Luật sư 'sốc' khi ông Phan Văn Vĩnh chậm báo cáo cấp trên 50 ngày

Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tiếp tục bước lên bục khai báo để trả lời thẩm vấn sáng 20/11.

Ông Phan Văn Vĩnh dung túng cho ổ bạc nghìn tỷ ra sao? Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo về việc công ty bình phong vận hành 2 game bài có dấu hiệu đánh bạc trá hình nhưng ông Vĩnh dung túng, không chấp hành chỉ đạo.

Sáng 20/11, phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh về việc dung túng cho trùm cờ bạc.

Hôm qua (19/11), HĐXX dành gần trọn buổi chiều để thẩm vấn ông Vĩnh về việc chấp nhận công ty CNC của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương làm công ty bình phong cũng như việc tạo điều kiện cho game Rikvip hoạt động.

Đồng tình với nội dung cáo trạng truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, ông Vĩnh nói rất day dứt và hối hận vì chuyện xảy ra.

Tuy nhiên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phần trần rằng mãi sau này ông mới biết công ty bình phong hợp tác vận hành game bài Rikvip. Ông Vĩnh nói vì thiếu thông tin, trong khi cấp dưới khẳng định CNC không phải game đánh bạc nên bị cáo đã đề nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện cho Rikvip thí điểm hoạt động.

Ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát. Ảnh: Việt Linh.

“Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tôi chưa có phút giây nào lơ là để cho mình vi phạm pháp luật. Bị cáo chỉ có lỗi cố ý gián tiếp”, ông Vĩnh tin rằng nếu nắm được thông tin thì sẽ chỉ đạo để không xảy ra hậu quả lớn như vậy.

Giống như giai đoạn điều tra, Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc được Nguyễn Văn Dương tặng 27 tỷ và 1,7 triệu USD. Bị cáo khai chỉ được Nguyễn Văn Dương tặng 1 cái áo, 1 lọ thuốc bổ gan.

Còn chiếc đồng hồ Rolex, ông Vĩnh nói đã mua của Dương với giá 1,1 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo có từ việc bán cây cảnh.

08:38 20/11

08:38 20/11

Ông Phan Văn Vĩnh: Thứ trưởng Bộ công an đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương

Trả lời câu hỏi của Phạm Văn Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa), ông Phan Văn Vĩnh nói C50 không phải đơn vị có thu. Khi đơn vị có đề xuất thành lập công ty bình phong, thường vụ đảng ủy đã thảo luận. Sau đó, Tổng cục Cảnh sát có tờ trình lãnh đạo bộ phê duyệt. “Việc có thu hay không có thu, có lợi ích như thế nào do C50 chịu trách nhiệm”, ông Vĩnh nói.

Bộ Công an chưa có văn bản nào hướng dẫn thành lập mô hình công ty bình phong nhưng có một số đơn vị khác đã thành lập công ty bình phong. Có khi nào ông có chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa hoặc C50 học hỏi mô hình này không? Ông Vĩnh nói sau khi nghiên cứu thấy rằng C50 được phép thành lập nên bị cáo đồng ý đề xuất. Việc tìm hiểu, chịu trách nhiệm pháp lý do C50 chủ trì, chịu trách nhiệm. Về việc thành lập đơn vị nghiệp vụ, ông Vĩnh xin phép không đề cập sâu vì bí mật lực lượng.

Sau đó, luật sư đề cập đến công văn ông Vĩnh ký ngày 17/3/2016 trình lãnh đạo Bộ về lộ trình phát triển công ty bình phong, trong đó đề xuất để Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo CNC phát huy tiềm năng thâm nhập diễn đàn kinh tế, phát triển công cụ phòng chống tội phạm… Sau đó, Bộ trưởng có bút phê giao Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo. Trong ý thức chủ quan, niềm tin nội tâm, anh có nghĩ làm việc này là thực hiện ý kiến của Bộ trưởng không? Ông Vĩnh đáp: “Tất cả những bút phê của lãnh đạo Bộ, Tổng cục, cấp cục, mọi cán bộ chiến sĩ phải chấp hành, coi đây là mệnh lệnh”.

