Ông Phạm Thế Duyệt và ngành Than

Càng khó khăn, thợ mỏ càng đoàn kết, đồng tâm sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Đó là bài học được ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa V; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, X, XI - một cán bộ cao cấp của Đảng trưởng thành từ ngành Than đã đúc rút như vậy...

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, sau khi tốt nghiệp Khoa Mỏ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Phạm Thế Duyệt về làm việc tại mỏ Mạo Khê. Ông là một trong những cán bộ kỹ thuật cao và tâm huyết với ngành Than.

Ông Phạm Thế Duyệt chúc mừng thầy trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) nhân dịp trường kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất năm 2015.

Ông Phạm Thế Duyệt chúc mừng thầy trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều) nhân dịp trường kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất năm 2015.

Thời kỳ ấy, ở mỏ Mạo Khê máy móc thiết bị phục vụ khai thác than còn chưa hiện đại như bây giờ, anh em trực tiếp khai thác than trong hầm lò rất vất vả. Tuy năm 1963, mỏ đã thí điểm đưa trang bị máy bắn mìn, máy khoan hơi, máy khí nén vào các lò đá rắn ở Bình Minh; cơ giới hóa vào vận tải và đào lò xây dựng cơ bản, đưa máy xúc đá và một số xe goòng lật, tầu điện ắc quy vào kéo than lò và mặt bằng khu 58 Non Đông đã tạo ra một lớp cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, công nhân có tay nghề vững vàng và trở thành thợ lành nghề.

Tại phân xưởng sản xuất than vừa là một cán bộ kỹ thuật, ông Phạm Thế Duyệt vẫn làm việc như một công nhân. Do vậy, chỉ ít tháng sau, từ một kỹ sư, ông được bổ nhiệm làm phó quản đốc phân xưởng rồi được cử làm trưởng đoàn cán bộ công nhân của mỏ sang học tập cách thức đào giếng mỏ theo công nghệ hiện đại của Trung Quốc. Sau 2 năm, khi trở về nước, ông đã cùng các đồng nghiệp vận dụng vào thực tế đẩy tốc độ đào lò đá lên cao, góp phần tháo gỡ những khó khăn của mỏ.

Lăn lộn với cuộc sống người thợ, làm việc hết mình cho sự nghiệp phát triển của Vùng mỏ, với ông, đất mỏ thực sự là một trường học để rèn luyện bản lĩnh, tôi luyện ý thức giác ngộ giai cấp. Ông đã trải qua các chức vụ Phó phòng kỹ thuật rồi Phó giám đốc, Chỉ huy trưởng công trường Xây lắp mỏ Mạo Khê…

Chia tay thợ mỏ Mạo Khê, ông tiếp tục được điều động xuống làm Giám đốc mỏ Mông Dương, Giám đốc Công ty Xây lắp Cẩm Phả, rồi lại trở về làm Giám đốc Mỏ than Mạo Khê rồi Phó giám đốc Công ty Than Uông Bí… Cuối 1983, ông chia tay ngành than, chuyển lên giữ chức vụ Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Ông Phạm Thế Duyệt tự hào đã cùng Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi, Tổ trưởng Tổ lò chợ A1, Phân xưởng 58/3; Chiến sĩ thi đua 12 năm liền Ngô Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ lò chợ 56/3 thay mặt công nhân mỏ Mạo Khê trong đoàn đại biểu công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh gặp Bác Hồ ngày 15/11/1968 tại Thủ đô Hà Nội, được nghe Bác căn dặn: Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc… Vì thế, khi còn công tác cũng như đã nghỉ hưu ở tại Hà Nội, ông luôn dành tình cảm cho Vùng mỏ, cho thợ mỏ và cho cả các thế hệ con em của thợ mỏ hôm nay. Hơn 20 năm gắn bó với đất mỏ, trong đó có 12 năm làm quản lý, vào thời kỳ Vùng mỏ và cả đất nước đang đương đầu với chiến tranh ác liệt, mọi thứ đều thiếu thốn, đời sống công nhân mỏ cũng thực sự khó khăn, song anh em thợ mỏ vẫn đoàn kết, đồng tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc để xây dựng CNXH.

Giữa những ngày cả nước căng mình chống “giặc” Covid-19, ngành Than vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, tăng sản lượng khai thác tối đa đóng góp nguồn thu ngân sách cho tỉnh, đảm bảo việc làm cho hơn 80.000 công nhân mỏ trong khí thế sản xuất của các đơn vị tập trung “Sản xuất than như quân đội đánh giặc” nhằm khai thác nhiều “vàng đen” cho Tổ quốc, đảm bảo năng lượng phát triển kinh tế.

Nhớ lại chuyện kể của người thợ mỏ của hơn nửa thế kỷ trước, chắc chắn với ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ, ngành Than sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh và cùng chiến thắng “giặc” Covid-19.

Nguyễn Xuân (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/ong-pham-the-duyet-va-nganh-than-2485842/