp nên lượng nước không đủ cho sinh hoạt, sản xuất và tưới cho cây trồng.

"Các vấn đề này cần được nghiên cứu khoa học và dựa trên cơ sở quy hoạch tốt hệ thống thủy lợi cho 20-30 năm tới", đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Trọng Huyền

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ong-phan-xuan-dung-viec-dieu-tiet-nguon-nuoc-van-con-nhung-han-che-115569.html