Ông Phạm Phú Quốc không trong danh sách đầu tư vào Síp

Trong danh sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào Sip không có tên ông Phạm Phú Quốc và doanh nghiệp Tân Thuận.

Xung quanh khả năng người Việt đầu tư ra nước ngoài để có quốc tịch thứ hai, báo Dân trí dẫn lời đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khẳng định: "Chúng tôi chưa từng cấp bất kỳ giấy chứng nhận đầu tư cho cá nhân nào sang Síp cả. Và hiện tại chỉ có duy nhất doanh nghiệp đầu tư sang Síp theo dạng xúc tiến thương mại với vốn 300.000 euro)".

Theo đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư là kinh doanh ra nước ngoài chỉ được quyền hạn kinh doanh, hoặc cho thuê lại. Còn cấm mua tài sản riêng như mua nhà, mua xe.

"Hiện nay, rất khó để lợi dụng đầu tư ra nước ngoài để có tiền mua quốc tịch, mua đất đai, nhà cửa xe cộ bởi vì ai đi qua đường đầu tư chính thức sẽ bị quản lý chặt chẽ", đại diện này cho biết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định: Qua rà soát dữ liệu, trong danh sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào Síp không có tên ông Phạm Phú Quốc, tên doanh nghiệp Tân Thuận của ông này cũng không xuất hiện. Hiện Việt Nam chỉ có duy nhất một doanh nghiệp với số vốn đầu tư vào Síp khoảng 300.000 Euro - (8,4 tỷ đồng) chủ yếu về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư từ Síp về Việt Nam hoặc nhận chuyển giao công nghệ.

"Các hoạt động liên quan đến cá nhân kinh doanh ở nước ngoài với mục đích là nhận quốc tịch thì không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư, chúng tôi không bao giờ cấp. Nếu phát hiện dấu hiệu về xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài để mua quốc tịch hoặc có vấn đề không minh bạch, Cục sẽ cảnh báo và dừng cấp phép ngay", vị đại diện nói.

Trong khi đó, bình luận về sự việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ trên VOV rằng, ông Phạm Phú Quốc đang ở trong một tình thế rất khó khăn và nan giải. Trong tình thế như vậy, càng trung thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, không trung thực sẽ mất uy tín.

"Đối với một đại biểu quốc hội, uy tín có giá trị cao nhất. Bởi anh là người được nhân dân ủy quyền. Khi tổn hại xảy ra rồi thì chẳng có cách gì cứu vãn được cả. Nhưng sự tổn hại sẽ được giảm thiểu nếu anh trung thực", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm, không có quy định rõ ràng nào cho đại biểu Quốc hội phải có 1 quốc tịch hay 2 quốc tịch. Nhưng tiền lệ thì đã có, Quốc hội đã miễn nhiệm 1 đại biểu vì có 2 quốc tịch mà không khai báo.

Tuy nhiên, theo ông, "vấn đề không chỉ là pháp lý, vấn đề còn là uy tín. Liệu một công dân Việt Nam có sẵn sàng ủy quyền cho một công dân Síp đại diện cho mình ở Quốc hội không? Rõ ràng không ổn đối với các cử tri, về mặt đạo lý là không được. Anh có thể tính toán cá nhân của anh thế nào đó, nhưng khi anh đang làm đại biểu Quốc hội thì anh bị ràng buộc về mặt pháp lý, về mặt đạo đức và về mặt chính trị".

Để chấn chỉnh tình trạng buông lỏng kiểm tra giám sát cán bộ, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, cần bắt đầu từ việc lựa chọn đại biểu Quốc hội hoặc quan chức. Bây giờ phải có những công cụ đo đếm, định tính chứ không phải định lượng. Cần công cụ đo đếm được hành vi. Chẳng hạn như nếu nói anh trung thành, thì phải cho thấy được bao nhiêu lần anh đã làm những điều gì cho đất nước.

Thứ hai là kiểm tra giám sát phải tăng cường. Phải bắt đầu từ việc phát hiện của người dân, của đồng nghiệp. Ta phải làm thế nào để bảo vệ được những người dám tố cáo. Bên cạnh đó là phát huy sự giám sát của báo chí và mạng xã hội.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ong-pham-phu-quoc-khong-trong-danh-sach-dau-tu-vao-sip-3418042/