Do sức khỏe không được tốt, sau đó ông Vĩnh xin phép ngồi ghế trả lời thẩm vấn. Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Hóa đề cập tiếp đến công văn ông Vĩnh ký gửi lãnh đạo Bộ Công an về triển khai lộ trình phát triển CNC, trong đó có xin ý kiến về thí điểm chuyển đổi tài khoản game online sang tiền ảo hoặc ví điện tử để tạo nguồn thu phát triển hệ thống phòng thủ quốc gia về an ninh mạng.

Theo ông, Bộ trưởng bút phê kính gửi Tổng cục Cảnh đề xuất phương án có đồng ý hay không đồng ý với cảnh sát - luật sư hỏi. Ông Vĩnh nói việc này đã trả lời hôm qua, chỉ nói ngắn gọn: “Văn bản này đã thể hiện ý chí của người bút phê”.

08:43 20/11

Ông Phan Văn Vĩnh: Không có thế lực nào tấn công, ép buộc tôi

Về việc ông Vĩnh khai do áp lực công việc nên quên báo cáo Thứ trưởng Lê Quý Vương về 2 game bài do CNC vận hành, luật sư Hùng truy vấn: Với tư cách luật sư, tôi thấy sốc. Ngoài 2 lý do đó ra thì có lý do nào khác, có thế lực nào khác đe dọa mà bị cáo mãi 50 ngày sau mới báo cáo Thứ trưởng?

Xin đề cập sâu, ông Vĩnh nói “lực lượng công an nhân dân, đặc biệt cá nhân tôi và Tổng cục Cảnh sát không có một thế lực nào là đối tượng bên ngoài tấn công, ép buộc chúng tôi”.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nói công văn của Thứ trưởng Lê Quý Vương gửi đích danh ông Vĩnh và 2 người khác. Sau 3 ngày, bị cáo đã bút phê kính chuyển C50 dự thảo báo cáo. Công văn lần 2 gửi đích danh cả 3 người.

"Lỗi của tôi là quên không đôn đốc tiếp sau đó để ông Hóa (Nguyễn Thanh Hóa) gửi sớm văn bản cho Thứ trưởng", ông Vĩnh trả lời và nói cách đề cập của luật sư đang “trừu tượng một cách rất xa”.

Ảnh: Việt Linh.

08:45 20/11

Ông Phan Văn Vĩnh: 'Không có thế lực nào đứng sau đe dọa tôi' Khi được hỏi về lý do chậm chễ trả lời công văn 1314 của Thứ trưởng Lê Quý Vương, ông Vĩnh khẳng định ngoài áp lực công việc và vô tình lãng quên thì không có lý do nào khác.

09:20 20/11

Ông Vĩnh nói về chủ trương lập công ty nghiệp vụ của C50

Sáng 20/11, khi xét hỏi thân chủ của mình, luật sư Lê Hồng Khanh đề nghị ông Phan Văn Vĩnh nhắc lại lý do vì sao Tổng cục Cảnh sát và C50 chọn Nguyễn Văn Dương cùng CNC là công ty nghiệp vụ.

Đáp lời người bào chữa, cựu Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh cho biết về chủ trương lập công ty nghiệp vụ của C50, một Thứ trưởng Bộ Công an đã bút phê đồng ý. Khi đó, vị lãnh đạo này đề nghị chọn đơn vị nghiệp vụ phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

“Sau đó, chính Thứ trưởng đã trực tiếp giới thiệu Nguyễn Văn Dương cho tôi”, ông Vĩnh khai.

Luật sư Khanh tiếp tục hỏi, quá trình chỉ đạo C50 và các đơn vị thuộc Tổng cục, ông Vĩnh chỉ đạo về định hướng, chủ trương hay “nắm tay chỉ việc” đối với từng vụ việc cụ thể. Ông Vĩnh trả lời rằng câu hỏi đi sâu vào nội bộ của ngành nên có thể từ chối.

