Ông Phạm Thế Duyệt: Mặt trận - lòng dân

Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Phạm Thế Duyệt trăn trở về những việc cấp bách của Đảng hiện nay và cho rằng: Việc gì Đảng đang lo nhất thì Mặt trận phải vào cuộc. Mặt trận là dân, dân là Mặt trận.

PV: Thưa ông, trong không khí của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được thực hiện nghiêm túc, quyết tâm hiện nay, ông nhớ gì về những ngày thực hiện chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII khi ông đang giữ trọng trách cao trong Đảng?

Ông Phạm Thế Duyệt: Lúc đó, khi ra được một nghị quyết chuyên đề về xây dựng chỉnh đốn Đảng thì tôi nhớ là đã tạo ra một không khí tốt lắm. Quyết tâm rất lớn, Trung ương đã như đặt ra một lời thề với nhân dân quyết tâm làm bằng được việc xây dựng chỉnh đốn đảng theo di huấn của Bác Hồ.

Lúc bấy giờ đã nhận thức được tham nhũng là rất nguy hiểm. Và nhiều vụ việc lớn đều bị xử lý, tội đáng đến đâu xử đến đấy, việc nào ra việc đấy. Những vụ việc nghiêm trọng được phát hiện trách nhiệm do ai đều xử lý hết, cũng đau xót vì có nhiều người ở cương vị lãnh đạo cấp cao. Bộ Chính trị khi đó cũng rất quyết tâm, thẳng thắn, tạo sự đồng thuận thống nhất, khi kiểm điểm khuyết điểm thật rành mạch, ai đáng xử lý thì xử lý.

Lúc chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng, cũng đã bàn bạc nhiều vấn đề với thái độ thẳng thắn, đúng sai làm rõ, không mang tính một chiều. Việc xử lý và giải quyết cũng có lý có tình. Có một số việc chưa kịp làm trước Đại hội cũng đã có kết luận là sau Đại hội thì phải xem xét. Chỉ đáng tiếc là tinh thần quyết tâm của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, sau Đại hội IX thì lại bị lơi lỏng…

Ông làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN lúc đang ở cương vị Thường trực Bộ chính trị, ông có còn nhớ Mặt trận đã tham gia vào xây dựng chỉnh đốn Đảng lúc đó như thế nào?

- Tôi nhớ là có nhiều hội nghị hội thảo được Mặt trận tổ chức để đóng góp ý kiến cho Đảng. Ở Mặt trận bao giờ cũng vậy, luôn luôn có những ý kiến rất thẳng thắn, tâm huyết. Tôi nhớ lúc đó anh Phan Đình Diệu, chị Hoàng Xuân Sính, các nhân sĩ là người của chính quyền cũ, các linh mục, các hòa thượng và nhiều nhân sĩ trí thức khác … đã có những phát biểu trăn trở, chân thành, nhiệt huyết. Khóa đó năm 2002, khi thảo luận hiệp thương người ứng cử đại biểu Quốc hội, Mặt trận cũng đã tỏ thái độ rất rõ ràng. Có những người được Đảng giới thiệu rồi nhưng Mặt trận sau khi thảo luận thấy không đạt vẫn yêu cầu bỏ ra khỏi danh sách.

Lúc đó, vai trò giám sát – phản biện của Mặt trận đã rõ chưa thưa ông?

- Lúc bấy giờ qui chế về giám sát – phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể còn chưa được đặt ra. Tôi là người đã xin chủ trương và phải mấy Đại hội sau thì mới ra được. Nhưng lúc bấy giờ Mặt trận đã rất có ý thức về việc này, tiếng nói của Mặt trận rất thẳng thắn. Nhưng khi chủ trì các cuộc họp tôi cũng đã thể hiện quan điểm thẳng thắn, là Mặt trận lắng nghe hết mọi ý kiến nhưng không phải vì thế mà lợi dụng diễn đàn Mặt trận để phát ngôn sai sự thật. Tiếng nói của Mặt trận là chân tình, xây dựng, tạo dựng niềm tin cho nhân dân.

Trong nhiều lần phát biểu trên báo chí ông luôn lo ngại về việc chỉ Tổng bí thư, chỉ Bộ Chính trị quyết tâm chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn Đảng thì chưa đủ?

- Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được các đồng chí đương nhiệm thực hiện, tôi đánh giá là rất tốt. Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, Nghị quyết TƯ 4 khóa XII đâu cũng sôi nổi một không khí rất phấn chấn, tin cậy trong nhân dân, trong toàn đảng trước quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ xem, trước khi các sự việc tiêu cực, tham nhũng được phát hiện thì ở đâu cũng nghe báo cáo là tốt. Sự thực thì thế nào? Kỳ thi THPTQG vừa rồi chẳng hạn, chắc gì những nơi chưa phát hiện ra đã không có chuyện tiêu cực? Và việc sửa điểm ấy mọi năm đã có chưa? Trong khi bao nhiêu năm chúng ta nói ra rả về việc không chạy theo bằng cấp, không làm sai nhưng thực tế thì như vậy. Khi còn là Đại biểu Quốc hội tôi đã từng phát biểu, giáo dục và y tế mà bị thương mại hóa trở thành hàng hóa, buôn bán thì không đâu còn chủ nghĩa xã hội.

