Ông Phan Văn Vĩnh đề nghị không đưa bản án lên mạng: Tòa cần xem xét lý do đúng hay sai

Liên quan đến việc bị cáo Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát đề nghị không đăng bản án lên mạng, ĐBQH Phạm Hồng Phong - Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, Tòa cần xem xét lý do bị cáo đề nghị có đúng quy định hay không.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm theo dõi phiên tòa xét xử cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát (bộ Công an) Phan Văn Vĩnh và hơn 90 đồng phạm trong đường dây đánh bạc online nghìn tỷ.

ĐBQH Phạm Hồng Phong - Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM phân tích về lời đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh.

Đáng chú ý, ngày 12/11, trong phần thủ tục, Chủ tọa phiên tòa có hỏi ý kiến toàn thể các bị cáo rằng họ có đồng ý hay không về việc cơ quan tố tụng công bố bản án lên mạng sau khi tuyên án.

Đáp lại câu hỏi, cựu Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đề nghị được từ chối công bố bản án. Sau đó, Chủ tọa cho biết, chỉ cần một bị cáo từ chối, tòa sẽ không công bố bản án lên mạng.

Việc Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Thọ chấp thuận với đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh không đăng bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Xung quanh vấn đề này, bên lề Quốc hội, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong - Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng như các bị cáo khác đều bình đẳng trước pháp luật. Ông Vĩnh có quyền đề nghị Hội đồng xét xử không công khai bản án nhưng đề nghị này có được Tòa chấp nhận hay không là do Hội đồng xét xử quyết định.

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Hồng Phong cũng nhấn mạnh: “Quy định việc công bố hoặc không công bố bản án trên cổng thông tin điện tử đã được TAND Tối cao ban hành, có nêu các trường hợp cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, Hội đồng xét xử vụ án phải xem xét lời đề nghị của bị cáo có đúng với quy định hay không”.

Đại biểu Phạm Hồng Phong phân tích, theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định thì một số trường hợp bản án không công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa gồm: Bản án được tòa xét xử kín; Bản án hoặc quyết định về vụ việc được tòa xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp như có nội dung bí mật Quốc gia, nguy hại cho Nhà nước, có người tham gia tố tụng là vị thành niên (dưới 18 tuổi), bí mật về kinh doanh, bí mật về đời tư, có nội dung ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục…

Theo vị Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, nếu lý do đề nghị của ông Phan Văn Vĩnh thuộc một trong các trường hợp trên thì tòa sẽ không đăng bản án lên mạng, còn nếu lời đề nghị không phù hợp thì hội đồng xét xử có quyền từ chối và bản án vẫn đăng trên cổng thông tin điện tử bình thường.

“Quan trọng nhất là Hội đồng xét xử phải xem xét lời đề nghị của bị cáo có chính đáng, có đúng với quy định trong hướng dẫn của TAND Tối cao hay không để đưa ra quyết định”, Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong nói.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ong-phan-van-vinh-de-nghi-khong-dua-ban-an-len-mang-toa-can-xem-xet-ly-do-dung-hay-sai-a410730.html