“Tuy nhiên tôi xét thấy chưa đến mức cần phải bảo mật nên tôi xin trình bày, khi chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, tôi chỉ đạo về định hướng”, bị cáo sinh năm 1955 nói.

Vậy ông với ông Hóa, ngoài quan hệ cấp trên và cấp dưới thì còn có quan hệ nào khác? Nghe câu hỏi, ông Phan Văn Vĩnh ngoái đầu, cười rồi khẳng định, ngoài tình cảm nghề nghiệp, ông và cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa ở 2 quê khác nhau nhưng hội tụ về cùng chung lý tưởng, mục đích với trách nhiệm của người chiến sĩ CAND.

“Ngoài đời thường, chúng tôi còn là anh em”, bị cáo giãi bày.

09:22 20/11

Phan Văn Vĩnh nhận lỗi vì ít am hiểu công nghệ thông tin

Tiếp tục xét hỏi thân chủ, luật sư Nguyễn Minh Tâm đề nghị ông Phan Văn Vĩnh xem xét bản thân có lỗi hay không khi biết CNC tổ chức đánh bạc nhưng vẫn ký văn bản mà ông Nguyễn Thanh Hóa trình lên. Cựu tổng cục trưởng 63 tuổi cho biết, trong bối cảnh khi ông ký văn bản đồng ý về thỏa thuận giữa C50 và CNC mà ông Hóa trình lên vào tháng 11, thì đến tháng 12 ông Vĩnh được Thủ tướng quyết định cho nghỉ chờ chế độ.

“Lúc đó chúng tôi chỉ trao đổi với nhau, tôi không xem nội hàm văn bản đó”, bị cáo trần tình.

Ông thấy mình có lỗi gì trong việc này không? Trả lời, ông Vĩnh thừa nhận có lỗi và lý giải, do bản thân ít am hiểu về công nghệ thông tin.

“Lẽ ra là chỉ huy tôi phải được tiếp cận sớm nhưng ở C50 đã có đội ngũ điều tra viên có đủ sức mạnh để tấn công bất kỳ tổ chức nào sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội”, ông Vĩnh khai và cho biết, lúc đó, ông có niềm tin cấp dưới có đủ sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ.

09:27 20/11

Ông Vĩnh: Gọi CNC là công ty bình phong không chính xác

Trong 2 yếu tố thành lập công ty bình phong là kinh tế và nghiệp vụ thì cái nào là cốt lõi? Tựa lưng vào ghế, ông Vĩnh nói trong cuộc chiến chống tội phạm, Bộ Công an luôn trân trọng những góp của các cá chân, tổ chức tự nguyện chung tay đảm bảo cuộc sống bình yên. Trên lĩnh vực kinh tế, nội hàm quyết định hợp tác giữa C50 và CNC đã nêu rõ trách nhiệm các bên.

“Người chịu trách nhiệm về quyết định hợp tác trước Tổng cục trưởng là Cục trưởng C50 và Chủ tịch HĐQT công ty CNC. Cá nhân tôi cho rằng hoạt động nghiệp vụ sẽ đánh giá chất lượng của hoạt động nghiệp vụ. Vì vấn đề bí mật nên nói tất cả ra sẽ ảnh hưởng”, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nói.

Ông Phan Văn Vĩnh cũng khai ông không có thời gian để đánh giá về CNC mà chỉ nghe qua báo cáo của C50. Bị cáo đề nghị luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án để có đánh giá cụ thể.

Vẫn theo lời khai của ông Vĩnh, thông thường đơn vị cấp dưới có nhu cầu sử dụng đơn vị nghiệp vụ sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho thành lập. Nhưng trong trường hợp CNC, cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ là người gợi ý cho Tổng cục Cảnh sát về việc thành lập công ty bình phong.

Luật sư Vũ Quy nhắc lại việc ông Vĩnh nói “bút phê là mệnh lệnh chiến đấu” và nêu câu hỏi: Giữa bút phê và ý kiến chỉ đạo khác nhau ở điểm nào? Ngay lập tức, bị cáo Phan Văn Vĩnh nói: “Cái này luật sư nên nghiên cứu về lĩnh vực khoa học về ngôn ngữ thì tốt hơn”.