Nói về chống tham nhũng tiêu cực, muốn có phong trào thì phải từ dưới thực hiện lên. Phong trào đánh giá có hay không, tốt hay xấu, cao hay thấp phải thể hiện ở hành động. Chủ trương có rồi, hành động thế nào. Nhưng cũng phải thấy chưa có phong trào chứng tỏ cấp trên chưa tạo được nhận thức chung, thậm chí nếu làm không cẩn thận thì sự đơn độc cũng có khi khiến những người đang gánh vác nhiệm vụ đó cũng do dự.

Cái được, cái rất mừng là nhân dân, qua các vụ việc đã được xử lý đã xuất hiện tâm trạng phấn chấn, người dân tin, và mong làm tiếp, làm tốt hơn nữa. Cấp cao đã đưa ra chủ trương thì các cấp trực tiếp phải hành động. Tổng bí thư, Bộ Chính trị đã phát động mà tỉnh nào, ngành nào cũng hưởng ứng quyết liệt thì ra việc ngay. Hành động quan trọng lắm. Đừng để chỉ có cấp trên nói.

Đến thời điểm này, theo ông, việc trước mắt cần phải lường trước, để công tác cán bộ thực sự hiệu quả là gì, thưa ông?

- Những điều rất lo lắng thì Trung ương đều đã chỉ ra rất đầy đủ trong Nghị quyết rồi. Ở cấp chiến lược, theo tôi, 2 năm nữa lại đến đại hội nhiệm kỳ của Đảng, nếu không có cách đánh giá đúng và sớm, không rà soát kỹ, phát hiện sớm cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất thì xây dựng chỉnh đốn Đảng vẫn chưa thực chất được. Chứ không lại sau đại hội cái gì cũng tốt, như các đại hội vừa rồi, nhưng đến lúc sờ ra lại phát hiện cả loạt cán bộ sai phạm. Như thế là công tác cán bộ trước đại hội đã chưa đúng, chưa trúng. Đất nước đang hội nhập, kinh tế phát triển đi lên, thế là tốt rồi. Nhưng tôi băn khoăn trăn trở, làm thế nào để dân khen, dân tin Đảng nhiều hơn thì mới yên tâm được. Đại hội tới công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa quan trọng, vấn đề làm thế nào cho được.

Tiến hành giám sát chính sách người có công tại phường Vĩnh Ninh, TP Huế. (Ảnh: Hào Vũ).

Làm thế nào là một câu hỏi rất lớn, thưa ông, trong đó, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ở đâu?

- Chỉ có cách phát huy sức mạnh của nhân dân. Mà việc ấy là của Mặt trận. Mặt trận phải thể hiện được cái đó. Dân là Mặt trận. Mặt trận là dân. Lựa chọn cán bộ có tiêu biểu hay không, có đúng hay không là có vai trò của Mặt trận.

Đảng lãnh đạo nhưng Mặt trận phải giúp cho Đảng thể hiện được việc gì đáng làm việc gì không, cái gì đúng cái gì không đúng, lựa chọn người nào đúng người nào chưa đúng vào các vị trí lãnh đạo. Mặt trận có nhiều việc phải làm, như chăm lo người nghèo, như xây dựng cuộc sống ở khu dân cư. Nhưng hiện nay điều gì Đảng đang phải lo lắng nhất thì Mặt trận phải vào cuộc. Không biết tôi nghĩ có đúng không nhưng Đảng bây giờ chắc lo nhất phải làm thế nào để Đảng mạnh, để có niềm tin của nhân dân, để giữ vững chế độ của Bác Hồ. Thế thì việc đó Mặt trận nên coi đó là việc hàng đầu để nhân dân tham gia cùng một cách đúng đắn, chứ không phải để nhân dân tự phát bằng các cách mất an ninh xã hội như vừa rồi.

Công tác cán bộ có dân làm thì sẽ biết hết. Công an ở đâu tốt, cán bộ ở đâu tốt dân biết hết. Nếu có dân phát hiện giúp cho Đảng về công tác cán bộ thì hay biết bao nhiêu. Đại bộ phận nhân dân là tốt. Tôi mong Mặt trận tiếp tục phát huy uy tín của mình, phát huy những việc đã làm tốt để lúc này Mặt trận giúp cho Đảng trong công tác cán bộ. Sắp tới giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy là chủ trương đúng. Nhưng đừng tưởng từ 10 người xuống còn 5 người là đã tốt. Bởi vì 10 xuống 5 mà chọn không đúng, có mấy ông tốt lại loại ra thì còn nguy hơn. Ai ra ai vào, ai thôi thì lại phải chọn đúng. Đảng làm công tác cán bộ nhưng dân phải được giám sát, góp ý. Cái đó dân làm được, Mặt trận làm được.

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải có tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt. Các tổ chức thành viên của Mặt trận phải thể hiện vai của mình cho rõ. Ví dụ trí thức mà không đóng góp ý kiến thì là thiệt thòi cho sự nghiệp chung.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cẩm Thúy (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ong-pham-the-duyetmat-tran-long-dan-tintuc413189