Ông Vĩnh sau đó cũng từ chối trả lời trực tiếp về khoản tiền 1 tỷ đồng CNC chuyển cho Tổng cục Cảnh sát làm thiện nguyện. “Tôi nghĩ cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, nghiên cứu. Người trả lời đầy đủ nhất phải là ĐTV”.

Trả lời thẩm phán, ông Vĩnh cho rằng việc gọi CNC là công ty bình phong là không chính xác. Trong giải thích của mình, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nói bình phong là cách gọi dân dã, không đúng với hoạt động nghiệp vụ. “Bị cáo nghĩ công ty có hợp tác cần gọi công ty nghiệp vụ là chuẩn xác hơn”.

Ông Phan Văn Vĩnh liên tục ho trong khi trả lời câu hỏi của luật sư. Theo luật sư bào chữa cho ông Vĩnh, hiện nay ông mắc một số bệnh như tim mạch; bệnh vảy nến toàn thân; bệnh đái tháo đường rất nặng, bệnh lao hạch và bệnh viêm loét dạ dày.

Ảnh: Việt Linh.

09:40 20/11

Ông Phan Văn Vĩnh nói về nhận thức hành vi

Trong phần thẩm vấn sau đó, kiểm sát viên truy vấn việc Tổng cục Cảnh sát cho CNC thuê trụ sở công an và nhận thức hành vi của ông Vĩnh.

C50 ký hợp tác hoạt động nghiệp vụ với CNC đã đảm bảo 2 yếu tố là góp vốn và cử người tham gia điều hành hay không? Và nếu phải bình phong thì có được thuê tài sản công là căn nhà ở số 10 Hồ Giám? Ông Vĩnh cho rằng Cục trưởng C50 có trách nhiệm thực hiện các quy định về quản lý kinh tế và nghiệp vụ. Lúc này, toàn bộ các vấn đề về pháp lý thuộc về C50, không phải trách nhiệm cá nhân bị cáo. Việc cho thuê căn nhà ở phố Hồ Giám, ông Vĩnh vẫn cho rằng đó là căn hộ nhỏ lẻ liền kề nhà dân nên phù hợp để hóa trang. Ông chỉ đồng ý về chủ trương, còn trách nhiệm thuộc về cấp phó phụ trách hậu cần và C50.

Hiệu quả CNC so với hậu quả cái nào lớn hơn? Đáp lời, cựu Tổng cục trưởng nói mọi so sánh đều không đầy đủ nhưng thừa nhận hậu quả là rất nặng nề.

Với tư cách Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, từng đánh giá chứng cứ, bị cáo thấy mình có phạm tội như viện kiểm sát truy tố không? “Việc đánh giá chứng cứ, định tội là của viện kiểm sát. Rất mừng là quý viện cho tôi được trình bày”, ông Vĩnh cho rằng cáo trạng truy tố là đúng song mong HĐXX công tâm soi xét từng chứng cứ vật chất để định tội và lượng hình.

Kiểm sát viên cho rằng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn là cố ý trực tiếp, còn bị cáo thừa nhận bản thân chỉ có lỗi cố ý gián tiếp. Bị cáo có rút lại lời nhận tội không – đại diện cơ quan công tố hỏi. Ông Vĩnh nói không có gì bất nhất trong lời khai của ông. Cựu Tổng cục trưởng mong HĐXX soi xét kỹ từng vấn đề như việc cho thuê căn nhà ở số 10 Hồ Giám hay ông có biết CNC hoạt động đánh bài hay không để tuyên ông hình phạt xứng đáng.

10:38 20/11

Lúc 9h30, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa lên bục xét hỏi. Mặc sơ mi hồng nhạt, bên ngoài khoác áo sẫm màu, ông Hóa khai gặp Dương khi đi hội đền Trần (Nam Định) năm 2010. Lúc đó, xe của một người bạn ông Hóa bị xử lý do đỗ sai chỗ. Nghe mọi người nói Nguyễn Văn Dương quen Giám đốc công an tỉnh, có thể xử lý nên cựu Cục trưởng C50 đã liên hệ.

Nhắc đến Phan Văn Vĩnh, ông Hóa nói cấp trên là người thông minh, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Giữa họ không có mâu thuẫn.

Được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 năm 2009, Nguyễn Thanh Hóa khai đơn vị của ông ban đầu chỉ có hơn 30 người, có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do tập trung vào các việc khác nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.

Nguyễn Thanh Hóa khai cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ lúc đầu đề nghị cho cháu làm công ty bình phong của C50. Khi bị cáo nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương. Sau đó, ông Hóa gặp Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh bảo Nguyễn Thanh Hóa làm tờ trình để Tổng cục duyệt.

“Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu”, ông Hóa khai Bộ Công an không có quy định chung về thành lập công ty bình phong. Các đơn vị khác hướng dẫn có 3 hình thức làm công ty bình phong gồm bỏ tiền làm, đóng góp tiền để liên kết hoặc dùng lợi thế sản phẩm trí tuệ.

Ban đầu, C50 báo cáo Tổng cục ghi là lợi thế doanh nghiệp nhưng do đơn vị không có đội ngũ kỹ thuật, nhân lực chủ yếu là cảnh sát điều tra về kinh tế nên dừng việc góp vốn về lợi thế. Trong các báo cáo sau đó, C50 đều thể hiện góp vốn mức 20%.

Ảnh: Việt Linh.

10:56 20/11

Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận sự liên quan với công ty CNC Sáng 20/11, ông Nguyễn Thanh Hóa khẳng định chỉ ký bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với công ty CNC, không hề ký văn bản thỏa thuận vì không đủ điều kiệu thành lập công ty bình phong

11:52 20/11

CNC hợp tác phát hành Rikvip chỉ bị xử phạt hành chính?

Cuối phiên làm việc sáng 20/11, thẩm phán Nguyễn Thị Thuy Dương tiếp tục truy vấn cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa về trách nhiệm cá nhân trong vụ án. Nhiều lần nữ chủ tọa phải cắt lời, yêu cầu bị cáo trả lời vào trong tâm câu hỏi.

Khai với HĐXX, Nguyễn Thanh Hóa nói CNC phối hợp hóa trang nghiệp vụ. Giống như các công ty nghiệp vụ khác, cơ quan công an khi cần mới sử dụng CNC. Bị cáo khai giao cho Phòng tham mưu theo dõi, nắm bắt thông tin về công ty bình phong. Còn ông Hóa chịu trách nhiệm cao nhất về nghiệp vụ hóa trang. CNC phải chịu trách nhiệm về pháp luật như doanh nghiệp bình thường khác.

Khi nào bị cáo biết CNC hợp tác với VTC online phát hành game bài? Nguyễn Thanh Hóa đáp: Nói đúng sự thật có thể quý tòa cho ông là loanh quanh. Cá nhân ông biết trước khi thư lãnh đạo Bộ gửi về, Phòng tham mưu báo cho ông việc CNC liên kết VTC online làm cổng thanh toán cho 'con game' không có giấy phép, không nói đến vấn đề tổ chức đánh bạc. Ông Hóa nghĩ VTC online đủ giấy phép mới hoạt động.

Lúc đó, Nguyễn Thanh Hóa không chỉ đạo cấp dưới xác minh vì “game, cổng thanh toán chưa có giấy phép chưa bị xử lý hình sự”. Cựu Cục trưởng C50 cho rằng khi Bộ luật Hình sự đang thảo luận về tội kinh doanh trái phép thì vi phạm sẽ bị phạt hành chính

Theo ông việc liên kết phát hành game Rikvip có vi phạm pháp luật không? Nguyễn Thanh Hóa giải thích thời điểm đó, nhiều game online, cổng thanh toán thí điểm. Bị cáo thừa nhận C50 chưa sâu sát.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/luat-su-soc-khi-ong-phan-van-vinh-cham-bao-cao-cap-tren-50-ngay-post893579.html